Công nghiệp

Dễ tiếp cận đất đai, doanh nghiệp yên tâm chọn Hải Dương đầu tư

VY MƠ 15/11/2024 11:00

Năm 2023, Hải Dương đứng thứ 5 cả nước và đứng đầu trong vùng đồng bằng sông Hồng về chỉ số tiếp cận đất đai. Tỉnh đang nỗ lực nâng cao chỉ số này để doanh nghiệp yên tâm chọn Hải Dương đầu tư.

tiep-can-dat-dai.jpg
Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên rà soát các thủ tục hành chính về đất đai, tham mưu với UBND tỉnh bãi bỏ danh mục các thủ tục hành chính chồng chéo, không phù hợp

Đứng đầu vùng

Chỉ số tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất là một trong 10 chỉ số thành phần nhằm đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Chỉ số này đo lường hai khía cạnh về đất đai mà doanh nghiệp quan tâm khi cân nhắc và đưa ra quyết định đầu tư: Đó là việc tiếp cận đất đai có dễ dàng, thuận tiện và tính ổn định trong sử dụng. Đây là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp lựa chọn điểm dừng chân để đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Chỉ số tiếp cận đất đai được tính toán dựa trên 11 chỉ tiêu thành phần. Cụ thể, gồm: tỷ lệ doanh nghiệp có mặt bằng kinh doanh và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, số ngày chờ đợi để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đánh giá rủi ro khi bị thu hồi đất, doanh nghiệp không gặp cản trở, khó khăn về thiếu quỹ đất sạch, giải phóng mặt bằng chậm, cung cấp thông tin về đất đai, bồi thường nếu bị thu hồi đất, thay đổi khung giá đất, thực hiện thủ tục hành chính về đất đai, không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do lo ngại thủ tục rườm rà.

Năm 2023, chỉ số tiếp cận đất đai của Hải Dương đạt 7,26 điểm, đứng thứ 5 cả nước và đứng đầu trong vùng đồng bằng sông Hồng. Đây là điểm sáng, ghi nhận nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.

Là đơn vị tham mưu, chịu trách nhiệm chính về chỉ số PCI thành phần này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất nhiều giải pháp để cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai trong tỉnh. Trong đó tập trung vào việc đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến đất đai, rút ngắn tối đa thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như các thủ tục chuyển nhượng, thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Cùng với đó, sở cũng công khai và minh bạch thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảng giá đất và các quy định liên quan… Trang thông tin của Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên cập nhật những tin tức về đất đai để nhà đầu tư chủ động tra cứu, tìm hiểu. Tỉnh cũng đang đầu tư, hoàn thiện hệ thống quản lý đất đai trực tuyến, trao sự chủ động cho người dân và doanh nghiệp trong việc tìm kiếm quỹ đất phù hợp, phục vụ mục tiêu đầu tư.

Anh Trần Việt Cường ở TP Hải Dương làm kinh doanh bất động sản tự do từ năm 2004. Nhiều năm trong nghề nên anh Cường thấy rõ sự thay đổi trong việc tiếp cận các thông tin về đất đai tại Hải Dương. Anh cho biết không phải là toàn bộ nhưng đa số dự án đầu tư, thông tin về quỹ đất của Hải Dương đã được công khai trên cổng thông tin của tỉnh và sở, ngành, địa phương. Điều này hỗ trợ đắc lực cho công việc môi giới, tư vấn của anh. “Những thông tin về đất đai được công khai, minh bạch sẽ tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng trong đầu tư. Vì thế, các nhà đầu tư an tâm, tin tưởng hơn khi quyết định đầu tư”, anh Cường cho hay.

Lợi thế giúp Hải Dương tăng chỉ số tiếp cận đất đai trong thời gian qua là tỉnh quyết liệt triển khai các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm tạo quỹ đất sạch, thu hút đầu tư. Các dự án khu công nghiệp, khu công nghiệp mở rộng ở các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, Gia Lộc, Kim Thành, Nam Sách đang được triển khai. Đây là quỹ đất công nghiệp dồi dào để thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Hiện các khu công nghiệp này đã bắt đầu đón các nhà đầu tư thứ cấp, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển.

Tạo đột phá về đất đai

chi-so-tiep-can-dat-dai1.jpg
Công khai phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư với các các tổ chức, cá nhân có diện tích đất thu hồi để tạo mặt bằng sạch bàn giao cho nhà đầu tư. Trong ảnh: Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Kim Thành công khai phương án bồi thường, hỗ trợ tổ chức, cá nhân có diện tích đất thu hồi thực hiện nút giao lập thể quốc lộ 5

Mặc dù có những chuyển biến tích cực, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận trong việc nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai nhưng tỉnh vẫn cần sớm khắc phục những hạn chế trong lĩnh vực này nhằm tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, cởi mở. Hiện thủ tục về đất đai vẫn còn phức tạp, giải phóng mặt bằng vẫn là điểm nghẽn ở một số địa phương trong tỉnh, việc công khai thông tin về đất đai, quy hoạch vẫn còn chưa đồng bộ, thống nhất, số liệu đất đai chưa khớp giữa các cơ quan, đơn vị…

Trong những hạn chế cần khắc phục, Hải Dương quyết tâm không để giải phóng mặt bằng trở thành điểm nghẽn. Năm 2023, tỉnh tạo đột phá trong giải phóng mặt bằng khi bàn giao hàng nghìn ha đất xây dựng dự án, công trình đầu tư công và đầu tư tư phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Đến năm 2024, giải phóng mặt bằng tiếp tục là nhiệm vụ then chốt của các địa phương trong tỉnh. Cuối năm 2023 quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính là cơ sở, nền tảng để tỉnh sử dụng hiệu quả, hợp lý nguồn lực về đất đai.

Cũng từ năm 2023, tỉnh đã rốt ráo rà soát, kiểm tra các dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp chậm tiến độ, triển khai không bảo đảm quy định, gây lãng phí nguồn lực đất đai. Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình triển khai, cơ quan tham mưu phân loại các dự án để tham mưu, đề xuất phương án xử lý phù hợp. Quyết liệt, mạnh tay với những dự án có sử dụng đất chậm tiến độ cũng là giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Vừa qua, khi Luật Đất đai mới có hiệu lực, Hải Dương cũng là tỉnh đi đầu trong việc ban hành các quy định, văn bản hướng dẫn các quy định về đất đai mới của cả nước. Điều này cho thấy những nỗ lực trong việc cải thiện, nâng cao chất lượng điều hành các vấn đề liên quan đến đất đai của Hải Dương. Những nút thắt về đất đai dần được tháo gỡ sẽ tạo niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

cong-khai-quy-hoach-tiep-can-dat-dai.jpg
Huyện Kim Thành công bố công khai quy hoạch khu công nghiệp Kim Thành 2

Các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh cũng xác định đất đai là mấu chốt để kêu gọi, thu hút đầu tư. Điển hình như huyện Kim Thành, chỉ trong thời gian ngắn 2 khu công nghiệp đã hình thành. Trong đó khu công nghiệp Kim Thành thuộc địa phận các xã Tuấn Việt, Cổ Dũng, Thượng Vũ với 165 ha đã hoàn thành giải phóng mặt bằng; bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. Khu công nghiệp Kim Thành 2 với diện tích hơn 500 ha tại các xã Đại Đức, Tam Kỳ đã được công bố quy hoạch, hiện đang thực hiện kiểm đếm, xây dựng phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Đại diện lãnh đạo UBND huyện Kim Thành cho biết để thu hút nhà đầu tư, việc tạo quỹ đất sạch được địa phương coi là yếu tố hàng đầu, nhất là các dự án công nghiệp, dịch vụ, các khu đất có giá trị thương mại cao. Vì vậy, công tác xây dựng đơn giá, đền bù, hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng được huyện thực hiện nghiêm túc, bài bản, bảo đảm tối đa quyền lợi của tổ chức, cá nhân có diện tích đất thu hồi; công khai, minh bạch các chế độ chính sách tới người dân. Quá trình triển khai thu hồi, giải phóng mặt bằng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm sớm có mặt bằng, bàn giao cho nhà đầu tư, từ đó thúc đẩy gia tăng giá trị đất.

Từ năm 2022 đến nay, toàn huyện đã thực hiện thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng đối với 56 dự án với diện tích 324,05 ha. Trong đó đã hoàn thành 38 dự án với diện tích gần 140 ha, 18 dự án đang triển khai.

Nhằm tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận đầy đủ các thông tin về đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên rà soát các thủ tục hành chính về đất đai, tham mưu với UBND tỉnh bãi bỏ danh mục các thủ tục hành chính chồng chéo, không phù hợp, ban hành các quy định mới theo hướng nhanh gọn, đơn giản, rút ngắn thời gian giải quyết.

chi-so-tiep-can-dat-dai(1).jpg
Nhiều thủ tục liên quan tới đất đai đã được rút ngắn thời gian giải quyết từ 10-20 ngày so với trước

Thời gian giải quyết thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với doanh nghiệp mới thành lập chuyển từ hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ đã giảm từ 30 ngày xuống còn không quá 10 ngày; thẩm định đánh giá tác động môi trường từ 30 ngày xuống còn 20 ngày...

Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đang đẩy mạnh phát triển các hệ thống quản lý đất đai điện tử như hệ thống thông tin đất đai trực tuyến. Hệ thống này cho phép các tổ chức, cá nhân tra cứu và thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai qua mạng, giúp giảm bớt tình trạng chậm trễ và tạo điều kiện cho nhà đầu tư. Cùng với đó, mô hình số hóa dữ liệu đất đai cũng đang được đơn vị triển khai.

Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phấn đấu tăng tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận, giải quyết trực tuyến toàn trình nhằm giảm bớt thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp…

VY MƠ