Bảo vệ ‘tấm lá chắn’ phòng chống thiên tai
Những ngày qua, nắng hanh tiếp tục kéo dài, độ ẩm không khí thấp, nhiều người ở Hải Dương lại thấp thỏm vì nguy cơ cháy rừng tại Kinh Môn và Chí Linh.
Chỉ trong thời gian ngắn, “tấm lá chắn” trong phòng chống thiên tai ở Hải Dương liên tục bị xâm hại. Nhiều cánh rừng bị cháy, đổ không chỉ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, miếng cơm manh áo của chủ rừng, mà còn tác động xấu đến môi trường, phòng chống thiên tai.
Những ngày đầu tháng 11, một số nơi ở Kinh Môn đã xảy ra cháy rừng. Điển hình là trong cùng một buổi chiều đã xảy ra 2 điểm cháy rừng tại các xã Quang Thành, Bạch Đằng.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, từ đầu năm đến hết tháng 10, trên địa bàn tỉnh xảy ra 5 vụ cháy rừng, với tổng diện tích khoảng 18 ha.
Trước đó, cơn bão số 3 quá lớn, không thể chống đỡ đã làm nhiều cánh rừng bị tan hoang, đổ rạp. Cơ quan chức năng xác định khoảng 1.760 ha rừng bị thiệt hại hoàn toàn. Nhiều chủ rừng mất hàng trăm triệu đồng tiền giống, công chăm sóc…
Năm nay, diện tích rừng ở Hải Dương bị cháy, đổ nhiều hơn mọi năm.
Nguyên nhân chủ yếu được cho là thời tiết hanh khô kéo dài, nhiều thời điểm ở cấp cháy rừng cực kỳ nguy hiểm (cấp V); lượng cây bụi thảm mục, cây rừng bị gãy đổ sau bão số 3 lớn; người dân đốt dọn vườn, rừng sau khai thác, bất cẩn gây cháy lan lên rừng. Công tác chữa cháy cũng gặp rất nhiều khó khăn…
Nhưng đó là những nguyên nhân cháy rừng và lan rộng mà chúng tôi tìm hiểu và biết được. Còn thực tế, hầu hết các vụ cháy rừng gần đây chưa được công bố nguyên nhân xảy ra cháy trên các phương tiện thông tin đại chúng, mới chỉ dừng lại ở mức theo đánh giá ban đầu.
Phải khẳng định rằng, việc trồng, bảo về rừng nhiều năm nay ở Hải Dương thực hiện tương đối tốt. Những đồi, rừng xanh đã góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường sống cho người dân.
Tuy nhiên, việc bão, cháy đốn ngã nhiều khu rừng thời gian qua cho thấy công tác bảo vệ rừng còn hạn chế.
Để góp phần giữ gìn các cánh rừng, trước hết, chúng ta cần xác định rõ nguyên nhân cháy rừng và công bố rộng rãi nguyên nhân này. Từ đó tập trung đề ra giải pháp khắc phục hữu hiệu để mọi người cùng thực hiện.
Năm nay có bão lớn làm rất nhiều cây trồng bị đổ, chết khô, nguồn vật liệu cháy rất lớn và làm ảnh hưởng đến các đường băng cản lửa, đường mòn trong rừng nên việc di chuyển tiếp cận xử lý đám cháy gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các vụ cháy vào ban đêm. Đây là vấn đề rất khác, mới, cần có kế hoạch phòng chống cháy rừng cụ thể, phù hợp. Kế hoạch này cũng cần được gửi tới các đơn vị, địa phương, lực lượng chức năng góp ý, thống nhất để có phương án xử lý tối ưu nhất. Đồng thời, huy động các lực lượng và người dân tham gia thực hành tình huống giả định phòng cháy, chữa cháy thuần thục.
Diện tích rừng cây bị đổ, chết khô là rất lớn, cần tổ chức phát dọn thực bì nhiều hơn nữa ở khu vực rừng trồng và đường băng cản lửa.
Để giúp lực lượng chức năng tuần tra rừng kịp thời, hiệu quả hơn, cần quan tâm đầu tư máy bay không người lái (flycam) kiểm soát lửa rừng. Phát hiện sớm, huy động lực lượng chữa cháy kịp thời sẽ giúp khống chế ngay thời điểm cháy ban đầu, giảm thiệt hại.
Rừng giúp chúng ta phòng hộ tốt nhất trước thiên tai ngày càng khắc nghiệt. Chú trọng trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng sẽ góp phần bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai và phát triển kinh tế lâm nghiệp.