Ẩm thực

Ngọt mềm khoai lang vùi trấu

PV 01/12/2024 15:30

Trong lần thăm nhà bà Nguyễn Thị Chiến ở xã An Bình (Nam Sách, Hải Dương), tôi được mời món khoai lang vùi trấu. Món ăn dân dã này ấn tượng với vị ngọt thơm từ từng miếng khoai chảy mật.

Khoai lang vùi trấu khi chín sẽ chảy một lớp mật, ăn ngọt và thơm
Khoai lang vùi trấu khi chín sẽ chảy một lớp mật, ăn ngọt và thơm

Vị ngọt dân dã

Không chỉ ngọt ngon, nhâm nhi từng miếng khoai lang vùi trấu tôi còn cảm nhận được tình yêu thương gắn kết trong gia đình, tình xóm làng nơi thôn quê.

Vây xung quanh nồi khoai là đám cháu nhỏ của bà Chiến. Đứa nào cũng ríu rít đợi bà lấy khoai cho ăn. Phía sau nữa là mấy người hàng xóm được bà Chiến mời sang chơi, thưởng thức món khoai lang vùi trấu.

Tiếng nói cười rộn rã cả một góc sân. Những câu chuyện cuộc sống thường ngày được mọi người đem ra kể… Vừa ăn, vừa nói chuyện rôm rả dường như làm cho món khoai trở nên ngon và thú vị hơn.

Lớp vỏ khoai mỏng, bóc ra dễ dàng, để lộ ruột khoai vàng hấp dẫn. Từng dòng mật chảy đều như thể mật ong. Khoai ngọt, thơm, ăn vào miệng cảm nhận hương vị khác hẳn với khoai lang luộc thông thường hay nướng bằng nồi chiên không dầu, lò nướng.

khoai-lang-vui-trau-tre-em.jpg
Các em bé cũng rất thích hương vị ngọt ngon của khoai lang vùi trấu

Anh Phạm Khắc Tuấn, con trai bà Chiến cho biết, nhìn các con vây quanh nồi khoai của bà, kỷ niệm tuổi thơ trong anh lại ùa về. “Hồi nhỏ, tôi cùng với mấy anh em con chú, con bác cũng vây quanh nồi khoai lang vùi trấu của ông nội tôi y như thế”, anh Tuấn chia sẻ. Ngày đó đói, đến mùa thu hoạch khoai, ông của anh làm một nồi khoai vùi trấu to cho các cháu ăn thoải mái. Cả đàn cháu “nối đuôi” ngồi chờ ông từ lúc rửa khoai đến lúc cho khoai vào nồi, vùi trấu. Đến bây giờ anh vẫn nhớ như in mùi rơm rạ, tiếng nổ lách tách của những bông lúa còn sót lại nở thành hoa trong đống tro hồng.

“Ông bảo, muốn khoai lang vùi trấu ngon phải đợi vài tháng sau thu hoạch, khoai thật héo, mật mới nhiều, ăn mới ngọt và thơm. Nhưng chẳng bao giờ ông đợi đến khi khoai héo, cứ làm cho các cháu ăn no rồi mới tính tiếp”, anh Tuấn cho biết.

Còn với bà Nguyễn Thị Dung, hàng xóm của bà Chiến, ăn một miếng khoai bà lại nhớ về cả một thời khốn khó. Với người dân quê bà, khoai lang vùi trấu là một món ăn quý. “Chỉ đến mùa thu hoạch chúng tôi mới được ăn mà cũng phải ăn dè. Khoai lang vùi trấu là món ăn sáng cho các con trước khi đi học, là miếng lót dạ khi chúng tôi quẩy quanh gánh ra đồng. Có khi làm thông trưa, chúng tôi lại chia nhau từng củ khoai gói trong chiếc lá dong, lá chuối”, bà Dung cho biết.

Với người dân nơi đây, khoai lang vùi trấu là một món ăn ngon, độc đáo, giúp họ vượt qua thời kỳ khó khăn. Vị ngon ngọt của khoai còn là tình yêu thương, gắn kết giữa mọi người trong gia đình, làng xóm.

Cầu kỳ

Làm khoai vùi trấu rất cầu kỳ
Làm khoai vùi trấu cần nhiều thời gian, kỹ lưỡng

Bây giờ, được ăn một món ăn dân dã như khoai lang vùi trấu thật khó bởi có tiền cũng chẳng ở đâu bán. Tuy là món ăn “nhà quê” nhưng cách chế biến lại rất cầu kỳ.

Bà Chiến cho biết mỗi khi gió mùa về, bà lại làm món khoai lang vùi trấu cho con cháu ăn. Khoai vùi trấu lúc mới bỏ ra nóng hổi, vừa ăn vừa thổi. Có thể vì vậy, món khoai này phù hợp vào những ngày gió mùa hay mưa rét.

Để làm món khoai lang vùi trấu chuẩn vị, bà phải tìm mua khoai lang mật. Đây là loại khoai lang ruột vàng, khi chín cho vị ngọt đậm, mật tứa chảy và có mùi thơm đặc trưng.

Bà Chiến bật mí, muốn khoai lang vùi trấu ngon phải dùng nồi đất. “Đây là cách làm truyền thống của cha ông tôi để lại”, bà Chiến nói.

Theo bà Chiến, trước khi vùi trấu, khoai phải rửa sạch, để ráo nước rồi xếp vào nồi đất. Chẳng cần đổ nước như cách làm món khoai lang luộc, người làm sẽ lót một lớp lá chuối tươi. “Sau đó đậy ngược chiếc vung nồi rồi nhanh tay lật ngược nồi khoai lại theo hướng vung ở dưới, nồi úp lên trên. Làm như vậy vung nồi mới khít, quá trình đốt trấu, khói không vào bên trong, khoai mới thơm ngon”, bà Chiến nói. Có lẽ đây là bí quyết và cũng là khâu khó nhất, đòi hỏi người làm phải “quen tay” vung mới không bị chệch.

Để mồi được trấu, người ta sẽ lót một lớp rơm rạ vào giữa bếp tro. Nồi khoai được đặt ở giữa với tư thế đã được lật ngược từ trước. Họ quây tiếp rơm rạ quanh nồi rồi đốt 3 mồi lửa ở 3 điểm đều nhau. Mùi rơm rạ vụ mùa mới thu hoạch vẫn còn thơm hương lúa. Lửa cháy bùng lên, người dân mới từ từ đổ trấu trùm kín mặt vung.

Khói bắt lên nghi ngút khiến mắt cay xè. Đổ tiếp một lớp tro nguội phủ lên trên cho trấu cháy dần là xong công đoạn quan trọng. “Lượng trấu chỉ đổ vừa phải, nếu quá tay một chút cũng có thể cháy cả mẻ khoai”, bà Chiến chia sẻ.

Thông thường khoai vùi qua đêm mới được ăn. Vì vậy, người ta hay vùi khoai vào chiều tối hôm trước, sáng sớm hôm sau là được.

Sáng hôm sau, ngủ dậy đã có một nồi khoai thơm phức, ngọt mềm môi chờ sẵn cả nhà.

PV