Tác giả - Tác phẩm

Một tứ thơ xúc động về người bà

NGUYỄN QUỲNH ANH 01/12/2024 10:00

Nhà thơ khắc họa hình ảnh người bà qua những kỷ niệm quen thuộc như âm thanh chiếc gậy tre ngoài ngõ mỗi lần bà đi về, tấm lưng còng bên cây cối vườn nhà... Nhưng tất cả giờ không còn nữa.

VỀ QUÊ MÀ CHẲNG CÓ BÀ

Về quê mà chẳng có bà
Để trầu úa lá, để già buồng cau
Nắng vàng ngơ ngác vườn sau
Tiếng chim khắc khoải làm đau ráng chiều
Gậy tre thôi động ngõ nghèo
Vườn cây nhớ dáng liêu xiêu lưng còng
Ngang trời mây trắng như bông
Khói nhang vẽ những đường cong ngậm ngùi
Về quê vắng tiếng bà rồi
Góc nhà lăn lóc bình vôi ăn trầu
Bờ ao thương bí thương bầu
Đan tay nhắc mãi những câu ruột rà
Về quê mà chẳng có bà
Chợ quê cháu biết mua quà cho ai?
Biết rằng năm rộng, tháng dài
Đời người nước chảy, mây bay cũng là…
Về quê mà chẳng có bà
Bơ vơ bốn phía, như là không quê…
NGUYỄN THỊ VIỆT NGA

Tôi chưa có điều kiện đọc nhiều thơ của Nguyễn Thị Việt Nga. Tình cờ một lần mở trang Báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh thấy bài thơ "Về quê mà chẳng có bà", tôi ấn tượng ngay. Dường như mỗi người đọc có bà đã mất đều như thấy mình trong đó. Quả thật, bài thơ đã nói hộ nỗi niềm, tâm trạng của rất nhiều người, tạo sự đồng cảm cho bao bạn đọc.

Khổ đầu bài thơ mở ra một tình huống: cháu về quê nhưng bà không còn nữa. Từ đó bao hình ảnh gắn với quê, với người bà thân thuộc cứ hiện ra làm xốn xang nỗi lòng nhân vật trữ tình. Bà không còn khiến mọi vật cũng trở nên côi cút, lạnh lẽo: lá trầu úa, buồng cau già, nắng vàng ngơ ngác, tiếng chim khắc khoải, chỉ bấy nhiêu mà đã nói đủ cả sự ngơ ngác, trống vắng của người cháu côi cút giữa không gian thân thuộc quê nhà:

Về quê mà chẳng có bà

Để trầu úa lá, để già buồng cau

Nắng vàng ngơ ngác vườn sau

Tiếng chim khắc khoải làm đau ráng chiều

Khổ thơ thứ hai tiếp tục khắc họa hình ảnh người bà qua những kỷ niệm quen thuộc từ âm thanh chiếc gậy tre ngoài ngõ mỗi lần bà đi về, tấm lưng còng bên cây cối vườn nhà, tất cả giờ đây không còn nữa. Người cháu chỉ như hình dung bà đâu đây ở làn mây trắng ngang trời, ở khói hương ngậm ngùi, bao tiếc nuối, xót xa qua từng câu chữ:

Gậy tre thôi động ngõ nghèo

Vườn cây nhớ dáng liêu xiêu lưng còng

Ngang trời mây trắng như bông

Khói nhang vẽ những đường cong ngậm ngùi

Trong bài Nhớ thương tháng Chạp chị cũng có những câu thơ nói về người mẹ qua áng mây trắng đầy rưng rưng cảm động:

Áo nâu mẹ giờ xa lắc

Ngang trời mây trắng rưng rưng

Tháng chạp lại về mẹ ạ

Một mình con gói bánh chưng…

Vẫn tiếp tục những hoài niệm về bà, khổ thơ thứ ba đem đến những cảm nhận hụt hẫng, trống vắng: vắng tiếng bà thân thuộc, góc nhà bình vôi lăn lóc, chỉ bấy nhiêu thôi mà làm đọng lại trong người đọc những dư vị sâu xa. Bờ ao còn lại những dây, dây bầu đan tay nhau như nhắc nhở mãi những câu ca dao, tục ngữ, câu chuyện cổ bà thường nhắc kể cho cháu. Hình ảnh người bà thường gắn với những vốn liếng văn hóa, văn học dân gian nhưng đó cũng là những bài học góp phần hình thành nhân cách cháu ngay từ những ngày thơ bé, những câu ruột rà ấy chan chứa tình người mà cháu không thể nào quên:

Về quê vắng tiếng bà rồi

Góc nhà lăn lóc bình vôi ăn trầu

Bờ ao thương bí thương bầu

Đan tay nhắc mãi những câu ruột rà

Bằng lối điệp cấu trúc, khổ thơ thứ tư gợi ra một thoáng phân vân khi qua chợ quê: cháu biết mua quà cho ai, đồng quà tấm bánh, hay miếng vỏ, quả cau, lá trầu bình dị chợ quê mỗi lần cháu mua khi về thăm bà trước kia, bây giờ ngay việc quen thuộc đó cũng trở thành hụt hẫng. Nhà thơ Nguyễn Thị Mai từng Qua hàng trầu nhớ mẹ, còn Nguyễn Thị Việt Nga qua chợ nhớ bà đều mang những nỗi niềm đồng điệu khi nhắc về những người thân của mình, dẫu biết rằng cuộc đời là hữu hạn trước sự trôi chảy của thời gian nhưng không khỏi ngậm ngùi, nuối tiếc, đó là những câu thơ găm mãi vào lòng người đọc:

Về quê mà chẳng có bà

Chợ quê cháu biết mua quà cho ai?

Biết rằng năm rộng, tháng dài

Đời người nước chảy, mây bay cũng là…

Vẫn điệp khúc "Về quê mà chẳng có bà", nhà thơ kết lại bài thơ bằng nỗi ngậm ngùi trống vắng, bà chính là quê hương, bây giờ vắng bà thành ra như là không quê. Lời thơ dồn tụ lại bao ý tình sâu sắc mà cảm động. Nhân vật trữ tình thành ra kẻ bơ vơ, lạc lõng ngay trên chính quê nhà, câu thơ có giá trị truyền cảm mãnh liệt đến người đọc bởi sự đồng điệu của xúc cảm chân thành:

Về quê mà chẳng có bà

Bơ vơ bốn phía, như là không quê…

Bài thơ gồm 18 câu, được viết theo thể lục bát truyền thống, ngôn từ nhẹ nhàng mà có sức lay động rất lớn. Từ tứ thơ "Về quê mà chẳng có bà" bài thơ mở ra bao cảm nhận, liên tưởng cho người đọc, có sức lay động lòng người bởi sự chân thành, dung dị, nhân văn, khơi gợi ở mỗi người những tình cảm thiêng liêng nhất.

NGUYỄN QUỲNH ANH