Coi chừng nông sản Trung Quốc?
Không nên để người tiêu dùng kỳ thị nông sản Trung Quốc và bất cứ nông sản nào khi chưa có kết quả kiểm nghiệm.
“Hầu hết nho mẫu đơn trên thị trường là từ Trung Quốc”, “hồng thạch trên thị trường nghi là hàng Trung Quốc vì hồng Việt Nam sản lượng thấp không đủ bán”, “cà ra trên thị trường có chữ Trung Quốc”… Đó là những thông tin tôi đọc được trên truyền thông hoặc nghe bạn bè kháo nhau khi đề cập đến nhiều mặt hàng xuất hiện trên thị trường Hải Dương gần đây mà không rõ nguồn gốc xuất xứ.
“Hàng Trung Quốc thì sao?”, khi tôi đặt câu hỏi này rất nhiều người ngạc nhiên. Người ta không tin được vì sao tôi lại hỏi thế. Vì trong tâm niệm của họ, hàng Trung Quốc, nhất là các mặt hàng nông sản như hoa quả, rau củ, động vật tươi sống… đồng nghĩa với chất lượng không tốt, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì thế, khi mặt hàng nông sản nào đó được nghi ngờ hoặc xác định có nguồn gốc từ Trung Quốc liền lập tức bị kỳ thị. Nhiều người tiêu dùng ngay lập tức cảnh giác, không mua.
Tâm lý này không phải không có cơ sở bởi từng có những loại nông sản xuất xứ từ Trung Quốc được cảnh báo là có hóa chất độc hại, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản quá ngưỡng cho phép. Trường hợp 9 mẫu nho sữa Trung Quốc tại Thái Lan được phát hiện có chất độc hại gần đây là một ví dụ.
Nhưng điều làm tôi nghi ngại là tâm lý tiêu dùng này rất không bình thường ở chỗ, nhiều người tiêu dùng đang tin hoặc không tin một sản phẩm nào đó hoàn toàn bằng cảm tính, bằng kinh nghiệm thậm chí thông qua kiểu “lời đồn” mà không dựa trên cảnh báo, chứng cứ khoa học thuyết phục nào.
Ngay cả khi lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời một số tờ báo rằng: “Đối với nho nhập khẩu, Cục Bảo vệ thực vật đã đưa vào chương trình giám sát về an toàn thực phẩm năm 2024. Kết quả kiểm tra 10 mẫu nho nhập khẩu Trung Quốc cho thấy không phát hiện mẫu vi phạm an toàn thực phẩm (dư lượng thuốc bảo vệ thực vật) của Việt Nam” thì tôi tin rằng vẫn còn nhiều người e ngại với nho tươi có xuất xứ từ Trung Quốc.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại hầu hết các hàng nông sản khác khi gắn mác hàng trong nước hoặc nhập khẩu từ Hàn Quốc và một số nước phương Tây thì nhiều người mặc nhiên yên tâm về chất lượng, nếu có nghi ngờ thì đó là sản phẩm đó có bị hàng Trung Quốc, hàng không rõ nguồn gốc trà trộn?
Tất nhiên cũng có người “tặc lưỡi cho qua” vì nếu cái gì cũng nghi ngại thì không biết mua gì.
Sử dụng nông sản sạch, thực phẩm sạch là nguyện vọng chính đáng của người tiêu dùng.
Hướng tới nền sản xuất sạch, thời gian qua, nhiều địa phương đã mở rộng các vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, chăn nuôi sạch… Tuy nhiên, thực tế hầu hết những sản phẩm được kiểm nghiệm, đạt tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn đều là hàng xuất khẩu, hoặc được bán tại siêu thị ở các thành phố lớn. Còn người dân địa phương vẫn chủ yếu sử dụng nông sản, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không rõ chất lượng an toàn vì không được kiểm nghiệm.
Câu chuyện nho Trung Quốc, hồng Trung Quốc hay cà ra Trung Quốc một lần nữa đặt ra vấn đề mà người tiêu dùng quan tâm không chỉ là nguồn gốc sản phẩm, mà hơn thế chính là chất lượng an toàn. Sản phẩm có độc tố hay không, có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản không trong danh mục cho phép của Việt Nam hay không, cần được trả lời bằng các thông số đã qua kiểm định chứ không phải chỉ dựa vào niềm tin hay lời đồn đoán.
Không chỉ với hàng Trung Quốc, đây là đòi hỏi với tất cả các mặt hàng nông sản có mặt trên thị trường bao gồm cả hàng trong nước sản xuất và nhập khẩu.
Muốn kiểm soát tốt về chất lượng hàng hoá, trước hết cần minh bạch về nguồn gốc xuất xứ. Khi một hàng hoá không rõ ràng về nơi sản xuất thì nó đang chứa đựng nhiều rủi ro cho người tiêu dùng vì đó là bằng chứng chưa có sự giám sát cần thiết.
Vì sức khỏe của người tiêu dùng, không thể chần chừ, buông lỏng quản lý chất lượng hàng nông sản.