18% tạng hiến không ghép được do 'hồi sức kém'
Khoảng 18% tạng hiến không ghép được do kỹ thuật hồi sức tạng không đủ điều kiện, đòi hỏi các y bác sĩ phải cẩn trọng khi hồi sức người chết não.
"Người chết não, tình trạng diễn tiến nhanh, nếu không hồi sức kịp thời, tối ưu nguồn hiến, chức năng tạng xấu đi và có thể không sử dụng được đồng nghĩa lỡ mất cơ hội cứu sống nhiều bệnh nhân đang chờ ghép", GS.TS Nguyễn Quốc Kính, Chủ tịch Hội Gây mê Hồi sức Việt nam, cho biết tại tập huấn về hiến, ghép mô tạng từ người chết não, ngày 15/11.
Người chết não sẽ bị rối loạn chức năng hệ thần kinh, chức năng trục dưới đồi - tuyến yên, khiến tổn thương tim, giảm thể tích tuần hoàn, tụt huyết áp, dẫn đến giảm tưới máu đến các tạng như tim, phổi, gan, thận, tụy. Khi tạng bị suy, bác sĩ không thể lấy để ghép cho các bệnh nhân khác.
"Chết não ảnh hưởng đến hệ tim mạch và giảm tưới máu tạng. Vì vậy, hồi sức người chết não tốt giúp tăng số lượng và chất lượng tạng ghép", GS Kính nói, thêm rằng để hồi sức tránh suy đa tạng, các bác sĩ cần hồi sức tuần hoàn, hô hấp, chuyển hóa. Điều trị thiếu máu, rối loạn đông máu, hạ thân nhiệt, nhằm đảm bảo nguồn tạng ghép tốt.
PGS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, cũng cho biết không phải tất cả tạng hiến đủ điều kiện y học để ghép do một số bệnh truyền nhiễm, ung thư; tạng suy từ trước hoặc suy khi chết não. Vì vậy, việc hồi sức tạng khi chết não rất quan trọng. Để ghép thành công, sống được trong người nhận, tạng được lấy ra phải tốt. Vì vậy, ngay từ khi chuyển bệnh nhân đến viện phải được hồi sức tốt từ hệ thống cấp cứu ngoại viện, cấp cứu 115.
Ngoài ra, trong quá trình tiếp nhận tạng từ người hiến chết, điều cấp bách nhất là thời gian. Mỗi bộ phận có thời hạn "sống" khác nhau bên ngoài cơ thể, từ 4 đến 36 giờ. Đây là "ngưỡng chịu đựng" sự thiếu máu của các cơ quan tạng. Nếu vuột mất giai đoạn "vàng" này, mọi nỗ lực tái sinh sự sống đều trở nên vô giá trị.
Ca ghép tạng từ người cho chết não đầu tiên tại Việt Nam thực hiện hồi tháng 5/2010. Tính đến tháng 11/2024, sau 32 năm ghép tạng và 14 năm lấy tạng từ người cho chết não, cả nước ghi nhận 183 ca chết não hiến tạng. Số người chết não hiến mô tạng đã tăng lên trong thời gian gần đây, song số người chết não hiến tạng của Việt Nam vẫn nằm trong nhóm thấp nhất thế giới. Trong đó, tỷ lệ ghép tạng người cho chết não chỉ chiếm 6%, còn lai là ghép từ người cho sống. Thực tế này đi ngược với xu hướng của thế giới, bởi ở nhiều quốc gia, tạng hiến từ người chết não chiếm đa số. So với Tây Ban Nha và Mỹ, tỷ lệ người chết não hiến tạng cao gấp 300 lần nước ta.
Ghép tạng là một trong những thành tựu quan trọng nhất của y học nhân loại từ thế kỷ 20. Từ ca ghép thận đầu tiên vào năm 1992 đến nay, cả nước có 9.000 ca ghép tạng được thực hiện. Trong đó, chủ yếu là ghép thận với hơn 8.000 ca; ghép gan 650; ghép tim 90; ghép phổi 11; còn lại một số ca ghép ruột, tạng khác.
Tại buổi tập huấn, ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh, cho biết tỉnh này đang chuẩn bị nhân lực và vật lực, tiến tới ghép tạng trong năm 2025. Hiện, các bác sĩ của hai bệnh viện đa khoa tỉnh và Việt Nam - Thuỵ Điển Uông bí, đang học chuyển giao kỹ thuật ghép tại Bệnh viện Việt Đức. Hiện, Bộ Y tế đã cấp phép cho 29 bệnh viện thực hiện kỹ thuật này.