Quần áo, giầy dép giả 'vào mùa' tiêu thụ
Cuối năm, khi nhu cầu mua sắm hàng hóa tăng cao cũng là lúc nạn hàng giả, hàng nhái trở nên nhức nhối, nhiều nhất là mặt hàng quần áo, giầy dép.
Vẫn còn nhiều “đất sống”
Chợ Thanh Bình (TP Hải Dương) có nhiều ki ốt kinh doanh quần áo. Tại đây, không khó để thấy những bộ quần áo được gắn mác các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Adidas, Nike, Gucci… với kiểu dáng, mẫu mã rất đa dạng. Giá những bộ quần áo này chỉ từ 200.000-300.000 đồng/bộ, rẻ hơn rất nhiều so với mức giá được công khai trên các website, fanpage của các thương hiệu nêu trên. Trên nhiều “chợ mạng” ở Hải Dương, không ít sản phẩm được gắn mác thương hiệu nổi tiếng cũng được rao bán chỉ với mức giá khoảng 160.000-200.000 đồng/bộ.
Theo anh Vũ Minh Hải, Trưởng Phòng Nghiệp vụ tổng hợp (Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương), cuối năm là cao điểm mua sắm. Các chương trình giảm giá, khuyến mãi nhiều. Nhóm hàng tiêu dùng như quần áo, giầy dép dễ bị làm nhái, giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới do công nghệ sản xuất đơn giản, hầu như chỉ cần in, thêu trực tiếp lên sản phẩm hoặc đúc, dập chìm (đối với giầy dép).
Những mặt hàng này vẫn có “đất sống” vì một bộ phận người tiêu dùng biết rõ đây là hàng giả mạo nhưng vẫn mua vì giá rẻ. Một số người tiêu dùng không quan tâm nhiều đến chất lượng cũng như hệ lụy của việc sử dụng hàng nhái, hàng giả mà chỉ quan tâm đến kiểu dáng và giá cả phù hợp.
“Tâm lý dễ chấp nhận của một bộ phận người tiêu dùng đã tiếp tay cho việc sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái. Số vụ vi phạm hàng hóa liên quan đến mặt hàng quần áo, giày dép thường chiếm khoảng 50% tổng số vụ vi phạm hàng hóa hằng năm”, anh Hải thông tin.
Từ năm 2019 đến tháng 9/2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương đã kiểm tra, xử lý tổng số gần 4.000 vụ vi phạm hàng hóa. Qua phân tích, lực lượng chức năng nhận thấy nếu như trước đây, số vụ giả mạo nhãn hiệu các thương hiệu thời trang, giày dép nổi tiếng thường là hàng nhập lậu, thì vài năm trở lại đây phát hiện nhiều vụ quần áo, giày dép được sản xuất bởi các xưởng, cơ sở gia công trong nước, trong tỉnh.
Đặc biệt, vi phạm liên quan đến thương mại điện tử diễn biến nhanh, phức tạp, khó quản lý, khó xác định đối tượng, kho bãi. Thậm chí, hoạt động này được thực hiện xuyên biên giới và khó truy vết, nhất là trong bối cảnh mức phí vận chuyển hàng hóa ngày càng thấp, nhiều cơ sở quy mô nhỏ tham gia vào mạng lưới thương mại điện tử, hàng trăm điểm trung gian với vai trò giới thiệu, “chốt” đơn với khách hàng…
Quyết liệt đấu tranh
Tháng 11/2024, Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương) đã tiêu hủy 97 đôi giầy thể thao giả mạo nhãn hiệu Adidas của hộ kinh doanh do bà Mạc Thị Yến ở Đồng Lạc (Nam Sách) làm chủ .
Trước đó, ngày 22/10, đội phối hợp với Công an huyện Nam Sách kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh này và phát hiện vụ việc. Hộ kinh doanh của bà Yến bị phạt vi phạm hành chính 16 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm.
Ngày 10/7, Đội Quản lý thị trường số 5 đã phối hợp cùng Đội 3, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường (Công an tỉnh) kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh dép ở xã Tiên Động (Tứ Kỳ) do ông Trần Văn Hiệu làm chủ, phát hiện cơ sở này không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đang buôn bán 8.500 đôi dép mang nhãn hiệu CROCS không có hóa đơn, chứng từ, giấy tờ hợp pháp kèm theo. Số hàng hóa này tổng trị giá 916,5 triệu đồng, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu CROCS đang được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam.
Ông Hiệu khai nhập số dép trên để bán kiếm lời. Ông Hiệu có tài khoản Facebook cá nhân mang tên “CROCS Hiệu Trần” để đăng bài giới thiệu, chào hàng sản phẩm với hình ảnh dép mang nhãn hiệu CROCS được lấy trên mạng.
Xét thấy vụ việc có dấu hiệu phạm tội "xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp", Đội Quản lý thị trường số 5 đã chuyển toàn bộ hồ sơ cho Cơ quan điều tra Công an tỉnh tiếp tục điều tra theo quy định của pháp luật.
Từ ngày 1/11/2024 đến hết ngày 1/3/2025, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương thực hiện cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
So với năm trước, đợt cao điểm chống hàng giả, hàng lậu năm nay được triển khai sớm hơn và kéo dài hơn (đợt cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 bắt đầu từ ngày 18/12/2023 đến 23/2/2024). Trong đó, quần áo, giầy dép nằm trong nhóm hàng trọng tâm được tập trung tăng cường kiểm tra, xử lý.
Cục Quản lý thị trường tỉnh đã xác định nhiệm vụ đấu tranh phòng chống vi phạm trong thương mại điện tử là nhiệm vụ chính, thường xuyên trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới.
Cùng với kiểm tra với các cơ sở kinh doanh truyền thống, lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát hàng hóa kinh doanh trên môi trường mạng như sàn thương mại điện tử, website bán hàng, các mạng xã hội như Facebook, TikTok. Hoạt động kiểm soát bảo đảm nguyên tắc 4 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời hạn”.
Cục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng như công an, hải quan, thuế và các đơn vị khác thường xuyên rà soát, kiểm tra khâu lưu thông, nhất là hàng hóa vận chuyển từ biên giới, cảng hàng không quốc tế vào nội địa, các điểm kinh doanh; các kho hàng, bến bãi, điểm tập kết hàng hóa, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, cơ sở sản xuất, làng nghề.
Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại thì rất cần sự chung tay của người tiêu dùng. Người tiêu dùng cần kiên quyết bài trừ, nói không với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ; chủ động tìm hiểu các thông tin cảnh báo, hướng dẫn, ngăn chặn rủi ro để tránh mua phải hàng lậu, hàng giả,
Hành vi sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán hàng giả mạo nhãn hiệu có thể bị phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 250 triệu đồng theo quy định tại điều 12, Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung tại điểm a khoản 11 điều 1 Nghị định số 126/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 226 Bộ luật Hình sự (tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp).