Mốt 'chụp ảnh Hàn Quốc' hồi sinh
Sau gần một tiếng chờ đợi, Bảo Anh và Bảo Ngọc mới đến lượt đội mũ hình gấu, đeo kính thời trang vào phòng chụp ảnh lấy ngay trên phố Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Hai nữ sinh 17 tuổi ở quận Hoàng Mai, Hà Nội có thú vui chụp ảnh ở photobooth (buồng chụp ảnh lấy ngay). Bảo Ngọc nói chụp ảnh bằng smartphone có những ưu điểm nhưng chụp ảnh photobooth vẫn hấp dẫn bởi được lấy ảnh về dán tường hoặc cất vào album. Các cơ sở này cũng chuẩn bị nhiều phụ kiện như kính mắt, phụ kiện đội đầu cho đến phục trang giúp khách hàng cosplay.
"Điều khiến tôi thích thú nhất là camera có hiệu ứng chỉnh sửa cài sẵn, không cần trang điểm nhưng lên hình vẫn lung linh", Bảo Ngọc nói. Nữ sinh này cũng cho biết giá chụp hình dao động 70.000-100.000 đồng bao gồm phụ kiện, phục trang và 4-6 ảnh, phù hợp với học sinh, sinh viên.
Trong khi Bảo Anh đánh giá mỗi cơ sở chụp photobooth lại có phong cách, màu ảnh khác nhau.
Hà Linh ở quận Hoàn Kiếm cùng bạn trai đến tiệm photobooth trên đường Trích Sài, quận Tây Hồ. Cô gái 20 tuổi từng nghĩ chụp ảnh lấy ngay chỉ hợp với thế hệ trước nhưng sau một lần thử nay đã "nghiện".
Linh cho biết ảnh chụp tại các photobooth rất chất lượng, không tốn tiền như ở các studio chuyên nghiệp. Dù phải xếp hàng chờ cả tiếng mới đến lượt cô vẫn chấp nhận.
"Quán có bốn buồng chụp nhưng luôn chật kín người chờ", Linh nói. Cô cho rằng khoe ảnh chụp qua điện thoại đã lỗi thời, "dân chơi" là phải khoe ảnh photobooth.
Chụp ảnh photobooth được cho là bắt nguồn từ văn hóa chụp ảnh sticker (chụp ảnh nhãn dán) ở Nhật Bản từ những năm 2000. Giai đoạn 2008-2009, loại hình chụp ảnh này trở thành mốt của giới trẻ Việt Nam với tên gọi "chụp ảnh Hàn Quốc" nhưng cũng tàn khá nhanh bởi sự phát triển của smartphone và các ứng dụng chụp ảnh.
Từ đầu 2024, photobooth bỗng nhiên "hồi sinh" ở Hà Nội. Thay vì chỉ có buồng chụp ảnh đơn giản phụ thuộc vào các hiệu ứng như trước kia, hiện nay các cơ sở trang bị nhiều phụ kiện chụp, cung cấp máy làm tóc, đồ trang điểm và cải tiến chất lượng hình ảnh.
Chiều 9/11, tại các địa điểm chụp photobooth nổi tiếng ở phố Nhà Chung (quận Hoàn Kiếm), phố Trích Sài, Nhật Chiêu (quận Tây Hồ) tập trung đông người trẻ xếp hàng chờ chụp ảnh.
Đại diện một tiệm ở phố Trích Sài cho biết mỗi ngày có khoảng 100 khách nhưng cuối tuần gấp 2-5 lần. Nhiều thời điểm khách phải chờ gần hai tiếng, dù 4-5 phòng chụp hoạt động cùng lúc.
Quản lý của một cửa hàng photobooth trên phố Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm cho biết bắt đầu mở dịch vụ từ tháng 6/2023. Ngoài cơ sở ở quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ và Long Biên, đơn vị này cũng mở thêm hai cơ sở mới ở TP Hồ Chí Minh trong năm nay vì nhu cầu khách ngày càng cao. Trong ba tháng gần đây, mỗi ngày mỗi cơ sở có khoảng vài trăm khách, gấp đôi so với các tháng đầu năm. Hơn 70% khách ở nhóm tuổi từ 10-25. Số còn lại là người trên 40 tuổi, đa phần là người thích hoài niệm về quá khứ với dịch vụ "chụp ảnh Hàn Quốc" trước những năm 2010. Riêng cuối tuần hay dịp lễ, mỗi ngày có hơn 500 khách tới, nhiều người phải chờ ít nhất 30 phút mới đến lượt.
"Để thu hút khách, chúng tôi chú trọng vào màu ảnh phải chuẩn Hàn Quốc, liên tục thay đổi phụ kiện hợp thời, bắt kịp xu hướng. Ngoài ra cũng lắp thêm camera chụp từ trên cao, tạo các góc độc đáo", quản lý này chia sẻ.
Thạc sĩ Lê Anh Tú, giảng viên khoa Quan hệ công chúng - Truyền thông, trường Đại học Văn Lang (TP Hồ Chí Minh), cho rằng trào lưu photobooth quay trở lại là điều bình thường, chỉ cần phù hợp với nhu cầu sẽ được quan tâm.
Cũng theo chuyên gia việc nhiều người trẻ hưởng ứng cho thấy nhu cầu được giải trí của mỗi cá nhân ngày càng lớn. Đặc biệt, trào lưu chụp ảnh này rất tích cực, nhất là trong cuộc sống nhiều căng thẳng, việc lưu giữ khoảnh khắc đáng nhớ của cuộc đời là điều nên làm.
"Tuy nhiên nếu phải chờ đợi nhiều giờ đồng hồ để ở có 4-6 tấm ảnh thì không nên bởi có vẻ lãng phí thời gian", ông Tú nói.