Lao động - Việc làm

Tài chính công đoàn có thể dùng để xây nhà ở xã hội

TB (theo VnExpress) 27/11/2024 12:00

Luật mới về công đoàn bổ sung nhiệm vụ chi tài chính công đoàn để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân thuê, góp phần cải thiện điều kiện sống của người lao động.

dai-bieu-quoc-hoi-bieu-quyet1.jpg
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi)

Sáng 27/11, Quốc hội thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi). Nguồn tài chính công đoàn gồm đoàn phí do đoàn viên công đoàn đóng góp theo điều lệ Công đoàn Việt Nam; ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ; nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của công đoàn; từ đề án, dự án do Nhà nước giao; viện trợ tài trợ hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Luật sửa đổi đã tăng cường tính minh bạch trong quản lý tài chính công đoàn. Theo đó, việc sử dụng phải tuân thủ các nguyên tắc công khai, minh bạch, tiết kiệm và hiệu quả. Mỗi cấp của công đoàn chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng quỹ công đoàn được giao.

Kế thừa luật hiện hành, tài chính công đoàn sẽ được sử dụng để giúp đỡ các thành viên công đoàn, như bảo vệ quyền lợi và dạy họ những kỹ năng mới, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao...

Ngoài ra, luật mới bổ sung quy định tiền công đoàn còn được dùng để xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên và người lao động thuê; làm công trình văn hóa, thể thao, hạ tầng kỹ thuật có liên quan phục vụ đoàn viên, người lao động.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có nhiệm vụ phân cấp thu, phân phối kinh phí công đoàn. Những nơi có tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp thì kinh phí công đoàn dành cho cấp cơ sở được phân phối cho tổ chức này theo số thành viên tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, số tiền đóng, tổng số người lao động tại doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Do tài chính công đoàn được hình thành có nguồn từ ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ và kinh phí công đoàn do Nhà nước ấn định trong luật, nên sau khi thống nhất với Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn. Chính phủ quy định chi tiết việc quản lý, sử dụng kinh phí công đoàn của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Quốc hội quyết định duy trì mức đóng quỹ công đoàn 2%

Theo luật sửa đổi, doanh nghiệp tiếp tục đóng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên vào quỹ công đoàn.

Dù còn một số ý kiến khác, Thường vụ Quốc hội cho rằng tiếp tục thu 2% kinh phí công đoàn nhằm duy trì nguồn lực hiện có, bảo đảm nguồn tài chính để Công đoàn Việt Nam, nhất là công đoàn cơ sở thực hiện nhiệm vụ. Đó là nguồn lực chăm lo phúc lợi xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích của đoàn viên, người lao động; động viên, khích lệ họ gắn bó với đơn vị và cũng thúc đẩy doanh nghiệp có trách nhiệm hơn với người lao động.

Tuy nhiên so với luật cũ, luật mới bổ sung thêm các trường hợp được miễn, giảm, tạm dừng đóng phí công đoàn. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hợp tác xã giải thể, phá sản sẽ được xem xét miễn số tiền chưa đóng. Doanh nghiệp gặp khó khăn vì lý do kinh tế hoặc bất khả kháng, được xem xét giảm mức đóng.

Doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí công đoàn thì được xem xét tạm dừng đóng tối đa 12 tháng. Hết thời hạn tạm dừng đóng, doanh nghiệp tiếp tục đóng và đóng bù cho thời gian tạm dừng.

Chính phủ thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định việc miễn, giảm, tạm dừng đóng phí công đoàn.

Luật Công đoàn (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

TB (theo VnExpress)