Đời sống

Lời xin lỗi muộn màng

TRẦN LÀNH 17/11/2024 10:26

'Em biết là em làm cô phiền lòng rất nhiều. Nhưng nếu cô không bao dung, độ lượng thì có lẽ em sẽ không thể tiếp tục theo đuổi con đường học vấn đến chặng cuối'.

Mh GĐXH

Dù công việc giảng dạy ở trường, ở lớp bận rộn, về nhà lại phải soạn kế hoạch bài dạy, hồ sơ sổ sách và chấm bài cho học sinh liên miên nhưng mỗi ngày cô Phương vẫn dành một khoảng thời gian ngắn để lướt mạng xã hội.

Trang cá nhân của cô có hàng trăm học sinh kết bạn nên mỗi khi đưa ảnh lên kèm vài dòng trạng thái là học sinh thả tim hoặc bình luận rất sôi nổi. Cô coi đó là một nguồn năng lượng tích cực để làm việc, phấn đấu hết mình cho sự nghiệp “trồng người”. Theo dõi mạng xã hội, cô thấy hạnh phúc khi biết học trò của mình ngày càng thành đạt.

Thật bất ngờ, hôm nay cô Phương nhận được tin nhắn riêng của một cậu học trò cũ. Đó là Tuấn - một học trò đặc biệt, từ khi ra trường đến nay chưa khi nào cậu liên lạc dù cô biết Tuấn vẫn theo dõi trang Facebook cá nhân của mình. Cậu ta chỉ bấm like mỗi khi cô cập nhật trạng thái hoặc đăng ảnh. Chưa bao giờ Tuấn bình luận dưới bài viết của cô. Vậy mà hôm nay, Tuấn nhắn một tin rất dài: “Cô giáo ơi, cũng hơn chục năm rồi, hôm nay em muốn nói. Em thành thật xin lỗi cô. Ngày trước, cô là cô giáo chủ nhiệm tận tâm với học trò nhưng em lại cá tính quá nên đã nhiều lần vi phạm nội quy của nhà trường. Em biết là em làm cô phiền lòng rất nhiều. Nhưng nếu cô không bao dung, độ lượng thì có lẽ em sẽ không thể tiếp tục theo đuổi con đường học vấn đến chặng cuối. Nếu bị lưu ban, em bỏ học thì cuộc đời em đã rẽ sang một hướng khác. Nhờ có cô mà em đã phấn đấu đi du học và thành công như ngày hôm nay. Em đã có sự nghiệp và một gia đình hạnh phúc. Em xin lỗi cô vì cái tính ngang ngạnh của tuổi mới lớn. Nhiều lần làm cô phải buồn. Em chúc cô có thật nhiều sức khỏe, luôn giữ được ngọn lửa nhiệt huyết với nghề và yêu thương, độ lượng với những học trò như em. Em hứa sẽ về thăm cô vào một ngày gần nhất...”

Cô Phương đọc tin nhắn của học trò cũ mà mắt nhòe đi. Cô xúc động vì không ngờ Tuấn vẫn day dứt bởi những lỗi lầm thời đi học. Hơn chục năm về trước, khi ấy Tuấn đang học lớp 12, năm cuối cấp với bao kỳ thi phía trước nhưng cậu ta khiến cô Phương bao phen mất ăn, mất ngủ.

Tuấn thường xuyên trốn tiết, đi học muộn, la cà ở các quán điện tử. Tuấn “nghiện” game nặng, thường thức khuya chơi game, có lần chơi xuyên đêm, hôm sau đi học mắt đỏ ngầu, cứ ngáp ngắn, ngáp dài.

Bố Tuấn đi xuất khẩu lao động. Mẹ làm công nhân, thường xuyên phải tăng ca nên Tuấn tự do, thích làm gì thì làm, thích chơi gì thì chơi.

Cô Phương đã nhiều lần trao đổi sự việc với mẹ Tuấn nhưng mẹ cậu ta cũng bày tỏ sự bất lực, chỉ biết sụt sùi: “Trăm sự nhờ cô, nhờ nhà trường giáo dục cháu nên người... Tôi chỉ có mình nó là con trai”. Đến khi Tuấn phải ra hội đồng kỷ luật thì cậu ta mới biết sợ, biết lo lắng. Sĩ diện nổi lên, nếu bị kỷ luật đuổi học một năm, chắc chắn cậu ta sẽ bỏ học. Chính những lời nói, sự phân tích thấu tình, đạt lý của cô Phương trước hội đồng kỷ luật của nhà trường đã cho Tuấn một cơ hội sửa chữa.

Ngày thi tốt nghiệp và đại học gần kề, Tuấn quyết định “cai nghiện game”. Mỗi khi cơn thèm chơi game trỗi dậy, Tuấn lại nhớ đến cô giáo chủ nhiệm đứng trước phòng hội đồng, nói những lời gan ruột, tha thứ và bao dung cho lỗi lầm của cậu.

Tuấn học ngày, học đêm và đỗ đại học với điểm số khá cao. Hết học kỳ 1 năm thứ nhất, cậu đã được chọn sang Nhật du học. Rất nhiều lần, Tuấn muốn nhắn tin, gọi điện xin lỗi cô Phương nhưng cậu vẫn cảm thấy xấu hổ với cô. Tuấn nghĩ mình chưa làm được điều gì to tát. Phương vẫn dõi theo từng bước trưởng thành của Tuấn. Cô thường xuyên hỏi thăm về Tuấn qua các bạn trong lớp. Cô mừng cho Tuấn vì cậu đã trở thành một kỹ sư giỏi, có một cô vợ xinh đẹp và hai đứa con xinh xắn.

Đọc lại tin nhắn của học trò cũ, cô Phương trầm ngâm, nghĩ ngợi.

Nếu ngày ấy, cô không bao dung, một mực kể tội của Tuấn trước hội đồng kỷ luật thì có lẽ Tuấn đã không có cơ hội sửa sai, không thể theo trọn con đường học vấn.

Thế mới biết, dạy kiến thức cho học trò chỉ là một phần, quan trọng hơn với thầy cô là giáo dục nhân cách để các em trở thành người tử tế, có ích cho xã hội.

TRẦN LÀNH