Chứng minh nhân dân sắp hoàn thành sứ mệnh sau gần 7 thập kỷ
Đã 67 năm giữ vai trò là một loại giấy tờ quan trọng của người dân, chỉ hơn 1 tháng nữa, giấy chứng minh thư nhân dân sẽ hoàn thành sứ mệnh của mình.
Nhiều lần thay đổi
Năm 1957, để có một loại giấy tờ cấp cho người dân làm giao dịch, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ban hành Nghị định số 577-TTg ngày 27/11/1957 quy định về đặt giấy chứng minh và quy định thể lệ cấp phát giấy chứng minh.
Ở điều 1 của nghị định nói: Nay đặt ra "Giấy chứng minh" để chứng thực căn cước của mỗi người trong việc giao dịch hằng ngày giữa tư nhân với tư nhân, giữa tư nhân với các cơ quan Nhà nước.
Khi đó, giấy chứng minh được cấp cho tất cả người dân từ 18 tuổi trở lên, nhưng ban đầu chỉ thi hành ở các thành phố, thị xã, thị trấn trước. "Khi nào có đủ điều kiện thuận tiện sẽ thi hành ở nông thôn. Ở những nơi chưa thi hành việc cấp phát giấy chứng minh thì trong việc giao dịch hằng ngày nhân dân sẽ dùng thẻ cử tri hoặc giấy chứng thực, giấy giới thiệu do Ủy ban Hành chính địa phương cấp", điều 7 của nghị định nêu.
Đây là điểm khởi đầu của tấm giấy chứng minh nhân dân tại Việt Nam. Sau đó 7 năm bắt đầu có một số thay đổi liên quan đến loại giấy tờ này.
Vào năm 1964, Chính phủ có quy định mới, trong đó bổ sung các trường hợp không nằm trong diện cấp như: Những người bị mất trí, những người đang bị giam giữ, đang bị quản chế; người từ 14 - 17 tuổi thì được cấp giấy chứng nhận căn cước.
"Năm 1957 tôi 25 tuổi nhưng chưa được cấp chứng minh vì khi đó ở miền núi. Đến năm 1978 mới làm chứng minh lần đầu tiên. Sau mấy tháng thì được nhận và cẩn thận cất giữ vào đáy hòm thóc cùng với tiền, hoa tai bằng vàng, chỉ đi đâu xa mới mang theo", cụ Giáp Thị Tịnh, sinh năm 1932, thường trú tại xã Ngọc Liên (Cẩm Giàng, Hải Dương) kể.
Cụ Tịnh quê ở huyện Yên Thế, tỉnh Hà Bắc (nay thuộc Bắc Giang) lấy chồng sang Hải Dương gần 70 năm trước. Trong các loại giấy tờ của mình, tấm chứng minh được cấp lần đầu ngày 3/8/1978, đã mất góc vẫn được cụ gìn giữ cẩn thận dù đã được cấp căn cước mới.
Năm 1976, sau 1 năm đất nước thống nhất, 2 miền Nam - Bắc cũng thống nhất một mẫu giấy chứng minh chung, thay thế các loại giấy tờ tùy thân đã được cấp phát và sử dụng trước đó ở miền Bắc và chế độ cũ ở miền Nam.
Vào năm 1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 05 quy định công dân đủ 14 tuổi trở lên được cấp chứng minh thư thay vì đủ 15 tuổi như quy định từ năm 1976. Ở lần này, chứng minh thư khắc phục được nhược điểm là dễ bị làm giả, một người có nhiều số chứng minh thư, trùng số chứng minh thư…
Đến năm 2012, Bộ Công an áp dụng cấp chứng minh thư theo công nghệ mới, vật liệu nhựa, bảo mật, kích thước nhỏ gọn, không bị gãy, bong, tróc, khó làm giả.
Trong lịch sử từ năm 1957 của loại giấy tờ này có một điều thú vị ít người chú ý đó là giấy chứng minh ở mỗi tỉnh, thành phố theo giai đoạn lại có những mã số đầu tiên khác nhau (giống như biển kiểm soát ô tô, xe máy). Ví dụ chứng minh thư của Hải Dương là 14, Hà Nội 01, TP Hồ Chí Minh 02, Hà Tây (cũ) là 11...
Số chứng minh nhân dân về nguyên tắc là duy nhất, nhưng năm 2007 từng xảy ra một sự việc hy hữu đó là có khoảng 5 vạn người ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trùng số chứng minh nhân dân với người dân tỉnh Đồng Nai. Nguyên nhân do năm 1979, công an Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo được phép cấp chứng minh theo dãy số đã định. Sau này Công an tỉnh Đồng Nai lại tiến hành cấp cho người dân chứng minh nhân dân trùng với dãy số trên.
Ngày nay, khi Luật Căn cước ra đời, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 cộng với trang thiết bị, trình độ về công nghệ thông tin hiện đại, việc cấp các tấm thẻ căn cước nhanh gọn hơn, không trùng lặp, song những gì chứng minh nhân dân đã mang lại trong suốt gần 7 thập kỷ qua là không thể phủ nhận.
Hành trình mới của căn cước công dân
Năm 2016, Bộ Công an lần đầu cấp căn cước công dân thay cho chứng minh thư. Thẻ in trên nhựa cứng, có lớp tem chống làm giả và in mã số định danh cá nhân 12 số.
Bà Nguyễn Thị Thanh, sinh năm 1950 ở thôn Cập Nhất 2, xã Tiền Tiến (TP Hải Dương) đã được cấp căn cước công dân gắn chíp từ loạt đầu tiên. "Tôi không biết về công nghệ nhưng tin tưởng là căn cước công dân bây giờ rất hiện đại, có nhiều thông tin cần thiết và hình thức rất đẹp".
Bà Thanh kể thêm, năm 1978 trong một lần đi chợ từ Hà Nội về đến chùa Động Ngọ thấy đông người lắm, họ bảo chụp ảnh làm chứng minh thư. Bà Thanh cũng vào xếp hàng chụp ảnh, khai thông tin. Sau mấy tháng thì nhận được chứng minh thư. Từ đó đến nay, sau mấy chục năm bà luôn cất giữ cẩn thận, coi đó như một kỷ vật.
Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án cấp đổi thẻ căn cước công dân từ thẻ từ sang thẻ gắn chip điện tử để đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử, giúp người dân đi làm thủ tục bớt phải mang cùng lúc nhiều giấy tờ...
Luật Căn cước được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6, đến ngày 01/7/2024 bắt đầu có hiệu lực, một trong những nội dung quan trọng là đổi thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước.
Theo hướng dẫn của Công an tỉnh Hải Dương, thẻ căn cước có giá trị tương đương căn cước công dân. Công dân đang sử dụng căn cước công dân còn thời hạn thì vẫn tiếp tục được sử dụng đến khi hết thời hạn mới phải đổi sang thẻ căn cước, trừ trường hợp có nhu cầu đổi.
Với những tiêu chuẩn cao nhất về bảo mật, an toàn thông tin và tiện dụng, căn cước sẽ là bước khởi đầu để hiện thực chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
Theo Luật Căn cước, chứng minh thư nhân dân còn thời hạn được sử dụng đến ngày 31/12/2024, tức từ ngày 1/1/2025, loại giấy tờ này sẽ bị sẽ "khai tử".