Tấm bia ghi công lao của vị tiến sĩ xứ Nghệ trên đất Hải Dương
Tấm bia khắc công lao vị tiến sĩ xứ Nghệ Nguyễn Văn Giai đang được lưu giữ tại chùa Ngọc Mai, xã Vĩnh Hưng, Bình Giang (Hải Dương).
Dấu ấn với đất Ngọc Mai
Tấm bia mang tên “Ngọc Mai thôn phụng tự - Thọ đường bi ký” dựng vào năm Phúc Thái (1643), hiện được lưu giữ tại chùa Ngọc Mai (còn gọi chùa Sùng Ngọc) thuộc xã Vĩnh Hưng, huyện Bình Giang.
Bia dựng trên lưng rùa đặt ngoài sân trước cửa chùa, có kích thước (113 x 81 x 11) cm, khoảng 2.000 chữ, tên bia đặt trong ô lá đề cách điệu. Tấm bia được tạc theo phong cách tạo hình thời Lê. Trán bia khắc hình “lưỡng long triều nhật”. Xung quanh thân bia chạm dây hoa lá cúc uyển chuyển và thanh thoát, diềm chân là những cánh sen xếp liền nhau cách điệu.
Hai mặt bia đều khắc chữ Hán chân phương. Mặt trước tấm bia có nội dung giới thiệu về thân thế và sự nghiệp của vợ chồng tiến sĩ Nguyễn Văn Giai. Theo đó, vợ ông họ Vũ, tên húy là Miễn, người thôn Ngọc Mai, khu Hạ, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương. Bà Miễn là con gái tướng quân Đô đốc phủ quản lãnh Vũ Ký, mẹ cũng là người họ Vũ. Cả cha mẹ đều đã mất. Chồng bà Miễn, là tiến sĩ Nguyễn Văn Giai, quê ở thôn Phù Lưu Trường, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An. Ông đỗ tiến sĩ xuất thân khoa Canh Thìn, năm Quang Hưng thứ 3 (1580), làm quan đến chức “Dực vận tán trị công thần”, được phong: “Đặc tiến Kim tử vinh lộc Đại phu”, “Lại bộ thượng thư” kiêm “Ngự sử đài” – “Đô ngự sử”, phụ trách chung công việc của sáu bộ (Chưởng Lục bộ sự); tước “Quận công”, được tặng chức “Tư đồ”.
Văn bia này thuộc thể loại bia “Hậu” ghi những người có công lao hoặc có đóng góp tiền, ruộng cho làng xã, cho đình, đền, chùa. Nội dung văn bia đã cho ta biết được nhân vật chính là tiến sĩ Nguyễn Văn Giai, một danh nhân xứ Nghệ, một vị quan nổi tiếng trong lịch sử.
Công lao lớn
Theo các giai thoại kể lại thì Nguyễn Văn Giai lấy nhiều vợ và sinh được gần chục người con nhưng không nói rõ tên, quê quán của các bà. Trong văn bia “Ngọc Mai thôn phụng tự - Thọ đường bi ký” này cũng không nói rõ đây là vợ thứ mấy của ông và sinh cho ông được bao nhiêu người con.
Mặt sau của tấm bia ghi nội dung công đức: “Nay ở quê của phu nhân, nhìn thấy làng Ngọc Mai lớn bé mà tưởng tượng đến tương lai tốt đẹp. Tướng công cùng phu nhân liền lấy bạc 10 dật tương ứng với 100 lạng ban cho dân làm việc nghĩa lại hai mẫu hương hỏa cùng hai sào để lo toan mọi việc”.
Lúc này, cuộc sống của nhân dân vô cùng khổ cực. Với tấm lòng bao dung và thương người, ông bà đã đem của cải, ruộng đất trong nhà để giúp đỡ mọi người có cuộc sống tốt hơn. Để ghi nhớ công ơn to lớn ấy, mọi người trong xã cùng nhau xây Thọ đường, dựng bia đá ghi chép lại để lưu truyền đến muôn đời sau đều biết.
Nguyễn Văn Giai (1554 – 1628) người xã Phù Lưu Trường, huyện Thiên Lộc, trấn Nghệ An (nay thuộc xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Gia đình ông vốn có truyền thống khoa bảng nhưng đến đời cha ông là Nguyễn Văn Cúng thì sa sút, chỉ còn là một nho sinh rất nghèo.
Theo sách “Thiên Lộc huyện chí” của Lưu Công Đạo thì Nguyễn Văn Giai là người đặc biệt thông tuệ, 5 tuổi đã biết chữ, 9 tuổi biết làm văn, 15 tuổi biết viết bài phú, 16 tuổi được gia đình ra Thăng Long tìm thầy giỏi rèn giũa kinh sử để sau này có cơ hội giúp nước yên dân.
Vào năm 1571, để thử sức học tài năng của mình ông tham gia kỳ thi hương Sơn Nam và đỗ hương giải nhưng không dự kỳ thi hội do nhà Mạc mở. Năm 1579, niên hiệu Quang Hưng thứ 2, triều Lê Thế Tông, ông đã về trấn Nghệ An dự thi hương và đỗ giải nguyên. Tháng 8 năm Canh Thìn (1580) triều đình Lê – Trịnh mở khoa thi Hội đầu tiên ở hành cung An Trường, Nguyễn Văn Giai đỗ tiến sĩ xuất thân (khoa thi này có 4 người thi đỗ tiến sĩ, 2 người thi đỗ đồng tiến sĩ).
Sau đó ông được triều đình Lê - Trịnh bổ dụng chức quan Hàn Lâm viện. Là bậc tài trí hơn người, ông được Tiết chế Trịnh Tùng trọng dụng luôn giữ bên cạnh để bày mưu định kế đánh dẹp nhà Mạc. Năm 1581, Mạc Đôn Nhượng đưa quân vượt biển đánh phá huyện Quảng Xương, đóng quân ở núi Đường Nang, ông bàn với Tiết chế Trịnh Tùng chia quân làm 3 đạo đánh mạnh vào chỗ hiểm yếu làm quân Mạc đại bại, tan vỡ tháo chạy về kinh ấp. Từ đó về sau quân Mạc không dám vượt biển vào dòm ngó, cướp bóc Thanh Hóa, Nghệ An nữa.
Tháng Giêng năm 1592, quân đội Lê - Trịnh chiếm được thành Thăng Long, danh tướng Nguyễn Quyện của nhà Mạc bị bắt. Quân Mạc tháo chạy về chiếm giữ vùng đông bắc cầm cự rồi bị tiêu diệt. Quân đội Lê- Trịnh hồi Thăng Long. Xét công phò Lê diệt Mạc, Nguyễn Văn Giai được triều đình phong chức Đô đài Ngự sử kiêm Thượng thư Bộ Hộ. Tiếp đó nhờ có công đến ải Nam Quan xin cầu phong và bàn bạc việc tuế cống nhà Minh, ông được thăng Thượng thư bộ Lại kiêm ngự sử đài đô ngự sử, tước hầu.
Năm Kỷ Dậu (1609), niên hiệu Hoằng Định, đời Lê Thế Tông ông được phong tước Lê quận công. Năm Ất Mão (1615) ông được thăng chức Chưởng lục bộ sự. Năm Đinh Tỵ (1671) ông được triều đình gia phong Thiếu phó. Năm 1623, chúa Trịnh Tùng ốm nặng, Trịnh Xuân và Trịnh Tráng đánh nhau giành ngôi chúa, Mạc Kính Khoan đưa hàng vạn quân từ Cao Bằng kéo về Gia Lâm. Thái úy Trịnh Tráng đưa vua Lê chạy về Thanh Hóa.
Vua Lê Thần Tông đã đặc sai Lại bộ thượng thư chưởng lục bộ thiếu phó Nguyễn Văn Giai mang sách vàng tiến phong Tiết chế thái úy Thanh quốc công Trịnh Tráng làm Nguyên Soái thống quốc chính Thanh Đô Vương. Tráng đem quân đánh dẹp Trịnh Xuân, đuổi Mạc Kính Khoan chạy về Cao Bằng và rước vua Lê về kinh thành. Bình công định thưởng Nguyễn Văn Giai được thăng Thái phó.
Mùa xuân năm 1628, Lại bộ thượng thư kiêm chưởng lục bộ sự kiêm ngự sử đài đô ngự sử Thái phó Lễ quận công Nguyễn Văn Giai chết tại chức, được triều đình tặng Tư đồ, ban thụy Cẩn Độ. Vào năm 1645 đời Lê Chân Tông, được truy tặng Đại tư đồ. Niên hiệu Khánh Đức thứ 4, đời Lê Thần Tông được gia tặng Thái tể. Thời Cảnh Hưng được ban phong “Anh liệt đại vương”, các triều vua nhà Nguyễn đều được sắc phong Thượng đẳng thần giao cho làng Ích Hậu phụng thờ.
Cảm mến đức tài của ông, nhân dân quê nhà đã lập đền thờ ông. Đền thờ danh nhân Nguyễn Văn Giai đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1995.
Thời điểm soạn văn bia nói trên (1643), tiến sĩ Nguyễn Văn Giai đã qua đời. Trong thời gian ở tại Hải Dương, ông đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp cùng công lao to lớn của vợ chồng ông trên mảnh đất Ngọc Mai.