Tin tức

Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ sẽ nhậm chức khi nào?

T.H (tổng hợp) 05/11/2024 22:10

Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ phải hơn 2 tháng sau đó mới nhậm chức.

time.png
Một số mốc thời gian quan trọng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ thứ 47

Ngày bầu cử là thứ ba, ngày 5/11 và ứng viên nào giành được 270 phiếu đại cử tri hoặc nhiều hơn sẽ trở thành Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ.

Kết quả có thể được công bố vào ngày bầu cử, trong vài ngày sau đó hoặc thậm chí vài tuần sau do sự phức tạp trong việc kiểm phiếu tại Hoa Kỳ.

Trong cuộc bầu cử năm 2020, các kênh truyền hình không công bố kết quả cho đến 4 ngày sau đó.

Sau khi các quan chức bầu cử tiểu bang xác nhận số phiếu, các đại cử tri sẽ họp tại từng tiểu bang và xác nhận phiếu của mình. Họ sẽ gửi kết quả cho Quốc hội vào ngày 17/12, tức là hơn một tháng sau bầu cử.

Sau khi các đại cử tri họp tại từng tiểu bang và gửi các xác nhận chính thức, các thành viên Quốc hội sẽ họp tại Điện Capitol ở Washington để chứng nhận kết quả vào ngày 6/1/2025.

Ngày nhậm chức của tân Tổng thống Hoa Kỳ là ngày 20/1/2025.

tong_thong_my.jpg
Ai sẽ là Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ?

Tổng thống Hoa Kỳ không được bầu chọn thông qua số phiếu phổ thông, mà bằng đa số các đại cử tri, trong hệ thống gọi là Cử tri đoàn.

Hệ thống Đại cử tri đoàn bắt nguồn từ Hiến pháp Mỹ từ năm 1787, trong đó thiết lập các quy tắc về các cuộc bầu cử tổng thống gián tiếp và chỉ 1 vòng.

Hầu hết đại cử tri là những quan chức đắc cử ở địa phương hoặc lãnh đạo đảng, nhưng tên tuổi của họ không xuất hiện trên các lá phiếu, và nhân dạng của họ cũng gần như không được các cử tri biết đến.

Hiến pháp để cho các bang quyền quyết định các đại cử tri của họ sẽ bỏ phiếu như thế nào. Về mặt lý thuyết tại hầu hết các bang, ngoại trừ Nebraska và Maine, ứng viên nào giành được đa số phiếu phổ thông cũng sẽ giành được tất cả các phiếu đại cử tri của bang đó.

Cơ chế Đại cử tri đoàn cho phép một ứng viên tổng thống có thể thua số phiếu phổ thông nhưng lại giành chiến thắng cuối cùng. Có 5 tổng thống của Mỹ từng đắc cử trong những tình huống như vậy, bao gồm ông Donald Trump vào năm 2016.

Khi một ứng viên tổng thống thắng một tiểu bang, điều này nghĩa là đại cử tri của đảng chính trị chiến thắng ở bang đó sẽ có nghĩa vụ bầu ứng viên này lên làm tổng thống.

Nếu một số bang yêu cầu đại cử tri tôn trọng các lá phiếu phổ thông, nhưng họ không muốn, thì đó được gọi là các "đại cử tri không trung thành" và họ sẽ phải chịu một khoản tiền phạt nếu không bầu cho người thắng số phiếu phổ thống.

T.H (tổng hợp)