Anh Lê Văn Thương khởi nghiệp thành công với mô hình ương dưỡng cá giống
Vượt qua nhiều khó khăn, anh Lê Văn Thương ở thôn Phú An, xã Cao An (Cẩm Giàng, Hải Dương) đã xây dựng, phát triển cơ sở ương dưỡng cá giống mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo lời giới thiệu của Hội Nông dân huyện Cẩm Giàng về một mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện nhưng phải qua nhiều lần liên hệ, chúng tôi mới gặp được anh Lê Văn Thương, sinh năm 1984, chủ cơ sở ương dưỡng cá giống Hồng Thương ở thôn Phú An, xã Cao An. Anh bảo mấy hôm nay ngày nào cũng phải đóng hàng chuyển cho khách, hôm trước thì xuất đi Hà Nội, hôm qua thì chuyển cá giống cho khách ở TP Hồ Chí Minh.
Xuất thân từ nhà nông, thuở nhỏ anh Thương đã làm quen với con cá khi bố mẹ anh nhận thầu mấy mẫu ao ở khu chuyển đổi của thôn để nuôi thả cá. Trước đây, ngoài cá thịt, gia đình anh đã nuôi giống một số loại cá truyền thống như: trắm, trôi, mè… Năm 2012, sau khi lập gia đình, vợ chồng anh ra ở riêng và nhận thầu lại gần 2 mẫu ao thả cá và chuồng trại chăn nuôi lợn.
Thời gian sau, anh dừng hẳn việc chăn nuôi lợn để tập trung nuôi cá giống. Năm 2017, anh đầu tư mua lại mẫu ao bên cạnh, mở rộng quy mô. Để phù hợp với mô hình ương dưỡng cá giống, anh Thương cho quy hoạch lại thành từng ao nhỏ.
Đến nay mô hình cá giống của anh có 2 mẫu ao ương các loại cá giống như: rô phi, chép, nheo mỹ (cá lăng), diêu hồng. Cá giống được nhập về với trọng lượng khoảng 6.000 - 7.000 con/kg, sau khoảng 15 - 20 ngày được xuất bán.
Anh Thương chia sẻ, việc ương dưỡng cá giống khó khăn hơn nhiều so với nuôi cá thịt do cá nhỏ, sức đề kháng yếu, rất mẫn cảm với nguồn nước. Cá dễ bị chết do sốc nhiệt khi thời tiết thay đổi, hoặc nguồn nước không bảo đảm tiêu chuẩn. Vì thế, để cá khỏe và phát triển ổn định, anh không sử dụng nguồn nước từ bên ngoài. Toàn bộ nước nuôi được sử dụng nước giếng khoan. Trước khi bơm nước vào ao nuôi, nước giếng khoan được bơm vào một ao chuyên dùng để xử lý nước. Tùy điều kiện thời tiết mà mực nước trong ao cũng được điều chỉnh phù hợp.
Để được như ngày hôm nay, vợ chồng anh cũng đã gặp không ít khó khăn, tổn thất. Năm 2018 vợ chồng anh đã thử nghiệm dựng mái che cùng hệ thống đèn sưởi trên một sào ao để ổn định nhiệt độ nước trong ao nhưng sau một thời gian thấy không hiệu quả, đành phải phá bỏ. Có đợt anh vừa thả 500 nghìn con cá lăng thì hôm sau thời tiết thay đổi đột ngột khiến cá bị sốc nhiệt rồi chết hết, thiệt hại 200 triệu đồng. Một lần khác anh cho nhập 200 nghìn con cá rô phi về ương dưỡng được hơn 10 ngày thì phát hiện cá bị dị tật vượt quá 1% quy định. Để giữ chữ tín với khách hàng, vợ chồng anh đành vớt toàn bộ số cá trên thả phóng sinh ra sông lớn, thiệt hại 200 triệu đồng.
“Khi cá mới nhập về rất nhỏ nên không thể phát hiện cá bị dị tật hay không, chỉ khi dưỡng to hơn và người có kinh nghiệm kiểm tra kỹ mới biết. Cá bị dị tật khi thành phẩm xuất bán giá sẽ rất thấp nên không thể vì lợi nhuận của mình mà làm tổn hại đến lợi ích của khách hàng”, anh Thương chia sẻ.
Khó khăn là thế nhưng với ý chí quyết không lùi bước, vừa làm vừa học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, đến nay cơ sở của anh đã phát triển ổn định. Từ chỗ chủ yếu xuất cá giống cho các trang trại trong tỉnh thì nay cơ sở ương dưỡng cá giống của anh đã được khách hàng nhiều nơi biết đến. Hiện cơ sở xuất bán cá giống cho nhiều đại lý và trang trại nuôi cá lớn ở khắp các địa phương như: Hà Nội, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh…
Sau khi trừ chi phí mỗi năm cơ sở của anh cho thu lãi khoảng trên 900 triệu đồng, tạo việc làm cho 4 lao động với mức lương từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Cơ sở của anh đã được Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất và ương dưỡng cá giống. Hàng năm đều được kiểm tra đạt quy chuẩn và tiêu chuẩn chất lượng.
Ông Hoàng Văn Thông, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cao An cho biết đây là mô hình sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao thuộc tốp đầu của xã. Cùng với sản xuất kinh doanh, anh Thương còn tích cực hỗ trợ, chia sẻ kiến thức và kỹ thuật trong nuôi thả thủy sản cho các hộ dân trong xã, góp phần thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương ngày càng phát triển.
Anh Thương nhiều năm được công nhận là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh và là 1 trong 3 cá nhân của huyện Cẩm Giàng được đề nghị Hội Nông dân tỉnh Hải Dương tặng bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi 3 năm (2022-2024).