Văn học nghệ thuật có đóng góp to lớn đối với sự phát triển của đất nước
Dự hội thảo tại Hải Dương, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho rằng, thời gian qua, văn học nghệ thuật có đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự phát triển của đất nước về mọi mặt.
Sáng 20/11, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương chủ trì tổ chức Hội thảo “Đất nước đổi mới và đóng góp của văn học nghệ thuật” Nhóm Hợp tác phát triển văn học - nghệ thuật (Nhóm VN8+5 - nhóm các Hội Văn học nghệ thuật có tính tương đồng).
Phát biểu tại hội thảo, phó giáo sư, tiến sĩ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định thời gian qua, văn học nghệ thuật có đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự phát triển của đất nước về mọi mặt.
Đồng chí Đỗ Hồng Quân cũng góp ý một số nội dung thiết thực đối với các Hội Văn học nghệ thuật trong thời gian tới. Điển hình là thực hiện Chỉ thị 36-CT/TW năm 2024 của Ban Bí thư về Đại hội các Hội Văn học nghệ thuật và Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam nhiệm kỳ 2025-2030, các Hội Văn học nghệ thuật cần thảo luận sâu kỹ, lựa chọn nhân sự để bầu đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc vào tháng 7/2025.
Ban Tuyên giáo Trung ương đã có kế hoạch về việc tổ chức các hoạt động tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025). Đây là việc khó, do đó các hội cần phải có sự đầu tư, tham khảo ý kiến của các thế hệ cha anh - những văn nghệ sĩ đã từng trực tiếp làm nên thành tựu của văn học nghệ thuật 50 năm qua.
Một việc rất quan trọng đó là cần quan tâm đến đội ngũ người làm công tác lý luận phê bình văn học, nghệ thuật. Họ làm công tác nghiên cứu, định hướng, đưa ra được hướng đi, dự báo xu hướng phát triển của văn học, nghệ thuật trong từng giai đoạn, từng thời kỳ. Do đó, cần phải phát triển đội ngũ này với chất lượng tốt hơn nữa trong thời gian tới.
Tất cả các đơn vị tham gia hội thảo đều có bài tham luận, đóng góp ý kiến. Bà Trương Thị Thương Huyền, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương cho rằng các tham luận đều tập trung đánh giá, bám sát các vấn đề, yêu cầu thực tiễn với chủ đề của hội thảo.
Đó là, sự mở cửa, tự do sáng tác cho các văn nghệ sĩ đã phản ánh cả 2 mặt tiến bộ phát triển và hạn chế cần khắc phục. Đặc biệt sự đổi mới trong cách nhìn nhận, quan tâm cho văn học nghệ thuật phát triển của Việt Nam, tạo điều kiện để văn học nghệ thuật đồng hành xây dựng và phát triển đất nước.
Khẳng định vai trò và vị trí của văn học nghệ thuật đối với đời sống chính trị của đất nước. Tham gia tích cực vào định hướng dư luận, cảm thụ các giá trị của đời sống tinh thần theo hướng chân - thiện - mỹ ở nhiều loại hình.
Sự trưởng thành của đội ngũ văn nghệ sĩ, nhất là những người trẻ và trách nhiệm của họ đối với sự phát triển của đất nước. Đề xuất phương hướng sáng tác của các địa phương trong thời gian tới...
Hội thảo đã nhất trí Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Bình là đơn vị đăng cai Hội thảo VN8+ 5 vòng III.
Trước đó, trong khuôn khổ của hội thảo, các đơn vị đã tham gia trưng bày 70 tác phẩm tại Triển lãm mỹ thuật “Hợp tác và phát triển”; tham quan vùng nông nghiệp xanh và làng nghề ở huyện Tứ Kỳ.
Nhóm VN8+5 là nhóm các Hội Văn học nghệ thuật có tính tương
đồng (số lượng hội viên, phương thức mục tiêu hoạt động, xu hướng phát triển, thành tựu, khó khăn, thuận lợi, định hướng sáng tác, mô hình đổi mới trong hoạt động các hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật).Khi thành lập năm 2009, nhóm có 8 Hội Văn học nghệ thuật gồm: Hải Phòng, Phú Thọ, Hải Dương, Thái Bình, Bắc Giang, Sơn La, Yên Bái, Ninh Bình. Đến nay, nhóm phát triển thêm 4 địa phương nữa là Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hòa Bình.
Năm nay, Hải Dương đăng cai tổ chức hội thảo mời thêm các hội khách mời là Thừa Thiên Huế và Lào Cai. Do Thừa Thiên Huế không đến dự nên nhóm lấy tên là VN8+5.