Đừng đến bảo tàng chỉ để sống ảo
Những hiện tượng xấu xí của du khách khi tới tham quan Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam những ngày qua khiến chúng ta không khỏi nghi ngờ nhiều người đến bảo tàng chỉ để sống ảo.
Những ngày qua, mỗi ngày có hàng nghìn người dân đổ về thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Ngày cao điểm, bảo tàng đón hơn 40.000 lượt khách. Khách đến bảo tàng tăng đột biến khiến nhiều người bất ngờ.
Nhiều người đến bảo tàng tìm hiểu, khám phá hiện vật, học tập, nghiên cứu... Nhưng ở đây đã xuất hiện những hành vi không đẹp, phản cảm đến từ khách tham quan. Nào là người dân chen lấn trong khuôn viên. Nào là có biển cấm nhưng nhiều người vẫn sờ, thậm chí đu lên hiện vật. Chưa kể họ còn ăn uống ồn ào, xả rác bừa bãi. Nhiều nhóm gia đình còn để con trẻ thản nhiên trèo lên xe tăng, leo lên khẩu pháo để tạo dáng chụp ảnh. Để rồi sau mỗi buổi mở cửa, các hiện vật từ sa bàn, xe tăng đến các khẩu pháo... đầy dấu dép, dấu giày.
Cá biệt có những trường hợp còn leo cả lên nóc bảo tàng để có những bức hình check - in độc lạ. Với những hình ảnh đó, thử hỏi chúng ta đang đi tham quan bảo tàng, hay đến trải nghiệm một công viên giải trí?
Nhìn thẳng vào thực tế, những hình ảnh xấu xí này không mới, chúng ta vẫn có thể bắt gặp đâu đó khi đi thăm các bảo tàng hay địa điểm tham quan di tích, lịch sử trên cả nước. Giải mã hiện tượng đông khách đến với Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam lần này, tôi cho rằng bên cạnh những người thực sự đến với mục đích tìm hiểu, chiêm ngưỡng những "nhân chứng lịch sử" thì số đến để thỏa mãn tính hiếu kỳ, a dua, bắt "trend" mạng xã hội đang "hot" không nhỏ. Chưa kể tâm lý thích miễn phí, ưa "xài chùa"...
Chúng ta cần chấn chỉnh ngay tình trạng này. Bởi những di tích lịch sử, hay những hiện vật trong bảo tàng cần phải được trân trọng theo đúng giá trị của nó.
Quan sát hoạt động của những bảo tàng ở Việt Nam hiện nay, tôi thấy nhiều bảo tàng đang chuyển mình để thu hút nhiều hơn khách tham quan. Và trả lời cho câu hỏi từ hơn chục năm trước rằng: Làm thế nào để hút khách đến bảo tàng? Tôi nghĩ đã dần có câu trả lời, khi phần đông các bảo tàng đang có sự chuyển mình. Những người làm công tác bảo tàng đang từng ngày nỗ lực để làm mới không chỉ bằng cách truyền thông mà thay đổi từ nội dung trưng bày, đến cách thức để tương tác, tăng cường không gian trải nghiệm cho du khách...
Tôi đã rất bất ngờ khi đến tham quan Bảo tàng Gốm Bát Tràng ở Gia Lâm (Hà Nội) bởi cách làm thông minh, biết chiều tâm lý du khách mà cũng rất khéo léo chuyển tải thông điệp lịch sử thông qua các gian trưng bày, gian chuyên đề thể hiện qua không gian gốm sứ "xưa và nay", tìm hiểu lịch sử qua nghệ thuật điêu khắc ánh sáng "Thắp đèn soi niên sử". Ở đó, hướng dẫn viên sẽ giới thiệu khái quát về lịch sử dân tộc Việt Nam, mỗi triều đại giới thiệu một nhân vật anh hùng nổi bật, gắn với sự phát triển của gốm sứ mỗi thời. Ngoài ra, du khách yêu thích check - in còn được trải nghiệm những không gian đẹp và có chỗ yên tĩnh để thưởng trà... Độc đáo là thế nên dù bỏ một khoản tiền khá cao so với vé thăm quan một bảo tàng thông thường thì du khách vẫn cảm thấy xứng đáng.
Hoặc không đâu xa, Bảo tàng Hải Dương những năm gần đây cũng có sự chuyển mình. Bảo tàng đã mạnh dạn tổ chức nhiều hoạt động chuyên đề, nhiều không gian trải nghiệm mang tính đột phá như tái hiện không gian gốm sứ; các không gian trải nghiệm trò chơi dân gian... góp phần làm sống lại các sự kiện lịch sử, văn hóa của người xứ Đông xưa, Hải Dương nay, ngày càng đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu, hưởng thụ văn hóa của người dân trong tỉnh, đặc biệt là các em học sinh.
Các bảo tàng đã có sự dịch chuyển và tham quan bảo tàng là con đường ngắn nhất để tìm hiểu lịch sử, văn hóa của một vùng đất, một dân tộc hay một quốc gia. Vậy nên với những cố gắng của đội ngũ những người làm bảo tàng, thì chúng ta - những người được hưởng thụ, cần đón nhận nó bằng ý thức trân trọng chứ không phải tiếp nhận một cách thụ động hay tâm lý a dua, hời hợt, hoặc chỉ để check - in sống ảo.