Bệnh viện vẫn tốn tiền tỷ in phim chụp mỗi năm vì yêu cầu khi thanh toán bảo hiểm y tế
Nếu được chấp nhận thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) cho việc không in phim chụp X-quang, cộng hưởng từ, cắt lớp vi tính, các bệnh viện sử dụng hệ thống PACS có thể tiết kiệm hàng tỷ đồng mỗi năm.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy Việt Nam có gần 1.500 bệnh viện công lập, hơn 380 bệnh viện tư nhân, gần 70.000 phòng khám tư. Theo yêu cầu trong Thông tư 46/2018 của Bộ Y tế, đến hết năm 2023 tất cả bệnh viện hạng I phải triển khai bệnh án điện tử. Đến nay chỉ mới có hơn 100 bệnh viện công bố chuyển dùng loại hình bệnh án này (trong đó chỉ hơn 30 bệnh viện hạng I trở lên) dù lợi ích của bệnh án điện tử không chỉ dừng ở việc thuận lợi cho quá trình khám chữa bệnh mà còn bảo vệ môi trường.
Bệnh án điện tử giúp bệnh viện sạch hơn
“Tiến độ này chưa như kỳ vọng”, Bộ Y tế đánh giá tại Hội thảo hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn triển khai hồ sơ bệnh án điện tử diễn ra hồi tháng 10. Dù theo Bộ Y tế, 100 bệnh viện này “không sử dụng bệnh án giấy”, nhưng thực tế không ít đơn vị y tế vẫn dùng song song hai loại hình bệnh án.
Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) là đơn vị y tế hạng II, quy mô 500 giường. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Giám đốc Trung tâm, cho biết sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử giúp bệnh viện quản lý, giảm thiểu chất thải y tế, đảm bảo tiêu chí “sạch”.
Bác sĩ Hoa cho biết trung tâm chính thức thực hiện bệnh án điện tử từ năm 2022. Đến nay, tất cả hồ sơ bệnh án đều lưu giữ trên hệ thống phần mềm. “Bệnh viện vẫn lưu trữ bệnh án giấy do còn giấy tờ, biểu mẫu, phiếu liên quan chữ ký trực tiếp (chữ ký “tươi”) của người bệnh, song song với dùng bệnh án điện tử", bác sĩ Hoa cho biết.
Vị giám đốc cho biết một bệnh án giấy có thể lên tới 50-60 tờ giấy A4, nay chỉ còn 4-5 tờ. “Mỗi năm, đơn vị khám chữa bệnh nội trú khoảng 22.000 bệnh nhân. Nếu tất cả đều sử dụng bệnh án giấy, khối lượng giấy in sẽ lên tới 1,1 triệu tờ. Nay, với bệnh án điện tử, lượng giấy in giảm chỉ còn 1/10”, ông Nguyễn Hữu Hoàng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn, cho biết.
Tương tự, Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ dù đã triển khai bệnh án điện tử ngay khi thành lập nhưng hiện vẫn còn lưu bệnh án giấy chứa một số bản cam kết mang tính chất pháp lý (giấy tờ cần chữ ký “tươi” của bệnh nhân).
Lãnh đạo Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ và Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn cho hay việc các đơn vị y tế chuyển dần từ rửa phim X-quang sang kỹ thuật số, chuyển đổi số, lưu trữ trên Hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y khoa (PACS) là bước tiến lớn trong việc giảm phát sinh dung dịch rửa phim - chất thải lỏng nguy hại; giảm thiểu mực in, giấy in hay chất thải nhựa từ phim chụp X-quang, cộng hưởng từ (MRI) hay cắt lớp vi tính (CT) ra môi trường.
Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Trọng Quỳnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ, cho biết sử dụng bệnh án điện tử, lưu trữ hình ảnh phim chụp trên PACS sẽ hạn chế tối đa việc in bệnh án hay các phiếu chỉ định bằng giấy, vừa giúp tiết kiệm chi phí in ấn hay không gian lưu trữ thực tế; chi phí điện, hút ẩm; giảm chi phí tiêu huỷ hồ sơ bệnh án khi hết hạn mà còn bảo vệ môi trường (giảm bụi bặm, ô nhiễm môi trường). "Sử dụng bệnh án điện tử, PACS, giúp bệnh viện sạch hơn", các cơ sở cho hay.
Chuyển dùng bệnh án điện tử nhưng vẫn phải in phim nhựa
Phú Thọ là địa phương thuộc top đầu cả nước về tỉnh/thành có nhiều đơn vị y tế sử dụng bệnh án điện tử. Tuy nhiên, tương tự nhiều địa phương, các bệnh viện sử dụng PACS ở tỉnh này nếu không in phim nhựa ra thì Bảo hiểm xã hội không thanh toán cho phim đó do Bộ Y tế chưa có hướng dẫn cụ thể về đơn giá BHYT. Hiện chỉ có Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ và Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (trong nhóm thí điểm theo đề án của Bộ Y tế) được thanh toán BHYT mà không cần in phim.
Với những bệnh nhân không sử dụng BHYT, các cơ sở có 2 phương thức trả kết quả chụp chiếu cho bệnh nhân là qua mã QR hoặc in ra đĩa.
Tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn, ông Hoàng cho biết mỗi năm đơn vị dành hơn 1,1 tỷ đồng để nhập phim về để in cho bệnh nhân. Trong khi đó, 10 tháng đầu năm nay, Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ in khoảng hơn 52.100 phim X-quang, hơn 3.300 phim CT, MRI. Chi phí cho việc mua phim trung bình khoảng 26.000 đồng/phim, chưa kể chi phí mực in, điện…
Thực tế, tại các bệnh viện lớn như Bạch Mai, mỗi năm tiêu tốn 70 tỷ đồng cho việc in phim chụp chiếu, khoảng 3 tỷ đồng tiền mua mực, 4-5 tỷ đồng tiền mua giấy để in các loại giấy tờ chỉ định. Bệnh viện này tính toán ngân sách y tế tiết kiệm được gần 80 tỷ đồng khi áp dụng bệnh án điện tử, không cần in giấy tờ và phim chụp.
Theo tính toán của Bộ Y tế vài năm trước, chi phí để mua phim chụp mỗi năm của các bệnh viện ở Việt Nam là khoảng 2.000 tỷ đồng. PGS.TS Trần Quý Tường, Chủ tịch Hội Tin học y tế Việt Nam, cho hay với phần mềm PACS khi ứng dụng ở nước ta, chi phí chỉ bằng 50% giá trị phim. PACS nếu được triển khai đồng bộ không chỉ giúp các cơ sở y tế tiết kiệm, nâng cao chất lượng chẩn đoán mà còn bảo vệ môi trường vì không phải in phim.
5 năm trước, Bộ Y tế cho biết cả nước có 23 cơ sở y tế đang thực hiện dịch vụ chụp X-quang, CT, MRI không in phim và được thanh toán BHYT. Ngày 27/11, lãnh đạo Trung tâm Thông tin y tế quốc gia thuộc Bộ Y tế cho biết con số này “vẫn như cũ”.
Trung bình, mỗi bệnh viện tuyến tỉnh cần đầu tư hơn 10 tỷ đồng để triển khai bệnh án điện tử. Với những bệnh viện quy mô lớn như Bạch Mai, Hữu nghị Việt Đức… ở Hà Nội, số tiền đầu tư lớn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, yêu cầu phải in phim chụp nếu muốn được thanh toán BHYT đặt các bệnh viện trước tình cảnh chịu tốn “chi phí kép”: vừa phải mất tiền tỷ chi phí mua, in, lưu giữ và tiêu huỷ phim chụp (gây ảnh hưởng môi trường), chi phí mua túi đựng phim X-quang thường (khoảng 3.000 đồng/túi) hoặc phim CT (khoảng 6.000 đồng/túi), vừa mất chi phí vận hành, bảo trì thiết bị công nghệ thông tin, hệ thống PACS - hợp phần quan trọng trong bệnh án điện tử.
Vì thế, tại Hội thảo hồi tháng 10, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Tri Thức đề nghị các đơn vị nghiên cứu đề xuất hoàn thiện cơ chế chính sách, đặc biệt là quy định về chi phí công nghệ thông tin, giá thành khi triển khai PACS,... Điều này không chỉ đẩy nhanh triển khai bệnh án điện tử trên cả nước mà còn góp phần giúp các bệnh viện sạch hơn.