Trong nước

Việt Nam không phải chia sẻ sân Việt Trì ở AFF Cup 2024

VN (theo VnExpress) 17/11/2024 21:20

Việt Nam không phải chia sẻ sân Việt Trì, sau khi Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á chấp thuận để Timor Leste chuyển sang sân Hàng Đẫy thi đấu vòng bảng AFF Cup 2024.

doi-tuyen-viet-nam.jpg
Nguyễn Tiến Linh (áo đỏ) tranh bóng trong trận Việt Nam thắng Malaysia 1-0 ở bán kết môn bóng đá nam SEA Games 31

Ban đầu, Timor Leste thuê sân Việt Trì do không có sân đáp ứng tiêu chuẩn thi đấu AFF Cup. Tuy nhiên, kế hoạch phải thay đổi khi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cũng muốn chọn sân Việt Trì, do không đạt được thỏa thuận thuê với Ban Quản lý Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình. Vào ngày 7/12, tám ngày trước trận Việt Nam tiếp Indonesia, sân Mỹ Đình tổ chức sự kiện ca nhạc. Điều này dẫn đến lo ngại mặt sân không bảo đảm để thi đấu.

Đến ngày 13/11, AFF chấp thuận cho Việt Nam chọn sân Việt Trì. Do tránh để hai đội chung sân nhà, VFF đề xuất cho Timor Leste thuê sân Hàng Đẫy và được chấp thuận.

Sau khi gặp Indonesia, Việt Nam còn tiếp Myanmar vào ngày 21/12. Nếu vượt qua vòng bảng, VFF sẽ tính toán xem có tiếp tục thuê sân Việt Trì hoặc trở lại sân Mỹ Đình. Trong khi đó, Timor Leste lần lượt gặp Thái Lan (8/12) và Singapore (14/12).

Sân Việt Trì có sức chứa 20.000 chỗ ngồi, nằm trong khuôn viên Khu Liên hợp thể dục thể thao Phú Thọ, đã được đầu tư 44 tỷ đồng để sửa chữa và nâng cấp nhằm phục vụ SEA Games 31. Sân chưa từng đón đội tuyển quốc gia đến thi đấu, nhưng đã tổ chức các trận đấu cấp U22 ở SEA Games, vòng loại U23 châu Á 2024 hay mới nhất là vòng loại U17 châu Á 2025.

Sân Hàng Đẫy được khánh thành năm 1934, từng là sân vận động quốc gia trước khi có Mỹ Đình. Sau nhiều lần mở rộng, hiện sân đạt sức chứa khoảng 25.000 chỗ ngồi, nhưng cũng xuống cấp khiến tầng hai khán đài B không thể sử dụng. Nhiều năm nay đây là sân nhà của Hà Nội FC và Công an Hà Nội.

Năm 2018, TP Hà Nội cùng Tập đoàn T&T từng dự kiến đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng xây dựng tổ hợp thể thao sân Hàng Đẫy, gồm sân vận động, nhà thi đấu đa năng, tòa nhà văn phòng. Dự án nhằm phục vụ SEA Games 31 và các hoạt động văn hóa, thể thao đỉnh cao tại thủ đô. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc, nó đã không được triển khai.

Lần gần nhất sân Hàng Đẫy tổ chức AFF Cup là từ năm 2018, ở trận Việt Nam thắng Campuchia 3-0 tại vòng bảng.

Sân vận động Hàng Đẫy nhìn từ trên cao vào tháng 10/2018. Ảnh: Ngọc Thành
Sân vận động Hàng Đẫy nhìn từ trên cao vào tháng 10/2018

Tại giải năm nay, Singapore cũng gặp câu chuyện tương tự. Họ không thể sử dụng sân quốc gia vì vướng sự kiện âm nhạc, và phải chuyển về sân cỏ nhân tạo Jalan Besar. Điều này cũng từng xảy ra năm 2022 với Singapore, ngoài ra Malaysia cũng không thể đón một lượng khán giả do bị che bởi sân khấu âm nhạc đã lắp đặt từ trước.

Các sân tổ chức AFF Cup 2024 ở bảng A gồm Bukit Jalil (Malaysia – 87.500 chỗ ngồi), Morodok Techo (Campuchia – 60.000), Rajamangala (Thái Lan – 51.560), Jalan Besar (Singapore – 10.000) và Hàng Đẫy (Timor Leste – 22.500). Bảng B có các sân Việt Trì (Việt Nam – 18.000), Gelora Bung Karno (Indonesia – 82.000), Thuwunna (Myanmar – 50.000), sân vận động quốc gia Lào (25.000) và Rizal Memorial (Philippines – 12.880).

AFF Cup sẽ đổi tên thành ASEAN Cup từ năm 2024, tổ chức từ ngày 8/12/2024 đến 5/1/2025. 10 đội chia làm hai bảng, để thi đấu hai trận sân nhà và hai trận sân khách, chọn ra hai đội nhất và hai đội nhì vào bán kết. Từ vòng này, các cặp đấu diễn ra hai lượt theo thể thức lượt đi và về, nhưng không tính luật bàn thắng sân khách.

Sau 14 kỳ, Thái Lan dẫn đầu với 7 lần vô địch (1996, 2000, 2002, 2014, 2016, 2020, 2022). Xếp sau là Singapore (1998, 2004, 2007, 2012), Việt Nam (2008, 2018) và Malaysia (2010).

VN (theo VnExpress)