Trầm cảm vì sếp gây áp lực
Thời gian dài bị sếp gây áp lực trong công việc, nhiều người có biểu hiện tâm lý bất thường, đi khám được chẩn đoán trầm cảm.
Làm công nhân trong một khu công nghiệp, Ngọc Hà (36 tuổi, Phú Xuyên, Hà Nội) thường xuyên áp lực vì lượng công việc quá lớn, phải tăng ca liên tục. Chưa kể, cô còn hay bị sếp đổ lỗi "vô lý, bất công". Sau những lần đó, Hà sụt cân, ăn không ngon, mệt mỏi, mất ngủ, tâm lý chán nản, uất ức.
Nhiều lần nghĩ đến chuyện nghỉ việc, nhưng Hà không dám vì là mẹ đơn thân, đang phải nuôi con thơ và chăm sóc mẹ già. Cứ như thế, Hà cam chịu những lời trách mắng oan ức của lãnh đạo, lâu dần rơi vào trầm cảm.
Hương Khuê (28 tuổi, Hà Nội) làm nhân viên kinh doanh trong lĩnh vực điện máy, điện tử. Quản lý của cô là người đàn ông hơn 40 tuổi, tính kiêu ngạo, coi thường nhân viên, dễ cáu gắt, nổi nóng và thường xuyên bắt nhân viên làm việc ngoài giờ, không được tính thêm tiền.
Những dịp lễ, Tết, công ty có nhiều chương trình chăm sóc khách hàng, Khuê cùng nhân viên khác liên tục bị người quản lý đốc thúc bằng các cuộc điện thoại và tin nhắn, ngay cả lúc đêm muộn. Nếu không phản hồi hoặc phản hồi chậm, người quản lý sẽ gọi liên tiếp đến khi nào Khuê nghe máy và “xả” cơn tức bằng những ngôn từ khó nghe như “vô tích sự”, “nông cạn”.
Có lần, Khuê góp ý, cấp trên của cô lập tức phản bác nặng nề, kèm theo phản ứng răn đe. Từ đó, cô cam chịu, sống thu mình. Những lời chỉ trích, doạ nạt của người quản lý cũng khiến Khuê mệt mỏi, hoài nghi về năng lực bản thân, tự thấy mình không xứng đáng để tiếp tục làm việc, nhưng cũng không dám nghỉ vì gánh nặng phải nuôi con và trả nợ.
Chịu đựng thời gian dài, Khuê ám ảnh, lo sợ, tim thường đập nhanh, người bủn rủn mỗi khi thấy cuộc gọi hay tin nhắn từ người quản lý. Nhiều đêm, cô thức trắng vì bất an hoặc ngủ mê sảng, nói nhảm, lâu dần cô không còn hứng thú với cuộc sống, công việc. Khuê được đồng nghiệp đưa đi khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị trầm cảm, rối loạn âu lo.
Theo bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, tình trạng nhân viên bị stress do môi trường làm việc, áp lực vì bị sếp giám sát chặt, khắt khe ngày càng phổ biến.
Nguyên nhân được cho là giữa sếp và nhân viên luôn có khoảng cách, nên khi đối mặt sếp, nhiều người bị tâm lý lo lắng. Lãnh đạo cũng là người trực tiếp quản lý, đánh giá công việc, thưởng phạt hay ra mọi quyết định với nhân viên, do đó, cấp dưới thường có tâm lý sợ sệt, khúm núm.
Bên cạnh đó, những yếu tố về khoảng cách tuổi tác, trình độ, kinh nghiệm cũng tạo ra rào cản. Thực tế có nhiều người chịu sức ép nặng nề, luôn bị sếp tạo áp lực mọi lúc, mọi nơi. Tình trạng căng thẳng kéo dài, không được giải tỏa, nguy cơ dẫn đến trầm cảm.
Làm việc quá sức dẫn đến trầm cảm
Theo BSCK2 Nguyễn Thị Ái Vân, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, trầm cảm là rối loạn tâm thần thường gặp, biểu hiện bằng cảm xúc buồn, giảm năng lượng, cảm giác tội lỗi hoặc đánh giá thấp bản thân, rối loạn giấc ngủ, ăn uống, kém tập trung. Bệnh kéo dài và tái diễn, ảnh hưởng đến cuộc sống và chức năng của người bệnh.
Ước tính 300 triệu người trên thế giới mắc rối loạn trầm cảm. Bệnh được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là yếu tố đơn độc lớn nhất góp phần gây tàn tật chung.
Theo các chuyên gia, làm việc quá sức dẫn đến mệt mỏi, stress, rối loạn giấc ngủ, thậm chí trầm cảm. Do đó, mọi người cần ăn uống cân bằng, lành mạnh, tập thể dục và ngủ đủ giấc. Ngoài ra, nên dành thời gian giải trí, thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng.
Người gặp tình trạng kiệt quệ, dấu hiệu trầm cảm cần tăng cường kết nối xã hội, tìm kiếm sự giúp đỡ, trò chuyện về những vấn đề đang gặp phải, điều trị kịp thời, tránh hậu quả nghiêm trọng.
Khi có biểu hiện không thể xử lý tình huống một mình, bạn nên đến chuyên gia tâm lý để tham vấn. Mặt khác, nếu công việc không phù hợp, không đủ năng lực đáp ứng yêu cầu hoặc cách làm việc của cấp trên quá sức chịu đựng, bạn nên tìm hướng đi mới cho mình.
Theo chuyên gia, mỗi người cần cố gắng rèn luyện bản thân, khi có kiến thức, kỹ năng, sự tự tin, bạn hoàn toàn làm chủ được công việc cũng như cuộc sống, không sợ phải sống trong tình cảnh cam chịu, sợ thất nghiệp nếu nghỉ việc.