'Lỗ hổng' thuế cho thuê nhà tại Hải Dương
Để lấp 'lỗ hổng' thuế cho thuê nhà, cần thực hiện đồng bộ các quy định liên quan, đồng thời thống nhất phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn người nộp thuế, quản lý thực hiện chặt chẽ.
Muôn kiểu “lách” luật
Theo quy định hiện hành, cá nhân cho thuê nhà, tài sản có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm (tương ứng khoảng từ 8,3 triệu đồng/tháng trở lên) phải kê khai và nộp thuế. Thực tế, nhiều trường hợp cho thuê tài sản dù có thu nhập cao hơn ngưỡng quy định nêu trên vẫn không kê khai, nộp thuế.
Tại khu đô thị Ecoriver (TP Hải Dương) có một số căn shophouse cao cấp, giá cho thuê trung bình 15-20 triệu đồng/tháng (từ 180-240 triệu đồng/năm), tức doanh thu cho thuê cao gấp đôi so với ngưỡng quy định phải nộp nhưng chủ căn hộ vẫn “quên” kê khai, nộp thuế.
Theo ông Vũ Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP Hải Dương, tình trạng “lách” thuế cho thuê nhà xảy ra rất phổ biến, cả ở chung cư lẫn nhà phố, kể cả nhà mặt tiền. Phổ biến nhất là theo cách làm hai hợp đồng: một hợp đồng cho thuê ghi giá thật, một hợp đồng "cho mượn" nhà.
Nhiều căn nhà mặt tiền khi cán bộ thuế quản lý quan sát thấy thay đổi người thuê, mặt hàng kinh doanh... đã đến hỏi thì chủ tài sản chìa ra hợp đồng "cho mượn" nhà. Dù cơ quan thuế đã mời họ lên trao đổi, thậm chí yêu cầu làm cam kết nếu sau này phát hiện sẽ xử phạt, truy thu... nhưng thực tế không xử được vì theo quy định, chủ nhà có quyền định đoạt với tài sản của họ.
“Nhiều trường hợp chỉ lộ thông tin ra sau khi hai bên có tranh chấp, kiện nhau ra tòa. Chỉ khi tòa gửi hồ sơ qua cơ quan thuế thì cơ quan thuế mới có căn cứ xử lý”, ông Khoa chia sẻ.
Một cách thức “lách” thuế khác cũng khá phổ biến là ghi giá thấp hơn thực tế để không phải nộp thuế hoặc nộp thuế ít hơn. Theo một số công chức thuế chuyên quản lý hoạt động cho thuê tài sản, mấu chốt để người cho thuê căn hộ có thể “lách” thuế chủ yếu là do việc cho thuê giữa cá nhân với cá nhân, người thuê không cần hóa đơn chứng từ nên người cho thuê cũng... né luôn việc khai thuế.
Trong thôn Lê Xá, xã Cẩm Phúc (Cẩm Giàng) có hộ xây cả trăm phòng cho công nhân khu công nghiệp, người lao động xa nhà thuê. Tuy nhiên chủ khu trọ không kê khai, nộp thuế vì cho rằng từ sau dịch Covid-19, các công ty ít việc nên người thuê nhà giảm nhiều, không ở ổn định. Giá thuê nhà chỉ 200.000-300.000 đồng/phòng/tháng nên chưa tới ngưỡng phải nộp thuế. Chưa kể, các phòng trọ trong khuôn viên 1 hộ nhưng lại nói là của nhiều chủ, đều là các con, cháu trong nhà cùng đầu tư xây dựng để cho thuê…
“Trên địa bàn xã thường xuyên có trên 4.000 tới gần 5.000 người tạm trú, tập trung ở các khu nhà trọ tại thôn Lê Xá, Tân Cờ. Nhưng từ trước đến nay, chưa có ai cho thuê nhà trọ kê khai, nộp thuế”, lãnh đạo UBND xã Cẩm Phúc thông tin.
Đó cũng là tình trạng chung ở các địa bàn có nhiều khu, cụm công nghiệp như Tân Trường, Lai Cách, Lương Điền (Cẩm Giàng), Lai Vu, Phú Thái (Kim Thành), Ái Quốc (TP Hải Dương)…
Cần giải pháp đồng bộ
Xã Tân Trường (Cẩm Giàng) có gần 2.600 người đang đăng ký tạm trú. Nhiều nông dân đã nhường ruộng đất để phát triển công nghiệp, nay tận dụng đất vườn thừa để xây dựng nhà trọ. “Nếu đến mức phải nộp thuế thì cũng nên tính toán khấu trừ phần khấu hao tài sản hằng năm do người dân đã dồn sức đầu tư ban đầu. Bởi vì tiền thu từ việc cho thuê nhà trọ là thu nhập chủ yếu, thậm chí duy nhất của một số hộ hiện nay”, ông Vũ Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Tân Trường kiến nghị.
Để tiện sinh hoạt và làm việc, anh Nguyễn Văn Khánh ở TP Hải Dương cho thuê căn hộ của mình tại thôn Thượng Đạt, xã An Thượng để thuê một căn hộ nhỏ tại chung cư Trần Hưng Đạo. “Tiền cho thuê cả căn nhà ở ngoại thành chỉ tương đương với tiền tôi thuê căn hộ chung cư. Do đó nếu việc cho thuê căn hộ của tôi phải nộp thuế thì cần được khấu trừ tiền đi thuê nhà ở”, anh Khánh bày tỏ.
Theo Cục Thuế tỉnh, người làm công ăn lương, người kinh doanh đang chịu sự quản lý thuế chặt chẽ hơn. Trong khi đó, người có căn hộ cho thuê nhiều năm qua đã “lách” luật để không phải nộp thuế. Tiền thu ngân sách từ hoạt động này vì thế còn hạn chế, cần có giải pháp đồng bộ để quản lý hiệu quả thuế cho thuê nhà, tài sản.
Nên có chế độ khuyến khích những người có nhà, tài sản cho thuê hoặc người đi thuê khai giá thật. Chẳng hạn như tiền thuê nhà được tính khấu trừ khi đóng thuế thu nhập cá nhân của người thuê; hoặc hộ kinh doanh được khấu trừ tiền thuê nhà khi đóng các loại thuế; khấu trừ tiền khấu hao tài sản, đầu tư nâng cấp tài sản… Trường hợp cố tình khai giá thấp để trốn thuế nên bị phạt, truy thu thật nặng để răn đe...
Trước mắt, cần có quy định ràng buộc các bên liên quan như chính quyền địa phương, công chứng viên, cơ quan thuế, tòa án, cơ quan đăng ký đất đai… trong việc chống khai gian giá mua bán, cho thuê nhà.
Mặt khác, theo quy định, người thuê nhà phải đăng ký tạm trú, cần liên thông thông tin giữa cơ quan thuế với công an cơ sở để quản lý hoạt động thuê và cho thuê nhà.
Từ đầu năm đến ngày 7/11, trên địa bàn TP Hải Dương có 220 trường hợp cho thuê nhà kê khai, nộp phát sinh khoảng 10 tỷ đồng tiền thuế. Năm 2023 có 250 trường hợp phát sinh hơn 10,2 tỷ đồng tiền thuế.
Tại thị xã Kinh Môn có 27 trường hợp phát sinh gần 1,33 tỷ đồng tiền thuế; huyện Kim Thành có 37 trường hợp cho thuê nhà, tài sản có phát sinh gần 848 triệu đồng tiền thuế…
Hầu hết các trường hợp cho thuê tài sản tự kê khai, nộp thuế đều do người thuê (thường là tổ chức, doanh nghiệp) yêu cầu có hóa đơn, chứng từ để khấu trừ thuế sản xuất, kinh doanh. Các cá nhân có tài sản cho thuê không đăng ký hoạt động thường xuyên nên khi kê khai, nộp thuế đều là các trường hợp phát sinh thuế.