Tản văn

Thầy giáo của tôi

HỒNG TƯƠI 19/11/2024 11:00

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, thế hệ học trò chúng tôi mong các thầy cô luôn yêu và giữ nghề cao quý.

“Người thầy vẫn lặng lẽ đi sớm về trưa/ Từng ngày, giọt mồ hôi rơi nhòe trang giấy/ Để em đến bên bờ ước mơ"...

Những ca từ da diết, thiết tha của bài hát "Người thầy" của nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy hẳn đã rất quen thuộc với bao thế hệ. Tôi tin rằng không ít người đã thuộc và đã một lần hát bài này để nhớ về một thời cắp sách tới trường, bên các thầy cô yêu dấu.

Với tôi, bài hát "Người thầy" như lời tri ân đến một nhà giáo mà cả một đời tận tụy, yêu thương và hết mình vì học trò thân yêu của mình.

Ngày ấy, quê tôi nghèo. Trường học chỉ là những dãy nhà cấp 4, mái ngói đơn sơ. Mộc mạc, giản dị vậy thôi nhưng tình cảm thầy trò thì vô hạn. Thầy giáo tôi, ngày nào cũng đạp xe 20 cây số đến trường làng. Ngôi trường có lũ trò nghèo, nghịch "nhất quỷ nhà ma".

Ngày thầy về trường, chúng tôi ngưỡng mộ lắm. Vì thầy là nhà giáo dạy giỏi nhiều năm liền của thành phố. Ánh mắt thầy nghiêm nghị nhưng nụ cười của thầy thì khác xa, ấm áp và dịu hiền.

Suốt năm đầu cấp 2, một đứa dốt toán như tôi cứ đến giờ học của thầy lại sợ, lại lo bị kiểm tra bài cũ. Và cũng có lần tôi bị thầy cho đứng góc lớp, phạt chép bài 100 lần vì tội quên vở, trốn làm bài tập.

Vậy mà thầy không để chúng tôi ghét môn toán. Thầy kiên trì giúp chúng tôi yêu môn học ấy hơn. Nhà thầy xa trường, vì gieo đam mê học toán cho lũ trò nhỏ mà thầy đã xin ở lại trường dạy kèm thêm cho chúng tôi mỗi buổi tối

Dưới ánh đèn leo lét, mái tóc của thầy như bạc thêm nhưng những bài toán của thầy lại từ khó thành dễ. Từ một đứa sợ toán tôi đã yêu môn học này hơn. Những căn bậc hai, hằng đẳng thức thường làm khó tôi thì bây giờ đã khác. Tôi mạnh dạn xung phong lên bảng bằng sự tự tin sau những ngày được thầy kèm cặp, chỉ dẫn tận tình. Thời chúng tôi chưa có khái niệm dạy thêm, học thêm nên bố mẹ chỉ biết cảm ơn thầy bằng những mớ rau, thúng khoai, bao gạo của nhà làm ra. Vậy mà thầy nhất quyết không nhận.

Thầy theo chúng tôi suốt 4 năm học. Lũ trò nhỏ chúng tôi trưởng thành, yêu toán bao nhiêu thì thầy thêm bấy nhiêu sợi tóc bạc. Và bây giờ có lẽ nhắc đến bài hát "Bụi phấn" tôi nhớ nhất câu "Thưa thầy em đã thuộc/ Bài học sáng nay trên bục giảng/ Có bụi phấn bay bay trên tóc thầy". Bụi phấn đã làm tóc thầy tôi bạc chăng? Đó là những sợi bạc của sự hy sinh, cống hiến thầm lặng của biết bao "người lái đò", trong đó có thầy giáo tôi. Người vẫn lặng lẽ đạp xe 20 cây số về với trường làng, gieo cho chúng tôi hy vọng, khơi dậy tinh thần ham học của trò nghèo, giúp chúng tôi mạnh dạn bước ra khỏi lũy tre làng để thành đạt, có tương lai tươi sáng hơn.

Giờ đây, thầy giáo tôi đã vào tuổi xưa nay hiếm. Những học trò trường làng của thầy ngày nào phần nhiều định cư ở thành phố.

Mỗi năm một lần, chúng tôi về thăm thầy nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Chúng tôi tri ân, cùng thầy ôn lại kỷ niệm xưa.

Mắt thầy nay đã mờ, chân thầy đã chậm nhưng mỗi lần gặp lại chúng tôi thầy như trẻ lại. Với thầy dù chúng tôi đã trưởng thành, là cha, là mẹ nhưng vẫn còn trẻ dại như ngày nào. Thầy vẫn nhớ lũ trò nhỏ vì lười học, vì quên vở, quên sách bị thầy ghi vào sổ đầu bài mà trút giận rút hết hơi bánh xe, bắt tội thầy dắt bộ vài cây số giữa trời nắng như đổ lửa tìm chỗ sửa. Rồi thầy còn nhớ cả những hôm mưa rét cuối tuần cùng học trò nướng ngô, luộc khoai. Mùa hè, thầy dành cả kỳ nghỉ để kèm thêm môn toán, dạy chúng tôi biết hát, biết bơi...

Kỷ niệm về thầy luôn đầy ắp và công lao của thầy thì không thể nào kể hết.

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thế hệ học trò chúng tôi mong các thầy cô luôn yêu và giữ nghề cao quý. Chúng tôi cũng luôn ghi nhớ câu: "Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy".

HỒNG TƯƠI