Nhịp sống trẻ

Cử tri trẻ đang ở đâu? - Bài 2: Nhu cầu được bày tỏ

NGUYỄN MƠ 19/11/2024 18:00

Dù vắng bóng trên nhiều diễn đàn nhưng người trẻ đang là lực lượng chính trong đời sống xã hội, trong học tập, lao động và có nhiều tâm tư cần được bày tỏ.

nguoi-lao-dong.jpg
Người trẻ là lực lượng nòng cốt, xung kích trong các hoạt động sản xuất, đời sống xã hội và có nhiều nguyện vọng muốn chuyển tải

Nhiều nguyện vọng muốn chuyển tải

“Tràn ngập thông tin nhưng mù mờ về kiến thức” là chia sẻ của bạn Lê Ngọc Phúc, Đội trưởng Đội Thanh niên xung kích Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương khi nói về sự quan tâm của người trẻ trước những vấn đề chính trị, thời sự.

Phúc là sinh viên năm thứ 4, hoạt bát, năng nổ trong các hoạt động xã hội, tình nguyện. Từ Thanh Hoá về Hải Dương sinh sống, học tập nên Phúc phải va vấp với cuộc sống nhiều hơn và có nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm từ thực tế. Theo Phúc, mạng xã hội phát triển, việc tiếp cận thông tin dễ dàng hơn, nhu cầu bày tỏ của thanh niên cũng lớn hơn.

“Khi thấy những thông tin bàn luận về việc hỗ trợ sinh viên ngành y hay là những việc thường nhật như giá điện nước sinh hoạt, tiêu dùng hằng ngày, thậm chí là vấn đề chính trị to tát, đôi khi em cũng muốn thể hiện cách nhìn cá nhân. Hiện em vẫn chưa tìm được kênh tiếp nhận ý kiến phù hợp dành cho người trẻ ngoại trừ hòm thư góp ý của nhà trường thông qua các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, địa chỉ này cũng chỉ bó hẹp trong việc học tập, tu dưỡng, rèn luyện chứ chưa bao quát hết về đời sống của giới trẻ”, Phúc cho biết.

Anh Hoàng Gia Lực, sinh năm 1992 ở thôn Xạ Sơn, xã Quang Thành (Kinh Môn) là một trong số ít Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn trẻ của tỉnh. Với trình độ học vấn thạc sĩ ngành Luật Kinh tế và nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh Lực gắn bó với cơ sở, trực tiếp điều hành, chỉ đạo việc chung của thôn xóm và nhận ra rằng việc tháo gỡ các vấn đề đều phải xuất phát từ thực tiễn, không máy móc, giáo điều được.

“Ngoài đảm nhiệm vai trò Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, tôi còn là đại biểu HĐND xã nên tôi nhận thức được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình. Nhiều việc phát sinh tại địa phương dưới cái nhìn, cách nghĩ của tuổi trẻ cũng mới mẻ hơn”, anh Lực đánh giá.

Trên thực tế, người trẻ, cử tri trẻ là lực lượng đông đảo, nhiều ý tưởng, lắm hoài bão. Đây cũng cần là kênh thông tin tham khảo quan trọng để xây dựng cơ chế, chính sách.

Tình trạng đánh nhau, ly hôn, vi phạm giao thông, quản lý thuốc lá điện tử hay những vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống hằng ngày như quản lý mỹ phẩm, quần áo giả mạo nhãn hiệu lớn cũng là vấn đề bức xúc của giới trẻ.

Đồng thời, những chính sách lớn mà nhiều người trẻ mong chờ trong tình hình hiện nay như chính sách hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp, chính sách dân số, hôn nhân, hỗ trợ việc làm cho người trẻ, tạo điều kiện thúc đẩy người trẻ hội nhập... cũng là những vấn đề cử tri trẻ rất quan tâm và thường bàn luận sôi nổi khi có cơ hội.

Vẫn e dè

cu-tri-tre.jpg
Dù nhiều tâm tư, nguyện vọng nhưng người trẻ vẫn e dè, ngại bày tỏ ở những diễn đàn chính thức. Nhiều đoàn viên thanh niên đi dự tiếp xúc cử tri, tiếp xúc đối thoại chỉ vì được điều động

Mặc dù nhiều tâm tư nhưng phần nhiều mới chỉ dừng lại trong suy nghĩ mà chưa được nói ra vì chưa được khơi gợi, định hướng, hoặc nói ra nhưng lại chưa đúng diễn đàn. Không ít người trẻ nắm bắt khối lượng thông tin lớn song lại chưa sâu sắc nên ngại chia sẻ quan điểm, ý kiến.

Nhiều vấn đề, xu hướng mà giới trẻ quan tâm có phần “lệch pha” so với dòng chảy chính trị, thời sự của đất nước… Đánh giá khách quan, người trẻ có nhiều sân chơi, diễn đàn nhưng chưa thật sự chất lượng, bài bản và chuyên nghiệp. Vì thế, giữa những thông tin bủa vây, một số người trẻ vẫn còn non nớt, nhận thức chính trị chưa cao.

Anh Nguyễn Văn Bằng, một cử tri trẻ sinh năm 1993 ở huyện Ninh Giang là công nhân làm việc trong doanh nghiệp nước ngoài về linh kiện điện tử ở khu công nghiệp Đại An (TP Hải Dương). Công việc áp lực, bận rộn nên mọi thông tin bên ngoài đều được anh Bằng nắm bắt qua chiếc điện thoại thông minh.

Gần đây, anh dành sự quan tâm tới những thông tin về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vì nhu cầu của bản thân. Tuy nhiên, việc nắm bắt của anh mới chỉ một chiều, dừng lại ở việc tìm kiếm, góp nhặt thông tin. Anh Bằng cho hay bản thân là đối tượng được thụ hưởng chính sách của Nhà nước song lại không biết tham gia vào chính sách bằng cách nào.

“Nếu có cơ hội, tôi không ngần ngại bày tỏ ý kiến, quan điểm về xây dựng nhà ở xã hội, khu lưu trú công nhân. Bởi đây là lợi ích sát sườn với công nhân, người lao động. Hơn nữa, quy định, cơ chế nhằm khuyến khích, hỗ trợ đội ngũ công nhân nên cần có tiếng nói của chính lực lượng này”, anh Bằng bày tỏ.

Chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Bí thư Đoàn xã Ngọc Sơn (TP Hải Dương) tham gia hoạt động hỗ trợ nông dân
Chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Bí thư Đoàn xã Ngọc Sơn (TP Hải Dương) tham gia hoạt động hỗ trợ nông dân

Chị Phạm Thị Minh Nguyệt, sinh năm 2000 hiện là Bí thư Đoàn Thanh niên cấp xã trẻ nhất tỉnh. Tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, chị Nguyệt về công tác tại xã Ngọc Sơn (TP Hải Dương) và đảm nhận vị trí "thủ lĩnh" đoàn khi tuổi đời còn khá trẻ.

Vậy mà, đôi khi chị Nguyệt vẫn bỡ ngỡ, ngại ngùng nói lên ý kiến, kiến nghị của mình ở những buổi tiếp xúc cử tri vì sợ thiếu kiến thức, kinh nghiệm, ngại đụng chạm.

“Tôi từng được tham gia một vài cuộc tiếp xúc cử tri, thấy hầu hết cử tri nêu ý kiến là người trung niên, lớn tuổi. Trong khi nhiều vấn đề cần có sự đóng góp, kiến nghị của người trẻ nhưng lại chưa dám nói. Tôi cho rằng mình cần tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện để có thể vượt qua rào cản, tích luỹ đủ kinh nghiệm, tri thức để mạnh dạn nói lên tiếng lòng của những người trẻ ở các diễn đàn như vậy”, chị Nguyệt nói.

Một trong những nguyên do khiến đại biểu dân cử chưa được nghe tiếng lòng của nhiều người trẻ do sự e dè, lo ngại rằng chỉ có lợi thế tuổi trẻ nhưng hạn chế là ít kinh nghiệm.

Kỳ sau

Đưa nghị trường đến gần người trẻ

NGUYỄN MƠ