Những người tìm cách trốn ô nhiễm không khí Hà Nội
Ngày quyết định bán nhà ở trung tâm chuyển sang căn hộ ở ngoại thành vì không thể tiếp tục sống chung với ô nhiễm không khí, anh Minh Đức 'tiếc ngẩn ngơ'.
Ngôi nhà cũ ở quận Nam Từ Liêm của gia đình anh Đức "thuận tiện đủ thứ" từ đầy đủ tiện ích đến việc đi học, đi làm cũng gần. Nhưng cả nhà liên tục ốm đau. Các con 3 tuổi và 5 tuổi của anh ho dai dẳng. Người đàn ông 49 tuổi năm nào cũng trải qua 4 - 5 đợt viêm họng, khó thở.
"Có những hôm 2-3 giờ sáng tỉnh dậy, tôi thấy khó thở vô cùng. Đợi sáng ra, tôi chạy xe máy một mạch ngược lên vùng Hòa Lạc để tìm chút không khí trong lành hít thở", anh kể.
Năm ngoái, gia đình anh quyết định chuyển sang huyện ngoại thành Gia Lâm, chọn khu chung cư nhiều cây xanh để sống. Dù chỗ học, chỗ làm xa hơn, nhưng "ít nhất không khí cũng dễ thở hơn, đỡ hẳn bụi bặm".
Cuối tháng 10, anh Nguyễn Ngọc Bé, 47 tuổi, ở Nam Định, khấp khởi bắt xe lên Hà Nội để nhận công việc bảo vệ, lương gần gấp đôi ở quê. Nhưng đi làm được ba ngày, anh lăn ra ốm vì tức ngực, khó thở, sốt cao, phải quay về quê. Khỏe lên, anh quay lại với công việc, nhưng cứ lên Hà Nội lại thấy khó thở, ngột ngạt. ''Đi khám bác sĩ bảo do thời tiết hanh khô, không khí Hà Nội lại đang ô nhiễm nghiêm trọng nên ảnh hưởng sức khỏe chứ không có bệnh gì nghiêm trọng'', anh cho biết.
Chưa đầy một tháng ở Hà Nội, giữa tháng 11, anh Bé trả phòng trọ, nộp đơn xin nghỉ việc. Người đàn ông nhẩm tính chuyến làm ăn xa này lỗ không dưới hai triệu đồng cho tiền xe đi lại, tiền khám và lấy thuốc, chưa kể vợ phải nghỉ chợ ở nhà chăm mất hai hôm.
Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là một trong những thành phố có chất lượng không khí thấp nhất châu Á. Trong đó, Hà Nội được cho là thành phố ô nhiễm thứ 10 thế giới, chỉ số bụi PM2.5 liên tục ở mức kém. Ước tính hơn 40% dân số thành phố đang phơi nhiễm với nồng độ bụi PM2.5 cao gấp đôi quy chuẩn quốc gia.
Ông Nguyễn Minh Tấn, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết với sự gia tăng nồng độ bụi PM 2.5 thì trung bình mỗi năm có gần 1.100 ca nhập viện do bệnh tim mạch, gần 3.000 ca do bệnh hô hấp.
Phân tích Báo cáo Gánh nặng bệnh tật toàn cầu ghi nhận riêng số người chết bởi phơi nhiễm PM2.5 ở Việt Nam tăng từ hơn 26.000 người năm 1990 lên 42.000 năm 2015.
Ông Tấn cho biết giai đoạn 2011-2015 ô nhiễm không khí làm giảm khoảng 20% thu nhập của người dân nội thành.
Một nghiên cứu của Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, năm 2020, cho thấy ô nhiễm không khí khiến Việt Nam thiệt hại 10,82 - 13,63 tỷ USD mỗi năm.
Thứ nhất là thiệt hại hữu hình có thể nhìn thấy như chi phí khám sức khỏe, tiền mua máy lọc không khí. Thứ hai là thiệt hại gián tiếp như số người chết, ảnh hưởng của bệnh tật đến năng suất lao động hay hình ảnh của đất nước trong mắt bạn bè quốc tế.
"Tổn thất về thu nhập không chỉ với người bị bệnh do ô nhiễm không khí mà còn phải tính đến chi phí người chăm sóc", PGS. TS Nguyễn Công Thành, trưởng bộ môn Kinh tế, Quản lý tài nguyên và môi trường, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, nói.
Nghiên cứu do ông Thành đứng đầu được công bố trên tạp chí quốc tế Economic Analysis and Policy, năm 2021, cho thấy giá trị sinh mạng của một ca tử vong sớm do ô nhiễm không khí được ước tính trong khoảng 164 triệu đồng-1,5 tỷ đồng.
Anh Minh Đức cho biết dù phải tốn kém bao nhiêu để trị dứt điểm bệnh viêm họng cũng chấp nhận, nhưng đã chữa khắp nơi, uống đủ loại thuốc vẫn không khỏi. Làm công việc kinh doanh, thường xuyên phải gặp gỡ khách hàng, nhưng những trận ho dai dẳng khiến anh liên tục phải hoãn, cắt giảm công việc. "Tôi đi xe buýt, dù đeo khẩu trang nhưng ho liên tục làm mọi người né, tài xế nhắc đứng xa điều hòa ra", anh nói.
Tuy công việc được trả lương gấp đôi, nhưng anh bảo vệ Nguyễn Ngọc Bé thừa nhận sức đề kháng kém, không thể chống chọi với không khí ô nhiễm ở Hà Nội. "Vừa thuốc thang, vừa mang bệnh vào thân, chết lúc nào không hay nên về quê, sống nghèo mà khỏe", anh nói.
PGS. TS Nguyễn Công Thành cho rằng để cải thiện ô nhiễm môi trường có hai nhóm giải pháp chính: giải pháp công và cá nhân.
Giải pháp công gồm trồng cây xanh, phát triển hệ thống phương tiện giao thông xanh, nâng cao chất lượng nguyên liệu sử dụng, quy hoạch vùng phát thải thấp.
Mỗi gia đình chủ động bảo vệ sức khỏe bằng cách đeo khẩu trang, đóng cửa nếu ở gần đường giao thông, mua sắm máy lọc không khí, điều hòa khử khuẩn, thậm chí nếu có thể, nên dọn nhà khỏi đường giao thông hay công trình ô nhiễm.
Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho biết khoảng 1-7 giờ sáng và các giờ cao điểm không khí bị ô nhiễm nặng nề nhất. Vì vậy, nên đóng cửa khi ngủ và nếu có thể, hạn chế ra đường giờ cao điểm.
"Hiện nay điện thoại di động có các ứng dụng cảnh báo ô nhiễm không khí. Người dân nên cài đặt để tránh ra đường vào khung giờ có nguy cơ, khi không cần thiết", ông Tùng nói.
Chuyên gia cho rằng chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng, đi bộ hoặc xe đạp, giảm đốt rác là những giải pháp có thể làm ngay, không tốn chi phí, góp phần cứu mình khỏi ô nhiễm môi trường.
Xác định tình trạng ô nhiễm không khí của Hà Nội khó có thể giải quyết trong một sớm, một chiều nên 7 năm trước, anh Minh Đức về Quảng Bình xây dựng một trang trại. Quãng thời gian ở rừng một năm, vừa hít thở không khí trong lành, vừa ngậm mật ong rừng, anh không thấy bị viêm họng hành hạ.
"Tổng chi phí mua mật ong gừng chỉ bằng một lần đi khám bác sĩ ở Hà Nội", anh nói.
Hiện nay, mỗi năm anh dành khoảng 3 tháng ở Quảng Bình, vừa để lo công việc, vừa được sống giữa thiên nhiên.
"Vì kinh tế chưa vững nên tôi chưa thể về hẳn, nhưng đã xác định khi có cơ hội sẽ rời Hà Nội ngay", anh nói.