Tin tức

Lãng phí khi chậm xử lý tang vật vi phạm

PHONG TUYẾT 22/11/2024 11:00

Những lô hàng giá trị, xe máy, ô tô bị tịch thu do vi phạm hành chính ở Hải Dương chậm được đấu giá, thanh lý, tiêu huỷ gây lãng phí.

phuong-tien-vi-pham.jpg
Hàng trăm chiếc xe máy chờ được xử lý trong bãi giữ xe tại trụ sở Công an huyện Bình Giang

Khó bán, khó bảo quản

Nhiều lô hàng ở kho của Cục Quản lý thị trường tỉnh; nhiều khối gỗ hương, gỗ keo ở Chi cục Kiểm lâm; hàng nghìn xe máy, ô tô tại các bãi xe thu giữ ở trụ sở công an cấp huyện ở Hải Dương vẫn nằm chờ được xử lý vì vướng quy định.

Đây là thực trạng được đánh giá qua giám sát chuyên đề vào cuối tháng 10 vừa qua của Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương về công tác quản lý, xử lý tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo, giai đoạn 2021-2023, lực lượng công an tỉnh Hải Dương phát hiện, xử lý 3.767 vụ việc vi phạm hành chính có tang vật, phương tiện thuộc trường hợp bị tịch thu với tổng số hơn 91.300 tang vật, phương tiện.

Năm 2021, tổng giá trị phương tiện, tài sản bị tịch thu gần 14,4 tỷ đồng; số thu nộp ngân sách nhà nước qua đấu giá, thanh lý tang vật vi phạm hơn 12,8 tỷ đồng. Năm 2022 thu tổng giá trị tài sản gần 5,3 tỷ đồng, thu về hơn 3,1 tỷ đồng. Năm 2023 thu tổng giá trị hơn 4 tỷ đồng, thu về hơn 1 tỷ đồng.

Hiện nay, các đơn vị thuộc Công an tỉnh Hải Dương chưa có kho tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. Các đơn vị công an cấp huyện thường cải tạo một phần diện tích khá lớn ngay tại trụ sở làm việc để tận dụng làm lán để xe máy vi phạm bị tịch thu.

Đó là những chiếc xe bị chủ bỏ lại, không đến giải quyết nhận xe về khi bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền cao, chủ yếu là vi phạm nồng độ cồn. Nhiều chiếc xe là xe độ, xe chế, không có giấy tờ hợp pháp buộc phải tịch thu. Thủ tục để xử lý những phương tiện này rất phức tạp. Việc giữ, bảo quản những tang vật này cũng là vấn đề lớn, nhất là nguy cơ cháy nổ.

stellar-viet-nam.jpg
Gần 20 tấn hàng là phụ kiện, nguyên liệu sản xuất giày liên quan đến vụ việc từ năm 2006 đến nay vẫn được niêm phong trong kho tại Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương

Ở Cục quản lý thị trường tỉnh Hải Dương, một kho chứa hàng tịch thu ngay trong trụ sở làm việc của đơn vị ở phố Bắc Sơn (phường Quang Trung). Tại đây giữ gần 20 tấn hàng là phụ kiện, nguyên liệu sản xuất giày liên quan đến vụ việc từ năm 2006 đến nay.

18 năm qua, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương chưa nhận được kết quả xử lý vụ việc của cơ quan công an làm cơ sở xử lý tang vật trên. Cục Quản lý thị trường tỉnh đã nhiều lần gửi văn bản phản ánh việc lưu giữ, bảo quản số lượng lớn tang vật trong gần 20 năm làm ảnh hưởng hoạt động của đơn vị; đề nghị cung cấp thông tin về kết quả điều tra vụ việc hoặc tiếp nhận bàn giao tang vật để quản lý, xử lý nhưng chưa có kết quả.

Những tang vật vi phạm chậm được xử lý gây lãng phí vì hao hụt giá trị và mất chi phí nhân lực, kho bãi quản lý, bảo quản.

Vướng nhiều quy định

cuc-quan-ly-thi-truong.jpg
Khu vực kho còn lại để bảo quản tang vật, phương tiện của Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương có diện tích khiêm tốn, ẩm thấp, chật chội

Việc chậm trễ trong xử lý tang vật vi phạm hành chính như thực trạng trên đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó có vướng quy định của pháp luật.

Trong đó, quy định từ việc xác định giá trị, điều kiện để được tổ chức đấu giá, thanh lý tài sản và xây dựng, phê duyệt phương án xử lý phương tiện, tang vật vi phạm hành chính còn nhiều vướng mắc.

Hiện nay, các đội quản lý thị trường, cơ quan công an... đều phải xây dựng phương án xử lý tài sản sau khi có quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tịch thu sau đó phải trình cơ quan Trung ương là Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Kế hoạch và Tài chính... xin ý kiến phê duyệt phương án.

Theo Công an tỉnh Hải Dương, việc này dẫn đến kéo dài thời gian xử lý tài sản bị tịch thu. Hiện chưa có quy định cụ thể về thời hạn trả lời đơn vị lấy ý kiến dẫn đến việc chậm trễ trả lời, kéo dài thời gian xử lý, gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo quản, giảm giá trị của tài sản.

Mặt khác, theo Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương, các cơ quan Trung ương là đơn vị cho ý kiến với phương án xử lý nhưng không có điều kiện đi kiểm tra trực tiếp để đánh giá chất lượng tài sản trước khi cho ý kiến nên việc phê duyệt phương án xử lý hạn chế.

Ông Vũ Minh Hải, Trưởng Phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương cho biết: "Để tổ chức đấu giá tang vật, phương tiện cần qua rất nhiều thủ tục, nhiều bước và tốn kém. Nhiều khi số tiền thu về được từ đấu giá tài sản còn ít hơn so với chi phí phải bỏ ra để tổ chức các quy trình đấu giá".

Nhiều trường hợp hàng hoá đấu giá theo giá bán niêm yết hiếm người mua. Đấu giá nhiều lần không thành dẫn đến hàng hoá xuống cấp, qua xu thế, nhu cầu, nhất là với mặt hàng quần áo.

Trong trường hợp bán đấu giá không thành, hiện chưa có quy định về việc giảm giá trong trường hợp đấu giá lại tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu (mới chỉ có quy định về giảm giá khi bán lại trong trường hợp bán niêm yết theo quy định tại khoản 8 điều 26 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP). Do vậy, nếu vẫn giữ nguyên giá khởi điểm như ban đầu thì khó đấu giá thành.

phong-chay-chua-chay.jpg
Việc bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm gặp khó vì thiếu cơ sở vật chất và tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ

Thực tế trên cho thấy cần khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để giải quyết những vướng mắc nêu trên và một số bất cập khác, tránh lãng phí khi tài sản chậm được xử lý.

PHONG TUYẾT