Ông Putin ký luật xóa nợ xấu cho người tham chiến ở Ukraine
Tổng thống Putin ký một đạo luật cho phép những người đăng ký tham chiến ở Ukraine được xóa nợ xấu lên tới gần 100.000 USD.
Luật mới sẽ cho phép những người ký hợp đồng một năm chiến đấu ở Ukraine sau ngày 1/12 sẽ được xóa các khoản nợ xấu hiện có. Luật này cũng áp dụng cho vợ hoặc chồng của người đăng ký, Chính phủ Nga ngày 23/11 thông báo.
Luật sẽ được áp dụng với cả các khoản nợ đã có lệnh thu hồi của tòa án và bắt đầu bị cưỡng chế trước ngày 1/12. Tổng số tiền nợ có thể được xóa là 10 triệu rouble, tương đương khoảng 96.000 USD.
Những người Nga dưới 30, trong độ tuổi chiến đấu, sẽ được hưởng lợi nhiều nhất vì là nhóm có nhiều khả năng vay nợ cao nhất. Nga có lãi suất cho vay rất cao và nhiều người gần như không có tiền tiết kiệm, mặc dù tỷ lệ sở hữu nhà cũng tương đối lớn.
Các chuyên gia nhận định luật mới sẽ là động lực mạnh mẽ để một số người đăng ký tham gia chiến đấu ở Ukraine, khi Nga đang tìm kiếm những cách thức mới để tuyển quân cho cuộc xung đột đã kéo dài gần 3 năm qua.
Nhà phân tích chính trị Georgy Bovt viết trên Telegram rằng chính quyền Nga rõ ràng "đang tăng cường động lực để người dân ký hợp đồng" tới Ukraine chiến đấu.
Theo ông, luật này "cung cấp một cách khác để thoát khỏi gánh nặng tín dụng không thể chi trả đối với ít nhất hàng trăm nghìn người".
Theo báo cáo được Ngân hàng Trung ương Nga công bố tháng trước, hơn 13 triệu người Nga có 3 khoản vay trở lên, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số tiền trung bình mà những người có 3 khoản vay trở lên phải trả là khoảng 13.400 USD. Nhiều người bắt đầu bằng khoản vay ngân hàng, sau đó xin vay thêm từ các tổ chức tài chính vi mô.
Những người lính Nga chiến đấu ở tiền tuyến được trả lương cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn quốc.
Ukraine cũng có luật cho phép những người tham gia chiến đấu được hưởng các điều khoản ưu đãi về vay vốn và trong một số trường hợp được xóa nợ.
Chiến sự Nga - Ukraine bùng phát từ tháng 2/2022 và đến nay chưa có dấu hiệu kết thúc. Hai bên đang gia tăng áp lực quân sự bằng việc sử dụng những loại vũ khí uy lực hơn, tầm xa hơn như tên lửa ATACMS hay tên lửa đạn đạo Oreshnik, gây lo ngại về nguy cơ xung đột ngày càng bị đẩy tới sát ngưỡng chiến tranh hạt nhân.