Giáo dục và đào tạo

Quá nửa tân sinh viên đã có chứng chỉ IELTS, đại học dạy tiếng Anh thế nào?

TB (theo VnExpress) 17/11/2024 09:42

Sinh viên có chứng chỉ IELTS không có nghĩa đã thành thạo và học tốt tiếng Anh chuyên ngành, song đây là thách thức để trường đại học đổi mới chương trình, nâng chuẩn đầu ra.

sinh-vien-dai-hoc.jpg
Tân sinh viên nhập học Trường Đại học Ngoại thương, tháng 8/2024

Vài năm gần đây, số thí sinh đăng ký xét tuyển bằng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS tăng cả về "chất và lượng", theo đại diện một số trường.

Năm 2024, Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhận gần 12.000 hồ sơ có IELTS, trong khi cách đây 5 năm chỉ 2.000. Khoảng 70% số sinh viên trúng tuyển có IELTS từ 5.5 trở lên, một nửa đạt trên 6.5 - tương đương mức chuẩn đầu ra cao nhất của trường.

Trường Đại học Ngoại thương ghi nhận xu hướng tương tự. Năm nay, tỷ lệ tân sinh viên có IELTS từ 6.0 trở lên là 85%, từ 7.5 là 44%, cũng tăng mạnh so với giai đoạn trước. Trong khi đó, chuẩn đầu ra tiếng Anh của trường từ 5.0 đến 6.5 IELTS, tùy chương trình.

Thạc sĩ Phạm Thanh Hà, Phó Trưởng phòng phụ trách Quản lý đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương, khẳng định việc trình độ tiếng Anh của tân sinh viên ngày càng tốt tạo nhiều thuận lợi trong việc dạy ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng.

Bà lấy ví dụ với sinh viên có IELTS 7.0. Nhóm này đã có khả năng sử dụng thành thạo cả bốn kỹ năng, giúp giảng viên không cần dạy kiến thức cơ bản mà có thể tập trung vào những nội dung chuyên ngành, nâng cao.

Tuy nhiên, việc có nền tảng tiếng Anh tốt không có nghĩa sinh viên sẽ thành thạo tiếng Anh chuyên ngành, theo TS Lê Anh Đức, Phó Trưởng phòng phụ trách Quản lý đào tạo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

"IELTS là bằng cấp ngoại ngữ, không thể hiện trình độ và kiến thức chuyên ngành", ông nói.

Đồng tình, bà Phạm Thanh Hà cho biết tiếng Anh trong trường đại học không chỉ là nghe, nói, đọc, viết, mà là học chuyên ngành bằng tiếng Anh và thực hành nhiều kỹ năng khác bằng ngôn ngữ này.

Tại Trường Đại học Ngoại thương, tùy vào trình độ, tân sinh viên được chọn học tiếng Anh tổng quát hoặc học luôn tiếng Anh chuyên ngành. Theo ghi nhận, những em đạt IELTS 7.0 trở lên thường bắt đầu ngay với các môn tiếng Anh thương mại, giao tiếp trong kinh doanh, diễn thuyết trước công chúng...

"Tiếng Anh chuyên ngành ngoài yêu cầu khả năng hiểu và sử dụng chính xác thuật ngữ chuyên môn còn đòi hỏi sự thành thạo cấu trúc ngữ pháp phức tạp, nắm bắt các yếu tố học thuật liên quan kinh tế, thương mại, luật, marketing, tài chính...", bà Hà cho hay.

Để học tốt, sinh viên còn phải biết viết luận chuyên sâu, phân tích, đánh giá thông tin và trình bày ý tưởng bằng tiếng Anh một cách logic.

Tương tự, Trường Đại học Kinh tế quốc dân có gần 20 chương trình dạy bằng tiếng Anh. Ngoài học với giảng viên người Việt, tùy chương trình, sinh viên còn học với giảng viên nước ngoài.

Vì vậy, ông Đức nhìn nhận việc có IELTS hay các chứng chỉ ngoại ngữ khác chỉ là thuận lợi bước đầu khi các em học chuyên ngành.

"Không phải cứ có IELTS cao là sẽ học tốt, hoặc sinh viên IELTS 8.0 sẽ đạt điểm chuyên ngành cao hơn người 6.5", ông nhấn mạnh. "Điều quan trọng là khả năng tự học, tìm tòi tài liệu và sử dụng kỹ năng ngoại ngữ đã có để phát triển kiến thức, kỹ năng trong lĩnh vực sinh viên theo đuổi".

Dù vậy, hai chuyên gia tuyển sinh cũng cho rằng khi trình độ tiếng Anh đầu vào của sinh viên vượt cả đầu ra, trường đại học phải thay đổi chương trình đào tạo.

"Các trường buộc phải cập nhật kiến thức, cải tiến cấu phần tiếng Anh, đồng thời có giải pháp tăng chất lượng đội ngũ giảng viên", bà Hà nói.

Trường Đại học Ngoại thương xây dựng nhiều lộ trình học tiếng Anh, theo định hướng cá nhân hóa để phù hợp với trình độ của mỗi sinh viên. Giảng viên được yêu cầu tăng tương tác; tạo cơ hội để sinh viên học trong môi trường thực tế, dự án cụ thể, qua đó phát triển kỹ năng ngoại ngữ...

Còn Trường Đại học Kinh tế quốc dân xem xét nâng chuẩn đầu ra tiếng Anh. Ông Đức cho biết ngưỡng 5.5 (với chương trình chuẩn) và 6.5 (với chương trình tiên tiến) được đặt ra năm 2017. Khi đó, trường đánh giá là phù hợp. Nhưng với trình độ hiện tại của sinh viên, đây không còn là mức khó. Trường cần thời gian nghiên cứu kỹ và đánh giá tác động của thay đổi này, vì còn liên quan đến mặt bằng chung của xã hội.

Ngoài ra, hai trường dạy thêm và khuyến khích sinh viên học ngoại ngữ 2 như tiếng Trung, Nhật, Hàn... để tăng cơ hội tìm việc sau tốt nghiệp.

TB (theo VnExpress)