Nông nghiệp - Nông thôn

Đề xuất hỗ trợ tối đa không quá 10 tỷ đồng cho 1 cơ sở chăn nuôi ở Hải Dương phải di dời

TM 11/11/2024 19:01

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương đề xuất hỗ trợ một nửa chi phí mua sắm thiết bị công trình, thiết bị công nghệ chăn nuôi theo diện tích chuồng trại hiện có của cơ sở chăn nuôi thuộc đối tượng phải di dời.

trinh-thuy-nga.jpg
Đồng chí Trịnh Thúy Nga, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Hải Dương phát biểu tại buổi làm việc

Chiều 11/11, đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Bích, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh dự buổi làm việc của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về một số nội dung tờ trình chuẩn bị cho kỳ họp thứ 27 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận về tờ trình đề nghị ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh về "Quy định khu vực không được phép chăn nuôi thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hải Dương".

Theo đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tổ chức, cá nhân có cơ sở chăn nuôi được xây dựng và hoạt động trước ngày Luật Chăn nuôi có hiệu lực và đang hoạt động tại khu vực không được phép chăn nuôi theo quy định dự thảo Nghị quyết này được hỗ trợ di dời đến địa điểm mới phù hợp hoặc ngừng hoạt động, chuyển đổi ngành nghề.

Đề xuất hỗ trợ 50% chi phí mua sắm thiết bị công trình và thiết bị công nghệ chăn nuôi theo diện tích chuồng trại hiện có cho cơ sở chăn nuôi thuộc đối tượng phải di dời, mức hỗ trợ tối đa không quá 10 tỷ đồng/cơ sở; hỗ trợ 50% chi phí di dời vật nuôi đến địa điểm mới phù hợp, mức hỗ trợ tối đa không quá 500 triệu đồng/cơ sở; hỗ trợ 100% chi phí đào tạo, tập huấn để chuyển đổi từ chăn nuôi sang các nghề khác, mức hỗ trợ 3 tháng lương cơ bản/người. Nguồn hỗ trợ từ ngân sách 2 cấp tỉnh và huyện.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phạm Thị Đào báo cáo một số nội dung liên quan đến tờ trình đề nghị ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh về
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phạm Thị Đào báo cáo một số nội dung liên quan đến tờ trình

Kết luận nội dung này, đồng chí Trịnh Thúy Nga, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Hải Dương cơ bản nhất trí với bố cục, nội dung của tờ trình. Tuy nhiên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần rà soát lại các khu vực không được phép chăn nuôi phù hợp với việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Bổ sung trình tự hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi bám sát các quy định của pháp luật...

Cũng tại buổi làm việc, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cũng cơ bản nhất trí với 3 nội dung tờ trình khác mà Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh về: "Chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án xây dựng tuyến đường kết nối đường tỉnh 398B (Hải Dương) với đường tỉnh 345 (Quảng Ninh), TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương"; "Sửa đổi điểm c khoản 2 điều 6 Quy định ban hành kèm theo Nghị quyết số 14/2023/NQHĐND ngày 6/11/2023 của HĐND quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh"; "Nội dung, nhiệm vụ chi duy tu, bảo dưỡng và xử lý cấp bách sự cố đê điều thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương đối với hệ thống đê điều do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh Hải Dương". Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm rà soát, điều chỉnh, bổ sung các nội dung cho phù hợp với các quy định, hướng dẫn của Trung ương, địa phương.

TM