Khám phá

Khám phá vẻ đẹp lãng mạn của vườn hồng cổ 130 năm tuổi ở Nghệ An

T.H (theo TTXVN) 26/11/2024 19:15

Thời điểm này, khi vườn hồng cổ gần 130 năm tuổi ở huyện Nam Đàn bắt đầu chín rộ, những quả hồng như những chiếc đèn lồng nhỏ tạo nên một khung cảnh lãng mạn, hấp dẫn du khách khắp nơi đến tham quan.

vuon-hong-co.jpg
Du khách thích thú khi đến tham quan, check-in tại vườn hồng Đại Huệ

Những ngày này, vườn hồng cổ gần 130 năm tuổi ở núi Đại Huệ, xã Nam Anh (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) đã thu hút hàng trăm du khách đến tham quan, check-in.

Những vườn hồng cổ nơi đây kết nối cùng Khu di tích đặc biệt Kim Liên và chùa Đại Tuệ đã tạo nên điểm tham quan, du lịch liên hoàn cho khu vực.

Để có chuyến đi thực sự ý nghĩa, du khách ghé thăm Làng Sen quê Bác, viếng mộ bà Hoàng Thị Loan; sau đó, đi ôtô hoặc xe máy khoảng 15 phút để tới vườn Hồng và vãn cảnh chùa Đại Tuệ.

Tại đây những vườn hồng cổ cả trăm năm tuổi đang vào mùa chín rộ, tạo nên khung cảnh hoang sơ, hấp dẫn du khách thập phương từ những ngày cuối tháng 11.

Thời điểm này, tiết trời ở Nghệ An mát dịu. Khi nắng không còn chói chang, những quả hồng mới bắt đầu chín rộ, nhìn từ xa như những đốm lửa thắp sáng cả một góc trời, tạo nên một khung cảnh lãng mạn.

Vườn hồng Đại Huệ của gia đình anh Nguyễn Trọng Sách có diện tích 2ha, nơi đây có những gốc hồng 130 năm tuổi, cao cả chục mét. Điều này thu hút hàng trăm du khách đến tham quan, check-in.

vuon-hong-co-1.jpg
Du khách thích thú khi đến tham quan tại vườn hồng Đại Huệ

Đặc biệt dịp cuối tuần, vườn hồng đón từ 500-700 lượt khách. Du khách vào tham quan vườn hồng Đại Huệ chỉ cần mua vé với mức giá 40.000 đồng/người lớn, 20.000 đồng/trẻ em.

Nếu có nhu cầu, du khách sẽ được thuê nhiều loại trang phục, phụ kiện và dịch vụ chụp ảnh để lưu lại những khoảng khắc đáng nhớ tại vườn hồng cổ thụ. Ngoài ra, chủ các vườn hồng còn bài trí thêm đạo cụ như ghế ngồi, giỏ quả, đàn ghita… để du khách thoải mái check-in; đồng thời hướng dẫn, gợi ý các góc có view đẹp.

Anh Nguyễn Trọng Sách, chủ vườn hồng Đại Huệ cho biết từ năm 2021, anh có khảo sát và thấy trên núi Đại Huệ có vườn hồng cổ. Tại đây có rất nhiều hộ dân ở xã Nam Anh trồng hồng nên nảy ra ý tưởng xây dựng vườn hồng này thành điểm du lịch sinh thái.

Việc làm du lịch sinh thái từ vườn hồng sẽ rất độc, lạ, ít nơi làm nên anh tin tưởng khi triển khai sẽ thành công.

Theo anh Sách, để có những bức hình đẹp nhất, du khách nên chuẩn bị những bộ áo váy sáng màu như trắng, hồng nhạt. Thời điểm chụp ảnh đẹp nhất là vào khoảng 15-17 giờ vì lúc này trời nắng nhẹ vừa phải, tiết trời cũng dễ chịu để du khách thoải mái tạo dáng.

Không chỉ chiêm ngưỡng hồng, du khách có thể trực tiếp thuê lều, cắm trại để nghỉ ngơi ngay tại khu vườn. Vào buổi tối, du khách cũng có thể cùng gia đình, bạn bè có những bữa tiệc BBQ ngay dưới chân núi, sát vườn hồng Đại Huệ.

Theo chị Phạm Thị Quỳnh Anh (trú thành phố Vinh), năm ngoái, chị và gia đình đã đến đây tham quan và năm nay vẫn quyết định quay lại. Chị yêu những nét đẹp hoang sơ, độc đáo của vườn hồng.

Để chuẩn bị cho chuyến đi, gia đình chị cũng đã thuê lều cắm trại và chuẩn bị thức ăn để làm tiệc BBQ. Đây thực sự là nơi lý tưởng để hòa mình vào thiên nhiên, tạm rời xa nhịp đập hối hả chốn thị thành.

Anh Nguyễn Hữu Mạnh Tường (đến từ Hà Tĩnh) chia sẻ, sau khi ghé thăm Làng Sen quê Bác, đang trên đường lên chùa Đại Tuệ thì đoàn của anh bắt gặp ngay khu vườn xinh xắn này.

vuon-hong-co-2.jpg
Du khách thích thú khám phá vườn hồng Đại Huệ

Nhìn từ xa, quả hồng chín nhỏ xinh như những chiếc đèn lồng tí hon khiến mọi người thích thú. Do đó, tất cả đã quyết định ghé vào đây để tham quan, chụp ảnh. Anh thực sự bất ngờ bởi khung cảnh ở đây không khác Đà Lạt thu nhỏ.

Ông Hồ Viết Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Nam Anh cho biết hiện nay, chính quyền địa phương đã quy hoạch thêm 2 điểm làm du lịch từ vườn hồng. Huyện và xã đang kêu gọi các nhà đầu tư tiếp tục đến núi Đại Huệ để làm du lịch sinh thái.

Tuy nhiên, các vườn hồng ở đây có diện tích chỉ trên 1ha, nên các chủ đầu tư cần liên kết với các hộ dân để mở rộng diện tích. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư cần mở thêm các dịch vụ nghỉ ngơi, ăn uống và khu vệ sinh nhằm phục vụ tốt hơn cho du khách.

Cách làm du lịch sinh thái này đã tạo thêm sinh kế cho nhân dân địa phương, đặc biệt là việc trồng hồng mang lại thu nhập cao cho người dân trong xã.

Hiện, toàn xã có hàng trăm hộ trồng cây hồng trên diện tích khoảng 150ha. Mỗi năm, toàn xã cho thu hoạch khoảng 600 tấn quả.

Những năm trước, người dân trong xã thường xuyên chịu cảnh được mùa mất giá. Tuy nhiên từ khi phát triển du lịch từ các vườn hồng, du khách thoải mái lựa chọn, mua hồng ngay dưới chân núi Đại Huệ với giá 30.000-35.000 đồng/kg (cao gấp đôi so với năm 2021 trở về trước). Nhờ đó, đời sống và thu nhập cho người dân nơi đây được nâng cao.

T.H (theo TTXVN)