Tác giả - Tác phẩm

Chuyện vợ của nhà văn Nguyễn Tuân

HA (st) 10/11/2024 09:32

Mối tình đầu cũng là tình cuối của nhà văn Nguyễn Tuân (1910 - 1987) do chính ông kể lại chính là dành cho vợ.

nha-van-nguyen-tuan-1.jpg
Vợ chồng nhà văn Nguyễn Tuân

Nguyễn Tuân sinh tại phố Hàng Bạc (Hà Nội) là con trai của cụ Nguyễn An Lan (tức ông tú Hải Văn), một nhà nho bất đắc chí nhưng rất mực tài hoa. Thời niên thiếu, ông theo gia đình sống nhiều nơi ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Ông kể về thời gian học Thành chung ở Nam Định năm 1929: “Học đến năm thứ hai trung học tôi đã cưới vợ. Vợ tôi là con gái Hàng Bạc, cũng là chỗ môn đăng hộ đối, do gia đình lựa chọn. Tôi cưới vợ sớm vì hồi đó bố tôi ốm nặng, sợ không qua khỏi, tôi là con trưởng, hai gia đình quen biết nhau đã lâu nên bà cụ muốn cưới sớm”.

Vợ của nhà văn Nguyễn Tuân là bà Vũ Thị Tuệ. Sau khi cưới vợ, Nguyễn Tuân vẫn còn đi học. Vì tham gia bãi khóa phản đối giáo viên Pháp nói xấu người Việt nên ông bị đuổi học, bị ghi vào hồ sơ là trong 5 năm không được nhận vào làm ở các cơ quan nhà nước. Ông kể tiếp: “Mẹ tôi lấy cho một bát họ, để tôi mở hiệu sách. Tôi làm đại lý cho các báo Trung Bắc tân văn, Thanh Nghệ Tĩnh, Tiểu thuyết thứ bảy... Được vài năm tôi phá gần sạch vốn, đành đưa vợ con về sống bám vào thầy mẹ tôi”.

Lúc này, bà Tuệ mới sinh con trai đầu lòng được hai tháng, Nguyễn Tuân “nổi máu giang hồ” cùng bạn bè rủ nhau trốn đi Thái Lan, vừa chân ướt chân ráo đến Bangkok thì bị bắt và giải về Hà Nội. Được thả về, ông làm chân giữ kho ở Nhà máy đèn Thanh Hóa, sau đó ông bỏ việc vì chủ sở định ném cả máy chữ vào đầu ông khi ông đang đánh máy làm thơ.

Bà Tuệ nhớ lại: “Không được bao lâu, nhà tôi lại xách va li ra đi. Tôi không hề ngăn cản nhà tôi trong những chuyến đi. Rất yêu quý và phục ông ấy, tôi không muốn làm phiền ông mặc dù xa ông, tôi buồn biết bao nhiêu”. Biết làm sao được, khi mà Nguyễn Tuân là người tôn thờ “chủ nghĩa” xê dịch và thèm đi. Bà Tuệ còn kể thêm một chi tiết khá thú vị: “Lúc sắp sửa đẻ đứa thứ sáu, nhà tôi viết thơ về hẹn đưa tôi đi sinh. Tôi sung sướng chờ đợi. Nhưng đợi mãi, nhà tôi vẫn không về. Ngay một bức điện, một bức thư đưa tin cũng không có. Đã đến ngày sinh, tôi buồn rầu thui thủi một mình vào nhà hộ sinh. Không tránh khỏi có phần tủi thân và thầm oán trách sự vô tâm của nhà tôi”. Không những vô tâm, ông còn đểnh đoảng nữa.

Nói về vợ mình, Nguyễn Tuân tâm sự: “Không hiểu bà ấy quý tôi về cái nỗi gì, chứ tôi phá bà ấy nhiều bận đến là điêu đứng”. Dù vậy, bà Tuệ vẫn thành thật bộc bạch: “Tính cách hai chúng tôi rất khác nhau, nhưng sao vẫn hợp nhau. Nhà tôi khó tính, rất khó tính. Càng lớn tuổi, càng khó tính. Nhưng tôi vẫn cố chiều được”.

Quả là nếu không có sự nhẫn nại, chịu đựng của bà Vũ Thị Tuệ, liệu chúng ta có được những trang tuyệt bút về Vang bóng một thời (1940), Tàn đèn dầu lạc (1941), Tùy bút I, II (1941 và 1943), Chùa đàn (1946) rồi Tình chiến dịch (1950), Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi (1972)...

HA (st)