Trung Quốc phóng vệ tinh tự lái đầu tiên trên thế giới
Trung Quốc phóng vệ tinh tự lái đầu tiên trên thế giới có thể duy trì hoặc thay đổi lộ trình bay mà không cần bất kỳ sự hỗ trợ nào từ trái đất.
Học viện Công nghệ Hàng không vũ trụ Thượng Hải (SAST) thuộc Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASC) cho biết, hai vệ tinh lập bản đồ Siwei Gaojing-2 (SuperView Neo-2) 03 và 04 được phóng bằng tên lửa đẩy Trường Chinh-2C từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở tây bắc Trung Quốc lúc 7 giờ 39 ngày 25/11.
SAST tuyên bố vụ phóng đánh dấu cột mốc quan trọng trong sự phát triển ngành khảo sát và lập bản đồ không gian thương mại của Trung Quốc. Bộ đôi vệ tinh sẽ mở ra kỷ nguyên mới cho vệ tinh thương mại "tự lái".
"Lần đầu tiên trên thế giới, bộ đôi vệ tinh sau khi đi vào vận hành trên quỹ đạo có thể đạt được khả năng tự động điều chỉnh quỹ đạo bay ở mức sai số dưới 100 m và bay phối hợp theo đội hình ở mức dưới 1 m”, SAST cho biết trong thông báo, lưu ý thêm rằng việc này có thể đơn giản hóa khả năng kiểm soát trên quỹ đạo và đảm bảo an toàn cao hơn.
Gaojing-2 03 và 04 được trang bị radar có độ chính xác cao và những công nghệ tiên tiến khác, có thể cung cấp hình ảnh radar độ phân giải cao, hoạt động cả ngày lẫn đêm và trong mọi điều kiện thời tiết, cải thiện đáng kể độ chính xác của các sản phẩm khảo sát và lập bản đồ.
Theo SAST, khi đi vào hoạt động, các vệ tinh sẽ cung cấp dữ liệu phục vụ quản lý tài nguyên thiên nhiên, an toàn đô thị, ứng phó khẩn cấp và các hoạt động hàng hải.
Tổ chức này cho biết thêm, hình ảnh radar có độ phân giải và chất lượng cao do các vệ tinh gửi về sẽ hỗ trợ việc cập nhật cơ sở dữ liệu khảo sát và lập bản đồ của Trung Quốc, giúp giám sát sản xuất nông nghiệp, môi trường và cung cấp cảnh báo sớm về các thảm họa thiên nhiên.
Hai vệ tinh Gaojing-2 03 và 04 là phần quan trọng trong dự án chòm sao quan sát từ xa thương mại Siwei của Trung Quốc, được CASC phê duyệt vào tháng 4/2022 và dự kiến hoàn thiện trong năm tới.
Dự án này bao gồm mạng lưới ít nhất 28 vệ tinh, được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp khác nhau, như quản lý đất đai quốc gia, lập bản đồ và giám sát hàng hải,... với dữ liệu có độ phân giải và độ chi tiết cao.
Vệ tinh quang học thương mại Siwei Gaojing-3 01 cũng được phát triển bởi SAST, đã được phóng thành công vào tháng 4.
Không giống như các vệ tinh cảm biến quang học hoạt động trong dải sóng nhìn thấy và cận hồng ngoại, Gaojing-2 03 và 04 là loại vệ tinh radar khẩu độ tổng hợp (SAR), sử dụng tín hiệu vi sóng để tạo hình ảnh bằng cách gửi các xung năng lượng xuống trái đất và đo thời gian chúng phản hồi.
Các vệ tinh SAR quỹ đạo trái đất thấp có thể xuyên qua mây, sương mù và bóng tối để thu thập hình ảnh cả ngày lẫn đêm và được một số quốc gia sử dụng theo dõi động đất, lũ lụt, nạn phá rừng và tràn dầu, cũng như giám sát quân sự.
Tháng 8 năm ngoái, Trung Quốc phóng vệ tinh SAR quỹ đạo địa tĩnh đầu tiên trên thế giới, Ludi Tance 4-01, giúp nước này có thể quan sát thường trực gần 1/3 bề mặt trái đất.