Giáo dục và đào tạo

Đại biểu Quốc hội đề nghị quản lý dạy thêm, học thêm thay vì cấm

TB (theo Người lao động) 20/11/2024 11:42

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần nhìn nhận vấn đề dạy thêm, học thêm một cách thấu đáo để đưa ra các quy định phù hợp, tránh việc không quản được thì cấm.

dai-bieu-quoc-hoi-do-huy-khanh.jpg
Đại biểu Quốc hội Đỗ Huy Khánh góp ý hoàn hiện dự thảo Luật Nhà giáo

Sáng 20/11, tham gia thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo, đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) quan tâm đến việc dạy thêm, học thêm.

Theo đại biểu Đỗ Huy Khánh, tại Điều 11 của dự thảo luật quy định về những việc không được làm của nhà giáo, trong đó không được ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức. Song, theo đại biểu Đỗ Huy Khánh, việc học thêm là nhu cầu cần thiết của xã hội.

Vị đại biểu đoàn Đồng Nai cho biết việc học thêm hiện nay có hai luồng ý kiến, một là cấm, hai là quản lý. Với quan điểm cá nhân, ông Đỗ Huy Khánh cho rằng không thể "không quản được thì cấm".

Đại biểu Khánh đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, ngành liên quan để ban hành các quy định quản lý đối với việc dạy thêm, học thêm hiện nay.

"Nhiều công nhân tăng ca buổi chiều không đón con được nên họ muốn gửi con cho thầy cô giáo đưa về nhà để quản lý, đến tận tối mới đón con về. Do đó, trong dự án luật cần có cơ chế quản lý về việc dạy thêm, học thêm", đại biểu Đỗ Huy Khánh đề xuất.

Đồng tình với quan điểm nêu trên, đại biểu Chamaléa Thị Thủy (đoàn Ninh Thuận) cho rằng cần nhìn nhận vấn đề dạy thêm, học thêm một cách thấu đáo để đưa ra các quy định phù hợp nhất.

"Trong thực tế, việc dạy thêm là nhu cầu có thật của giáo viên, học thêm là nhu cầu có thật của học sinh, nhất là khu vực đô thị, vùng có điều kiện kinh tế phát triển, các cháu được gia đình đầu tư cho học tập", đại biểu Thủy nhấn mạnh.

Theo đại biểu Chamaléa Thị Thủy, học sinh có năng lực học tập tốt cũng có nhu cầu học thêm nhằm nâng cao hơn ngoài kiến thức cơ bản, nhất là các cháu có nguyện vọng thi vào các trường chuyên, học sinh giỏi các cấp và thi vào các trường đại học thuộc nhóm đầu.

"Nhu cầu tìm đến các giáo viên giỏi để được học thêm là luôn luôn có thật", đại biểu Thủy nói và cho rằng việc tăng lương, phụ cấp để giải quyết vấn đề dạy thêm hiện nay vẫn là cách nhìn chủ quan, chưa thật sự phù hợp với nhu cầu cuộc sống.

Quan tâm đến vấn đề tiền lương và chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (đoàn Quảng Ngãi) đề nghị cần quan tâm đến đời sống, thu nhập của nhà giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non và giáo viên trẻ.

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương cho rằng đời sống của một bộ phận nhà giáo còn khó khăn, chưa thể sống bằng nghề, chưa được quan tâm và bảo vệ xứng đáng từ xã hội. Đại biểu đề nghị cần quy định rõ về quyền của nhà giáo liên quan đến việc làm, môi trường làm việc được bảo vệ an toàn, được tôn trọng.

Đại biểu Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) cho biết trong các cơ sở giáo dục công lập, bên cạnh các nhà giáo là viên chức, còn một bộ phận các nhà giáo thực hiện theo hợp đồng lao động chưa được tuyển dụng viên chức.

Vì vậy, đại biểu đề nghị trong dự thảo luật khi quy định về nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập cần quy định trường hợp nhà giáo là viên chức và trường hợp nhà giáo thực hiện theo hợp đồng lao động để bảo đảm bao quát tất cả các nhà giáo đang làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập.

TB (theo Người lao động)