Nhà thơ Thanh Tịnh đi xích lô
Với sức khỏe và phản xạ của tuổi già không còn như xưa, nhà thơ Thanh Tịnh đành gác xe đạp và đi bộ. Đi xa, nếu không nhờ được ai chở hộ, ông đi xích lô. Vậy nên mới có chuyện 'nhà thơ Thanh Tịnh đi xích lô'.
Suốt mấy chục năm làm Phó Chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Tạp chí Văn nghệ quân đội, nhà thơ Thanh Tịnh sử dụng chiếc xe đạp cổ lỗ hiệu Sterling của Pháp. Xe cao lênh khênh, vành 700, lại chẳng có chắn bùn, chắn xích. Vậy mà nó đã chở nhà thơ đi suốt cả chặng đường chống Mỹ.
Vì xe vừa xấu xí lại vừa cao nên chủ nhân của nó nghĩ rằng chẳng ai thèm để mắt đến. Đi đến đâu, vào nhà ai ông cũng vứt một chỗ, chẳng thèm khóa.
Rồi đến một ngày, tai họa đã tới với ông, chiếc xe bị kẻ gian cuỗm mất. Nhà thơ buồn lắm, buồn không phải vì bị mất xe mà buồn vì chiếc xe đến như vậy vẫn bị mất như thường. Té ra kẻ gian cũng ăn tạp.
Sau đó, ông sắm chiếc xe khác, một chiếc xe đạp nội. Ông cưỡi nó đi đến nhiều nơi trong thành phố. Xe thì thấp, nhà thơ lại cao cho nên ông chỉ dùng hai chân thay phanh.
Khi đến tuổi 75, nhà thơ không đi xe đạp nữa. Với sức khỏe và phản xạ của tuổi già không còn như xưa, nhà thơ đành gác xe đạp và đi bộ. Đi xa, nếu không nhờ được xe hơi hoặc nhờ ai chở hộ, ông đi xích lô. Vậy nên mới có chuyện "nhà thơ Thanh Tịnh đi xích lô".
Nhà thơ Thanh Tịnh có người bạn rất thân, vừa là đồng đội vừa là đồng nghiệp. Đó là nhà văn Từ Bích Hoàng, nhà văn đã về hưu và ở nhà số 3B, phố Ông Ích Khiêm. Ông bị kém mắt và sức khỏe không được tốt cho nên ít khi đi đâu. Nhà thơ Thanh Tịnh thường đến thăm bạn. Từ nhà riêng của ông ở phố Lý Nam Đế đến phố Ông Ích Khiêm khá xa nên nhà thơ thường phải đi xích lô.
Một hôm, vào buổi chiều, nhà thơ đứng trên vỉa hè Lý Nam Đế vẫy xe. Một chiếc xích lô đi tới. Lái xe là một thanh niên. Bao giờ nhà thơ cũng tìm ra đặc điểm dễ nhận để thuê xe vì phố Ông Ích Khiêm vốn là phố nhỏ, ít người biết đến.
Ông mặc cả thuê đến Bệnh viện Sơn Tây, gần Ông Ích Khiêm. Anh xích lô ngắm ông già hom hem lại thuê xe đến bệnh viện, liền hét: "Hai nghìn". Nhà thơ hốt quá trước cái giá ấy. Ông nhanh chóng hiểu ra mình bị hớ và anh chàng xích lô kia đang bắt chẹt mình. Cứ nghĩ anh ta sẽ thương hại, hóa ra lại đang lợi dụng cái thế yếu của mình.
Ông từ tốn nói:
- Thôi xin cảm ơn anh. Tôi không đủ tiền, đành đứng chờ con tôi nó về chở đi vậy.
Anh xích lô quay xe đi và làu bàu gì đó. Nhà thơ chờ một lát thấy một người đứng tuổi đạp xe xích lô tới. Ông gọi và rút kinh nghiệm lần trước, ông hỏi thuê đến Bộ Tư pháp, cũng ở ngay phố Ông Ích Khiêm. Người xích lô nghĩ rằng một ông già tìm đến Bộ Tư pháp chắc hẳn đi đưa đơn khiếu nại một việc tiêu cực nào đó. Lòng thông cảm của người công dân nghèo khiến ông chỉ xin có 400 đồng. Tất nhiên nhà thơ chấp nhận ngay cái giá ấy.
Trên đường đi, ông xích lô hỏi thăm:
- Cụ đến Bộ Tư pháp để đưa đơn khiếu tố?
- Dạ... vâng.
- Cụ đã lên Ủy ban thanh tra chưa?
- Dạ... rồi...
- Còn Văn phòng Hội đồng bộ trưởng, cụ lên chưa? Phải, cụ cứ đâm đơn các nơi. Bây giờ là lắm cái tiêu cực lắm. Không làm ra nhẽ, không được...
- Dạ... vâng.
- Cụ ngồi cho vững để tôi phóng nhanh cho kịp giờ nhé. Sắp hết giờ làm việc rồi.
Nhà thơ sợ quá! Cái xe xích lô toàn bằng sắt và gỗ mà phóng nhanh thì xương cốt của mình long lên mất.
- Thôi... cảm ơn bác. Bác cứ đi từ từ, người ta đã hẹn 5 giờ rồi...
- Vâng, thế cũng được.
Tới trước cửa Bộ Tư pháp, nhà thơ xuống xe trả tiền. Đợi cho bác xích lô đạp đi khuất, ông mới qua bên này đường để đi vào khu tập thể quân đội, đến nhà bạn mình...