Cử tri trẻ đang ở đâu?: Bài 1: Vắng bóng trong các buổi tiếp xúc cử tri
Là lực lượng đông đảo, sung sức, cử tri trẻ là đầu mối của nhiều thông tin đa chiều về đời sống, kinh tế - xã hội. Thế nhưng, cử tri trẻ đang ở đâu? Từ số này, Báo Hải Dương khởi đăng loạt bài đề cập, phân tích vấn đề trên.
Hiện nay, tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp có rất ít người trẻ tham gia, thậm chí không có.
Bận bao việc
Có mặt tại cuộc tiếp xúc của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương với cử tri huyện Kim Thành trước Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV tại thị trấn Phú Thái vào cuối tháng 9/2024, chúng tôi thấy cả hội nghị với hơn 100 cử tri thì duy nhất có đồng chí cán bộ Huyện đoàn Kim Thành là cử tri trẻ. Các cử tri còn lại hầu hết ở độ 50 - 70 tuổi. Vì thế, tại đây không có những phản ánh, kiến nghị gửi đến đại biểu Quốc hội liên quan đến thanh niên, thế hệ trẻ.
Chị Nguyễn Thị Ánh, Bí thư Huyện đoàn Kim Thành cho biết toàn huyện hiện có khoảng 21.000 thanh niên, chiếm 13% trong cơ cấu dân số. Hầu hết số thanh niên này đang đi học, đi làm. Số lượng thanh niên tham gia các hội, đoàn thể, các hoạt động văn hoá, thể thao, hoạt động cộng đồng hằng năm cũng chỉ chiếm trên 40% số thanh niên tại địa phương.
Các hoạt động văn hoá, thể thao, hoạt động cộng đồng chủ yếu tổ chức ngày nghỉ, buổi tối mới thu hút được thanh niên tham gia. “Cử tri là thanh niên phải đi học, đi làm, nhất là với công nhân, chủ yếu sáng đi chiều về, có hôm tăng ca đến tối. Thời gian làm việc xuyên suốt các ngày trong tuần, có nơi chỉ nghỉ chủ nhật nên việc tham gia các buổi tiếp xúc với đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp của thanh niên rất khó”, chị Ánh chia sẻ.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở buổi tiếp xúc của tổ đại biểu HĐND tỉnh Hải Dương khoá XVII với cử tri TP Hải Dương tại phường Quang Trung vào cuối tháng 6/2024. Cử tri trẻ tuổi, cử tri là đoàn viên thanh niên cũng vắng bóng trong hội nghị này.
Anh Nguyễn Tuấn Mạnh từng làm việc tại một doanh nghiệp trong khu công nghiệp Lai Vu (Kim Thành) và từng là cử tri trẻ tuổi nhất xã Tân Việt (Thanh Hà) đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Anh nói với phóng viên: “Tôi thấy hoạt động tiếp xúc của đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp rất thiết thực, nhưng qua nắm bắt trên các phương tiện truyền thông tôi thấy thời gian tổ chức tiếp xúc chưa linh hoạt. Vì vậy khó thu hút được đông đảo cử tri, nhất là cử tri trẻ”.
Dù biết đến hoạt động của các đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, đại biểu HĐND các cấp thông qua báo chí, mạng xã hội và muốn tham gia vào các hoạt động tiếp xúc cử tri nhưng bản thân anh Mạnh vì công việc phải làm theo ca, hằng tuần chỉ được nghỉ chủ nhật nên không thể tham dự.
Chưa từng dự một buổi tiếp xúc cử tri nào của đại biểu dân cử ở Hải Dương, chị Nguyễn Thị Hằng, sinh năm 1999 ở xã Đại Hợp (Tứ Kỳ) cũng cùng tâm trạng băn khoăn, do dự.
"Dù đang sinh sống, làm việc tại địa phương nhưng thời gian biểu của tôi những ngày trong tuần kín mít lịch làm việc, cả của cơ quan, cả việc nhà. Ngày nghỉ cuối tuần thì chỉ mong được ngủ nghỉ để lấy lại sức", chị Hằng chia sẻ thật lòng.
Thiếu sức hút với cử tri trẻ
Theo chị Nguyễn Thị Minh Phương, Bí thư Huyện đoàn, đại biểu HĐND huyện Tứ Kỳ nhiệm kỳ 2021-2026, ngoài nguyên nhân do cử tri thanh niên đang độ tuổi đi học, đi làm nên khó bố trí thời gian dự hội nghị tiếp xúc cử tri, còn có nguyên nhân cử tri chưa hiểu hết trách nhiệm, nghĩa vụ của mình dẫn đến ngại tiếp xúc, ngại lên tiếng, không tham gia tại các diễn đàn.
Ngược lại, trên mạng xã hội, nhiều người trẻ lại bàn luận sôi nổi về một vấn đề liên quan đến giáo dục, địa điểm du lịch chụp ảnh check - in, chính sách an sinh… Những tâm tư ấy chưa được chuyển tải đến nơi cần đến là các cơ quan dân cử, chính quyền địa phương.
Có những vấn đề người trẻ muốn bàn, người già lại không bàn ở các buổi tiếp xúc cử tri. Ở các buổi tiếp xúc cử tri ở địa phương, các cử tri lớn tuổi thường kiến nghị các vấn đề về giao thông, đất đai, chế độ chính sách... Trong khi đó, những người trẻ ít có thời gian quan sát thực tế ở địa phương, cũng chưa đến tuổi quan tâm quá nhiều những nội dung này nghe sẽ khó hiểu và dẫn đến chán nản. Trong khi người trẻ quan tâm nhiều hơn những chính sách hỗ trợ đào tạo, cơ hội việc làm, hỗ trợ mua nhà ở xã hội hay các vấn đề về chính sách hôn nhân...
Tiếp xúc cử tri và liên hệ với cử tri là một hoạt động quan trọng của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp. Làm tốt công tác tiếp xúc cử tri sẽ góp phần giải quyết các ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng chính đáng và những bức xúc của cử tri.
Hiện nay, hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp còn thiếu hấp dẫn với người trẻ. Việc giải trình, tiếp thu ý kiến của cử tri của một số đại biểu và cơ quan chức năng ở địa phương còn lúng túng, chậm, chưa đáp ứng yêu cầu… nên khó thu hút cử tri, nhất là cử tri trẻ.
Ông Lương Anh Tế, Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh Hải Dương, một người từng nhiều năm giữ vai trò thư ký trong các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh cho rằng lý do chính khiến cử tri trẻ không mặn mà với các cuộc tiếp xúc là nó còn mang tính hình thức, tiếp xúc trực tiếp nhưng có địa phương lại “diễn” theo kịch bản. Hoạt động tiếp xúc cử tri đến nay vẫn khá đơn điệu.
“Tôi thấy đa số hội nghị tiếp xúc cử tri theo kịch bản là đại biểu dân cử tập trung tại một điểm tiếp xúc, thông báo kết quả kỳ họp Quốc hội, HĐND các cấp, báo cáo giải quyết đơn thư, kiến nghị của cử tri. Sau đó, cử tri kiến nghị, phản ánh. Sự đơn điệu trong hình thức tổ chức sẽ khó thu hút được cử tri, nhất là cử tri trẻ”, ông Tế đánh giá.
Đơn điệu, thiếu hấp dẫn, thời gian tổ chức không linh hoạt, số điểm tiếp xúc ít là hạn chế hiện nay khiến nhiều hội nghị tiếp xúc cử tri không thu hút được người trẻ.
Kỳ sau
Nhu cầu được bày tỏ