Bộ Chính trị quyết định sắp xếp những cơ quan đã có phương án
Trung ương giao Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết 18, quyết định sắp xếp những cơ quan, tổ chức đã có phương án và chuẩn bị kỹ lưỡng.
Chiều 25/11, Văn phòng Trung ương Đảng phát thông cáo cho biết tại hội nghị diễn ra sáng cùng ngày, Trung ương xác định việc tổng kết Nghị quyết 18 "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" là nhiệm vụ "đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và toàn hệ thống chính trị".
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã "cơ bản thống nhất nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu, tiến độ tổng kết Nghị quyết 18 và một số nội dung gợi ý, định hướng để các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương nghiên cứu, đề xuất sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".
Trung ương giao Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18 hai nhiệm vụ. Thứ nhất là quyết định sắp xếp theo thẩm quyền đối với những cơ quan, tổ chức đã có phương án sắp xếp, chuẩn bị kỹ lưỡng. Thứ hai là chỉ đạo xây dựng báo cáo tổng kết; đề xuất nhiệm vụ, giải pháp đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thông qua.
Nghị quyết 18 năm 2017 của Trung ương hướng tới xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Với hệ thống tổ chức Đảng, Trung ương yêu cầu rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác của các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của cấp ủy từ Trung ương đến địa phương.
8 Ban Đảng Trung ương hiện nay gồm: Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Ban Tổ chức Trung ương; Ban Tuyên giáo Trung ương; Ban Dận vận Trung ương; Ban Kinh tế Trung ương; Ban Nội chính Trung ương; Ban Đối ngoại Trung ương.
Với Quốc hội, nghị quyết yêu cầu quy định số lượng với tỷ lệ hợp lý giữa lãnh đạo, ủy viên thường trực, ủy viên chuyên trách của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban theo hướng giảm số lượng cấp phó và ủy viên thường trực. Tổ chức bên trong của Văn phòng Quốc hội cần sắp xếp, cơ cấu lại theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả.
Hiện Quốc hội có 10 cơ quan chuyên môn gồm Hội đồng Dân tộc và 9 Ủy ban (Pháp luật; Tư pháp; Kinh tế; Tài chính Ngân sách; Quốc phòng và An ninh; Văn hóa Giáo dục; Xã hội; Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Đối ngoại).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội. Ngoài bộ máy tham mưu, giúp việc chung là Văn phòng Quốc hội, Thường vụ Quốc hội đã thành lập Ban Công tác đại biểu, Ban Dân nguyện và Viện Nghiên cứu lập pháp.
Theo Nghị quyết 18, Chính phủ, bộ, ngành tiếp tục đổi mới, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng chiến lược. Các bộ, ngành chủ động rà soát, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong, giảm cơ bản số tổng cục, cục, vụ, phòng; không thành lập tổ chức mới, không thành lập phòng trong vụ.
Cơ cấu Chính phủ hiện nay gồm 18 bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Nội vụ, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Lao động Thương binh và Xã hội, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Y tế.
Bốn cơ quan ngang bộ gồm: Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ.