Góc nhìn

‘Tìm’ người bầu trưởng thôn, khu dân cư

HOÀNG LONG 20/11/2024 05:30

Tổ chức bầu cử trưởng thôn, khu dân cư nhiệm kỳ 2024-2027 có nhiều ưu điểm, phát huy dân chủ ở cơ sở. Nhưng cử tri ở nhiều nơi vẫn chưa chú trọng thực hiện quyền, trách nhiệm của mình.

bau-cu-1.jpg
Các cử tri khu dân cư Khu Thượng (thị trấn Kẻ Sặt) bầu trưởng khu theo hình thức biểu quyết

Nhiệm kỳ 2024-2027, việc bầu trưởng thôn, trưởng khu dân cư ở Hải Dương được thực hiện theo quy trình, quy định tại Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 (nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023).

Theo đó, các địa phương tổ chức bầu cử theo hình thức cuộc họp hoặc hội nghị cộng đồng dân cư với yêu cầu có trên 50% số hộ gia đình trong thôn, khu dân cư tham dự.

So với việc tổ chức cử tri đi bầu cử trong ngày như trước đây, việc tổ chức cuộc họp cộng đồng dân cư tạo thuận lợi để cử tri trực tiếp bày tỏ ý kiến của mình về nhân sự được giới thiệu ứng cử.

Cử tri cũng có quyền tự ứng cử, đề cử nhân sự bầu trưởng thôn, khu dân cư ngay tại cuộc họp. Nếu kết quả biểu quyết đạt tỷ lệ trên 50% cử tri có mặt đồng ý, nhân sự sẽ được đưa vào danh sách bầu cử.

Đến ngày 19/11, các huyện Bình Giang, Ninh Giang, Cẩm Giàng, Nam Sách, Thanh Hà, Tứ Kỳ, TP Chí Linh và TP Hải Dương đã tổ chức bầu cử trưởng thôn, khu dân cư.

Các địa phương đều tổ chức bầu trưởng thôn, khu dân cư vào ngày nghỉ để tạo thuận lợi cho cử tri tham gia. Có nơi còn kết hợp tổ chức bầu cử với Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc để thu hút đông đảo cử tri đến dự.

Tuy nhiên, điểm chung là rất nhiều nơi phải phát phiếu lấy ý kiến đến từng hộ gia đình vì không tổ chức được cuộc họp cộng đồng. Đa số các địa phương có số thôn, khu dân cư tổ chức được cuộc họp cộng đồng đạt tỷ lệ dưới 50%.

Cùng với chưa phát huy tối đa dân chủ ở cơ sở, việc không tổ chức được các cuộc họp cộng đồng khiến các địa phương mất thêm thời gian bố trí các tổ đến từng nhà phát phiếu lấy ý kiến. Việc này thường phải thực hiện trong ngày để tránh xảy ra sự cố trong bảo quản các hòm phiếu nên rất gấp gáp về thời gian.

Nhiều thôn, khu dân cư số hộ đông phải bỏ ra tiền triệu thuê dựng rạp, hệ thống âm thanh... tổ chức cuộc họp cộng đồng nhưng không thành. Nhiều cử tri sắp xếp công việc đến tham dự cuộc họp nhưng phải ra về vì không đủ 50% số hộ tham dự.

Thực tế cho thấy trưởng thôn, khu dân cư có vai trò rất quan trọng đối với các công việc, phong trào ở cơ sở. Từ năm 2024, Hải Dương đã tăng phụ cấp của bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư với mức tiền có thể tới hơn 7,5 triệu đồng/tháng, cao hơn lương của nhiều công chức.

Mức phụ cấp tăng nhằm góp phần thu hút nhiều người có trình độ, năng lực, uy tín, trẻ khỏe tham gia công việc ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu công việc ngày càng cao.

Để giảm áp lực cho đội ngũ này, hiện các địa phương khuyến khích mà không đặt ra yêu cầu “cứng” về thực hiện bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư. Điều này giúp mở rộng cơ hội được giới thiệu ứng cử, tự đề cử với những đảng viên, quần chúng thực sự có năng lực, uy tín cao ở các thôn, khu dân cư.

Sau kỳ bầu cử trưởng thôn này, các huyện, thị xã, thành phố, sở, ngành liên quan của tỉnh sẽ có những đánh giá, tham mưu, đề xuất để công tác tổ chức bầu cử trưởng thôn, khu dân cư những nhiệm kỳ tới chất lượng, hiệu quả hơn, phù hợp tình hình thực tế, đặc thù ở các thôn, khu dân cư.

Đối với các địa phương chưa tổ chức bầu cử, việc tiếp tục tăng cường, đa dạng hoá hình thức tuyên truyền, vận động, có thêm các hoạt động hấp dẫn thu hút đông đảo cử tri tham dự cuộc họp bầu trưởng thôn, khu dân cư là rất cần thiết.

Mỗi gia đình, cử tri cần phát huy quyền và trách nhiệm của chính mình để bầu những người xứng đáng gánh vác công việc ở địa phương.

HOÀNG LONG