Du lịch

Bali, Kyoto trong top điểm nổi tiếng không nên đến năm 2025

T.H (theo VnExpress) 19/11/2024 19:30

Nhiều điểm du lịch nổi tiếng như Bali, Kyoto đang quá tải khách, dẫn đến những hệ lụy xấu cho môi trường và đời sống người dân.

Mỗi năm, danh sách No List của Fodor’s giới thiệu những điểm đến nổi bật nhờ vẻ đẹp, văn hóa nhưng đang đối mặt với vấn đề quá tải du lịch. Các điểm đến này thường ưu tiên du lịch hơn bảo vệ quyền lợi của cư dân, dẫn đến quá tải, tổn hại môi trường và giá cả leo thang. Fodor’s không kêu gọi tẩy chay, hy vọng sẽ nâng cao nhận thức và tìm ra giải pháp bảo vệ điểm đến cho các thế hệ sau.

Dưới đây là danh sách các điểm nổi tiếng không nên tới năm 2025.

Kyoto và Tokyo, Nhật Bản

du-lich-khong-nen-den.jpg
Du khách chụp ảnh geisha ở Kyoto

Kyoto đang đối mặt với hiện tượng quá tải du lịch dù thành phố đã áp dụng nhiều biện pháp như đặt camera giám sát, thiết lập hệ thống giao hành lý, dựng biển cấm quấy rối, chụp ảnh geisha. Tuy nhiên, du khách thường không có xu hướng tìm hiểu các quy tắc trước khi du lịch nên các chiến lược này dường như chưa hiệu quả, yêu cầu giải pháp cấp tiến hơn, theo tờ Nippon.

Theo Cơ quan Xúc tiến du lịch Nhật Bản (JNTO), khách quốc tế đến Nhật Bản đạt mức cao kỷ lục với hơn 3,2 triệu lượt trong tháng 7; vượt mốc 3 triệu lượt trong các tháng 3, 4, 5 và 6. Đồng yen suy yếu, chạm mức thấp nhất từ đầu thập niên 1990, khiến chi phí du lịch Nhật thêm hấp dẫn.

Đổi lại, giá dịch vụ du lịch nội địa tăng mạnh - giá phòng nghỉ cao hơn 25% so với trước đại dịch. Bà Wanping Aw, Giám đốc công ty lữ hành TokudAw Inc., nhận xét giá khách sạn tăng cao khiến người Nhật Bản gặp khó khăn khi đặt phòng. Tại Kyoto, các điểm tham quan như Arashiyama, Kiyomizudera và Fushimi Inari thường xuyên quá tải. Bà cũng cho rằng các chợ thực phẩm nổi tiếng như Tsukiji, Tokyo; Nishiki, Kyoto và Omicho, Kanazawa mất đi bản sắc địa phương vì ưu tiên bán cho khách du lịch với giá cao hơn; thực phẩm phù hợp khẩu vị du khách.

Bali, Indonesia

du-lich-khong-nen-den-1.jpg
Bãi biển Kuta ở Bali

Cơ quan Thống kê tỉnh Bali cho biết hòn đảo này đón khoảng 5,3 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023, phục hồi mạnh so với trước đại dịch nhưng vẫn thấp hơn mức 6,3 triệu lượt vào năm 2019. Trong bảy tháng đầu năm, lượng khách nước ngoài đạt 3,5 triệu lượt, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023.

Sự phục hồi du lịch thúc đẩy kinh tế nhưng cũng đặt áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng của Bali. Các bãi biển từng sạch đẹp như Kuta và Seminyak nay ngập tràn rác. Theo Bali Partnership, liên minh nghiên cứu quản lý rác thải, hòn đảo đang thải ra 1,6 triệu tấn rác mỗi năm, hơn 300.000 tấn là nhựa. Tuy nhiên, chỉ 48% được xử lý đúng cách, 7% rác nhựa được tái chế và 33.000 tấn rác nhựa trôi ra môi trường mỗi năm.

Chất lượng nước ven biển Indonesia đang chịu áp lực từ ô nhiễm chất hữu cơ, kim loại nặng và chất dinh dưỡng dư thừa từ nước thải sinh hoạt, công nghiệp và nông nghiệp. Ngân hàng Phát triển Châu Á cho biết chỉ 59% dân số có hệ thống vệ sinh cải thiện, gia tăng áp lực lên môi trường tự nhiên.

Tiến sĩ Marta Soligo từ Đại học Nevada, Las Vegas chỉ trích tư duy "tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá," nhấn mạnh rằng cách tiếp cận này ưu tiên lợi nhuận ngắn hạn, bỏ qua tính bền vững dài hạn. Bà cho biết chi phí sinh hoạt tăng cao, ô nhiễm tiếng ồn, tắc nghẽn giao thông, xung đột giữa du khách và cư dân địa phương đang gia tăng tại Bali.

Koh Samui, Thái Lan

Đảo Samui từ lâu thu hút du khách nhờ các khu nghỉ dưỡng và biệt thự sang trọng. Năm ngoái, đảo đón 3,4 triệu lượt khách, đạt mức trước đại dịch, dự kiến tăng thêm 10-20% trong năm 2024. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo sự gia tăng này có thể làm trầm trọng hơn các vấn đề hiện tại.

Hiện tại, bãi rác trên đảo chứa 200.000 tấn rác, chưa kể việc phát triển thiếu kiểm soát ở khu vực đồi núi. Hệ thống lò đốt rác của đảo ít được sử dụng và phần lớn nước thải vẫn bị xả thẳng ra biển do không có nguồn kinh phí vận hành nhà máy xử lý.

du-lich-khong-nen-den-2.jpg
Nhóm dọn rác tình nguyện ở Koh Samui

Việc phát triển du lịch không kiểm soát còn tạo ra các biệt thự và khu nghỉ dưỡng xây trái phép, gây rủi ro sạt lở núi và ảnh hưởng xấu đến môi trường biển. Tiến sĩ Kannapa Pongponrat Chieochan từ Đại học Thammasat cho biết thực thi pháp luật yếu kém và sự can thiệp chính trị làm tình hình thêm phức tạp. Nhu cầu nhân lực xây dựng phục vụ khách du lịch tăng cũng khiến tốc độ di cư trong nước tăng nhanh, gây áp lực lên tài nguyên thiên nhiên.

Đỉnh Everest, Nepal

Ngành du lịch mạo hiểm tại Nepal đã phát triển vượt bậc kể từ thời điểm Tenzing Norgay và Edmund Hillary chinh phục đỉnh Everest 76 năm trước. Tuy nhiên, lượng khách kéo đến Vườn quốc gia Sagarmatha, đặc biệt là tuyến đường đến trại nền Everest (EBC) đang gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng.

Số lượng du khách đã tăng gấp đôi trong vòng 25 năm, đạt khoảng 58.000 người mỗi năm, khiến các làng nông nghiệp nhỏ dọc tuyến đường biến thành nhà nghỉ và khách sạn. Ước tính khoảng 30 tấn phân người và rác nằm dọc trên sườn núi đe dọa đến hệ sinh thái mỏng manh, không thể chịu đựng nổi áp lực từ du lịch đại trà.

Đoàn leo núi chinh phục Everest. Ảnh: Bangkok Post
Đoàn leo núi chinh phục Everest

Các tổ chức như KEEP và Sagarmatha Next đã kêu gọi hạn chế số lượng khách du lịch để bảo vệ khu vực và cải thiện cơ sở hạ tầng nhưng chính phủ Nepal vẫn chưa đưa ra giới hạn cụ thể. Thay vào đó, các cơ quan du lịch vẫn mong muốn thu hút thêm du khách, bất chấp những vấn đề về ô nhiễm và sự xói mòn văn hóa trong vùng.

Châu Âu

Nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng tại châu Âu đang đối mặt với phản ứng tiêu cực từ người dân địa phương khi lượng du khách quốc tế gia tăng. Theo Ủy ban Du lịch châu Âu, lượng khách đến trong quý I tăng 7,2% so với trước đại dịch, dẫn đến quá tải, ảnh hưởng cơ sở hạ tầng, tài nguyên thiên nhiên và chi phí sinh hoạt tại các khu vực này.

Người dân Barcelona dùng súng nước để phản đối khách du lịch. Ảnh: CTV News
Người dân Barcelona dùng súng nước để phản đối khách du lịch

Tại Barcelona, người dân phun nước vào du khách và tổ chức biểu tình. Trong khi, ở quần đảo Canary, hàng chục nghìn người đã xuống đường phản đối du lịch đại trà. Nhiều nơi như Lisbon hay Venice cũng chịu áp lực tương tự khi số lượng nhà ở cho thuê ngắn hạn tăng vọt, khiến giá nhà tăng cao, dân địa phương phải rời bỏ khu vực sinh sống.

Amsterdam đã triển khai nhiều biện pháp hạn chế du lịch như cấm tàu biển lớn cập bến, giảm số lượng tàu du lịch trên sông và dừng xây dựng khách sạn mới. Tuy nhiên, hiệu quả của những giải pháp này vẫn cần thời gian để đánh giá.

Một số địa điểm khác

Agrigento ở Sicily, Italy - nơi chuẩn bị trở thành Thủ đô văn hóa Italy năm 2025, dự kiến thu hút lượng lớn du khách. Khu vực này đang đối mặt với khủng hoảng nước nghiêm trọng và lượng khách lớn sẽ gia tăng áp lực lên hệ thống nước vốn ít ỏi.

Ngập lụt ở Kerala hồi tháng 7. Ảnh: Shutterstock
Ngập lụt ở Kerala hồi tháng 7

Quần đảo Virgin thuộc Anh cũng đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển du lịch bền vững khi sự phụ thuộc lớn vào du lịch tàu biển không mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho người dân địa phương.

Kerala, Ấn Độ phát triển du lịch thiếu kiểm soát làm cản trở dòng chảy tự nhiên và gia tăng nguy cơ sạt lở đất. Khoảng 60% các vụ sạt lở tại Ấn Độ từ năm 2015 đến năm 2022 xảy ra ở Kerala.

T.H (theo VnExpress)