Giáo dục và đào tạo

'Thắp ánh sáng' cho học sinh khiếm thị

THẾ ANH 10/11/2024 05:54

Bằng tình yêu thương và cả hy vọng, các giáo viên Trung tâm Phục hồi chức năng, giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm cho người mù tỉnh Hải Dương đang thầm lặng giúp nhiều học sinh khiếm thị thắp lên ánh sáng niềm tin về tương lai tốt đẹp.

giao-vien-khiem-thi(1).jpg
Chị Nguyễn Thị Dự, giáo viên Trung tâm Phục hồi chức năng, giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm cho người mù (Hội Người mù tỉnh Hải Dương) hướng dẫn học sinh sử dụng bảng tính chuyên biệt

Thức dậy trước khi mặt trời mọc

Ngày nào cũng vậy, chị Nguyễn Thị Dự (sinh năm 1996) đều thức dậy trước khi mặt trời mọc và đón ánh bình minh của ngày mới trên cung đường khoảng 30 km từ phường Chí Minh (TP Chí Linh) tới trung tâm ở phố Hoàng Văn Thụ (TP Hải Dương).

Sau khi gửi con nhờ bà ngoại trông giúp, chị Dự bắt xe buýt đi làm. Tan giờ làm, chị lại hối hả, men theo vỉa hè trên phố Hoàng Văn Thụ để ra điểm bắt xe buýt trên phố Bạch Đằng trở về nhà. Những hoạt động quen thuộc đến nỗi mọi người tưởng chị là người bình thường. Ngoài chị Dự, trung tâm còn 2 giáo viên cũng hằng ngày di chuyển từ các huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ đến trung tâm, có điều, 2 giáo viên này may mắn hơn là mắt sáng.

Một ngày cuối thu se lạnh, tại lớp học chưa đầy 15 m² ở trung tâm, chị Dự đang lần sờ từng bàn tay của học sinh để dạy con chữ. Nhìn chị hướng dẫn, giải thích cho một học sinh về 2 con cắm đầu tiên trong mô hình con cắm dành cho người khiếm thị học chữ mà tôi thấy sốt ruột vì sau 15 phút các em vẫn không thể làm đúng theo hướng dẫn. Tôi giật mình khi có một đồ vật bay lên phía cửa lớp. Sững sờ nhìn thì đó là một học sinh khiếm thị đa tật, tăng động ném một con cắm lên phía trên.

Chỉ khi tôi đánh tiếng, chị Dự và học sinh mới biết có người đứng ngoài cửa lớp. Chị Dự cho biết những hành động của học sinh vừa rồi là thường xuyên. Mỗi năm, trung tâm có khoảng 60 học sinh. Mỗi lớp học ở đây có em mù hoàn toàn, có em nhìn mờ mờ, có em khiếm thị khuyết tật vận động, thiểu năng trí tuệ, tự kỷ… Dạy học sinh bình thường đã vất vả nhưng dạy học sinh khiếm thị, đa khuyết tật học hòa nhập còn khó khăn gấp bội. Có những em dạy hòa nhập đến 3 năm cũng chưa đủ điều kiện đến trường học do phát triển trí tuệ rất chậm. Để dạy được một học sinh có thể đến trường học hòa nhập là cả một quá trình gian nan và đầy thử thách. Do đó, công việc của giáo viên không chỉ là dạy con chữ mà còn cả cảm hóa hành vi của các em.

Chị Dự cho biết chỉ với mỗi mô hình con cắm như chiếc thước gỗ dài khoảng 30 cm và những con cắm như chiếc đinh vít là có thể dạy được rất nhiều kiến thức cho học sinh, từ đánh vần, chính tả đến toán học... Ngoài ra, học sinh được giáo viên dạy các chấm nổi, học nhớ, sờ, cảm nhận. Chỉ mỗi hoạt động này mà có học sinh phải mất cả năm để rèn rũa.

“Vui nhất là mỗi lần các em đánh vần được chữ, đọc được chữ nổi. Bởi học sinh khiếm thị nếu khuyết tật trí tuệ nhận thức kém và phát triển rất chậm thì dạy rất vất vả”, chị Dự nói.

“Reng reng”, tiếng chuông ra chơi cũng là lúc tôi có thời gian trao đổi nhiều hơn với chị Dự. Mẹ và chị gái của chị Dự đều bị khiếm thị nhưng không mù hoàn toàn. Chị Dự cũng bị khuyết tật mắt bẩm sinh. Khi 6 tuổi, chị đã được gia đình đưa đến trung tâm để học tập. Những ngày đầu chị la khóc om sòm đòi về với mẹ. Nhưng tại đây, cùng sự chăm sóc, giáo dục của thầy cô, được học tập với những bạn cùng cảnh ngộ, chị Dự dần lấy lại cân bằng, nuôi ước mơ làm giáo viên. Và rồi nghị lực của cô gái trẻ đã không làm gia đình thất vọng. Năm 2016, chị Dự trúng tuyển khoa giáo dục tiểu học của Trường Cao đẳng Hải Dương. Ra trường, chị Dự trở lại trung tâm giảng dạy. Cùng thời gian này chị tiếp tục vừa làm vừa học liên thông lên đại học. Cứ như vậy, thanh xuân của cô giáo trẻ gắn bó với trung tâm cho đến nay.

Chặng đường 5 năm trực tiếp giảng dạy của chị Dự có nhiều khó khăn, vất vả nhưng bằng sự đồng cảm, tình yêu thương và yêu nghề, chị đã giúp nhiều học sinh tự tin đến trường, con đường hòa nhập cộng đồng của các em trở nên gần hơn.

giao-vien-day-hoc-sinh-khiem-thi(1).jpg
Chị Vũ Thanh Huyền, giáo viên Trung tâm Phục hồi chức năng, giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm cho người mù hướng dẫn học sinh sử dụng mô hình con cắm

Quan sát lớp bên cạnh là hình ảnh chị Vũ Thanh Huyền (sinh năm 1981) đang say sưa giảng cho học sinh khiếm thị về một số loài hoa. Bất giác, một cô bé chừng 10 tuổi quay sang bên cạnh hỏi một bạn khoảng 15 tuổi: “Anh có biết hoa lê - ki - ma không?”. Anh bạn hồn nhiên đáp: “Có chứ, anh được mẹ kể hoa lê - ki - ma có màu xám xanh nhạt, trong bài hát nói về chị Võ Thị Sáu ấy”. Cô bé ậm ừ nói: “Vâng, ước gì anh em mình nhìn thấy bông hoa đó như thế nào, có mấy cánh nhỉ…”. Sau đó cả 2 rơi vào im lặng. Mắt tôi cay xè. Mặc dù không gian phủ toàn bóng đêm nhưng tâm hồn các em tràn đầy ánh sáng.

Bất chợt chị Huyền quay lại phía cửa lớp tôi mới biết chị cũng bị khuyết tật mắt. Không may mắn như các bạn đồng trang lứa, khi là sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, đôi mắt của chị Huyền mờ dần và được bác sĩ chẩn đoán bị thoái hóa võng mạc. Chị phải mất 1 năm bảo lưu kết quả học tập để chữa trị. Ở độ tuổi sinh viên, việc nghỉ học và phải sống trong bóng tối là điều không thể tưởng tượng, thế nhưng chị vẫn nỗ lực vượt qua khó khăn để lấy bằng được tấm bằng tốt nghiệp. Sau khi ra trường, chị Huyền được giới thiệu đến Hội Người mù tỉnh làm việc vào năm 2006. Sau đó chị Huyền được cử đi học các lớp chuyên biệt do Hội Người mù Việt Nam tổ chức để trở về giảng dạy tại trung tâm.

Nhà chị Huyền cách trung tâm khoảng 15 phút đi bộ. Sáng nào chị cũng thức dậy từ sớm để đến trung tâm, chuẩn bị tài liệu, hướng dẫn học sinh đi học hoà nhập ở một số ngôi trường gần đó. Trừ khi chồng đưa đi, đón về, còn lại chị đều chủ động đi bộ tới trung tâm. Cung đường quen thuộc đến mức chị nhớ từng gốc cây, cột điện trên vỉa hè từ cuối phố Chương Dương, qua cầu Hồng Quang đến phố Hoàng Văn Thụ.

Chặng đường 18 năm tại trung tâm, chị Huyền cũng đã đối mặt với không ít khó khăn, vất vả, nhưng chị vẫn cần mẫn như người mẹ, người chị, người bạn với học sinh. Chị Huyền luôn tìm tòi, đổi mới phương pháp giáo dục, tận tình chăm sóc để nơi đây trở thành ngôi nhà chung tràn đầy tình yêu thương đối với những đứa trẻ thiếu may mắn, thắp lên niềm hy vọng về tương lai tốt đẹp phía trước cho các em.

Chị Huyền cho biết vất vả nhất là giai đoạn tiền hòa nhập. Do can thiệp muộn hoặc có những học sinh lớn tuổi bị tai nạn ảnh hưởng đến mắt sau đó mới vào trung tâm nên trong một lớp học có nhiều độ tuổi khác nhau. Ngoài khuyết tật về mắt, còn nhiều bạn đa khuyết tật nên mức độ nhận thức cũng khác nhau. Giáo viên phải dạy phục hồi chức năng từ những sinh hoạt cá nhân nhỏ nhất như đánh răng, rửa mặt đến cách ăn mặc, đi lại...

Trong lúc trò chuyện, tôi nhiều lần giật mình quay lại bởi tiếng giật cửa ầm ầm của học sinh. Đó là một số em bị khiếm thị nhưng thêm cả tăng động. Chị Huyền cho biết một số bạn tăng động hay giật cửa, ném đồ trong lớp học, hét to, cào cấu các bạn khác. Những lúc như vậy, mỗi giáo viên lại phải nhẹ nhàng, cảm hóa hành vi của các em.

“Ấy là chưa kể có những bạn thiểu năng trí tuệ vệ sinh ngay trong lớp, giáo viên phải dọn dẹp”, chị Huyền nói.

Trung tâm có tất cả 8 giáo viên, trong đó có 3 giáo viên khuyết tật mắt nhưng không mù hoàn toàn, còn lại mắt sáng. Mỗi giáo viên đều thấu hiểu và đồng cảm với sự khát khao hòa nhập cộng đồng của học sinh. Vì vậy, chứng kiến mỗi em ra trường, tự tin hoà nhập cộng đồng, các thầy cô rất hạnh phúc. Có em có nghề nghiệp ổn định, nuôi sống được bản thân, gia đình và kết giao với nhiều người bạn mới. Đó như liều thuốc bổ tinh thần tiếp thêm nhiệt huyết cống hiến cho những người gắn bó với sự nghiệp trồng người ở một nơi gian khó.

Niềm tin và hy vọng

Mỗi giáo viên ở trung tâm đều có hoàn cảnh khác nhau và chị Dự khó khăn nhất. Chị có 2 con, con trai 1 tuổi bị khuyết tật mắt bẩm sinh và tương lai cũng sẽ đến trung tâm này.

hoc-sinh-khiem-thi(1).jpg
Trung tâm Phục hồi chức năng, giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm cho người mù có khoảng 60 học sinh khiếm thị, đa khuyết tật

Chị Dự cho biết mỗi tháng chị nhận vỏn vẹn 4 triệu đồng tiền công, chồng làm nông nghiệp nên điều kiện kinh tế rất khó khăn. Chỉ tiền vé xe buýt hằng tháng cũng đã mất 2 triệu đồng. “Tiền chi tiêu tối thiểu hằng tháng cho gia đình không đủ. Vợ chồng tôi cứ vay tháng này, trả tháng sau để duy trì cuộc sống”, chị Dự nghẹn ngào nói.

Hoàn cảnh của chị Huyền khá khẩm hơn nhưng tiền công cũng chỉ 5,7 triệu đồng/tháng. Chị Huyền có 2 con đang học nên khá tốn kém. Chồng chị Huyền làm tự do nên kinh tế gia đình cũng khó khăn, phần lớn là nhờ bố mẹ 2 bên. “Mấy đứa em thương chị nên thỉnh thoảng lại cho tiền. Mỗi lần nhận tiền tôi thấy hổ thẹn vì lúc sinh viên mình là thần tượng của chúng nó. Nhưng không cầm thì không có tiền đóng học cho con”, chị Huyền nói.

Chị Huyền cho biết, trước năm 2017, các giáo viên vẫn được hưởng lương theo ngạch bậc và tiền hỗ trợ dạy người khuyết tật. Từ tháng 4/2017 đến nay đã bước sang năm thứ 8, lương của giáo viên không thay đổi. Dù các cơ quan chức năng đã họp bàn nhiều lần nhưng vẫn chưa có kết quả.

Ông Vũ Anh Minh, Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng, giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm cho người mù cho biết từ tháng 6/2017, trung tâm được xác định không phải là đơn vị sự nghiệp công lập nên không được giao biên chế và yêu cầu trung tâm thay đổi hợp đồng lao động đã ký trước đây sang chế độ tiền công, giữ nguyên mức hưởng đến tháng 4/2017 cho đến nay. Ngoài khoản tiền công hiện tại, các giáo viên ở đây không có bất cứ khoản thu nhập nào khác.

“Mới đây, chúng tôi tiếp tục đề nghị và các sở, ngành liên quan đang phối hợp nghiên cứu để có giải pháp tháo gỡ”, ông Minh nói.

Tôi rời trung tâm khi trời đã nhá nhem tối. Bước chân lững thững ra khỏi cổng tôi vẫn thấy thấp thoáng bóng dáng chị Dự đang vội vã men theo vỉa hè trên phố Hoàng Văn Thụ. Ngước mắt nhìn lên bầu trời đen kít, phía dưới là bóng đèn cao áp sáng choang, tôi nhớ chị Huyền và chị Dự vừa nói, một trong những động lực để tiếp tục cống hiến là trong họ vẫn đang đợi chờ, tin tưởng và hy vọng có sự thay đổi về tiền công.

THẾ ANH