Bất lực hay làm ngơ trước hiện tượng Temu?
Ứng dụng sàn thương mại điện tử Temu xuất hiện, gây ‘bão’ thời gian qua một lần nữa yêu cầu tìm ra lời giải cho vấn đề quản lý thương mại điện tử.
Rất nhiều người, không riêng các tổ chức, cá nhân kinh doanh trực tuyến mà nhiều người dân đã nghe đến cái tên Temu.
Xuất hiện trên kho ứng dụng khu vực Việt Nam của iOS, Android từ cuối tháng 9/2024, liên tục trong nhiều tuần lễ, “sàn” Temu đã đại náo thị trường Việt với lượng hàng hóa phong phú, giá siêu rẻ cộng với chính sách khuyến mãi không ngờ, có khi lên đến 94% trị giá đơn hàng, cùng với đó là chính sách miễn phí vận chuyển.
Vấn đề là sàn thương mại điện tử này đã hoạt động chui để xâm nhập thị trường. Nhiều ngày sau khi "bão Temu" đổ bộ, Bộ Công thương mới giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số yêu cầu sàn này tuân thủ pháp luật.
Không riêng Temu, gần đây các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới khác như Shein, 1688 cũng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng chưa đăng ký. Các đơn vị chủ quản có biết về sự xuất hiện đó?
Tại Hải Dương, nếu năm 2023, toàn tỉnh mới có 50 cá nhân kinh doanh thương mại điện tử kê khai và nộp tổng số 2,7 tỷ đồng tiền thuế thì riêng tháng 7/2024 con số này đã là 263 cá nhân kê khai, nộp tổng số thuế 2,466 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 7/2024, trên địa bàn tỉnh có 413 cá nhân hoạt động thương mại điện tử kê khai nộp thuế, với tổng số thuế là 17,785 tỷ đồng, gấp gần 7 lần năm trước.
Tuy nhiên, kết quả thu, truy thu thuế của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử hoặc bán hàng qua mạng của Hải Dương chủ yếu thông qua quá trình kiểm tra, rà soát, tổng hợp từ các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử của ngành thuế được liên thông trong cả nước.
Các kết xuất này của Tổng cục Thuế được chuyển về Cục Thuế tỉnh, tiếp đó chuyển về các chi cục trực thuộc để thực hiện quy trình truy thu thuế. Vì vậy thường chậm 6 tháng đến 1 năm, thậm chí lâu hơn so với thời điểm hoạt động thương mại điện tử có phát sinh thuế. Thất thu thuế từ lĩnh vực này vì vậy khó tránh.
Chỉ vài chục triệu đồng xử phạt hành chính với website thương mại điện tử không đăng ký so với doanh thu có thể gấp nhiều lần như vậy, thử hỏi có đủ sức răn đe? Chưa kể có những tổ chức, cá nhân bán hàng online trên các trang mạng xã hội theo nhiều dạng như để lại bình luận trong hội, nhóm nào đó, hoặc tìm cách che giấu doanh thu.
Lúc này, sự cạnh tranh thiếu lành mạnh không chỉ giữa hình thức kinh doanh truyền thống với trực tuyến, hay giữa nội bộ khu vực trực tuyến mà còn nâng lên thành sự cạnh tranh giữa doanh nghiệp có đóng góp cho ngân sách nhà nước với doanh nghiệp có dấu hiệu trốn thuế. Chúng ta bảo vệ người làm ăn chân chính như thế nào? Kiểm tra, xử phạt nhóm còn lại ra sao?
Nhìn từ Temu, sàn này cung cấp một lượng rất lớn hàng hóa, từ đồ gia dụng, thời trang cho đến phụ kiện đủ loại. Giá cả có khi chỉ vài chục nghìn đồng. Với Temu, người tiêu dùng thay vì mua hàng hóa của một thương hiệu lớn trên thị trường thì có thể mua sản phẩm đó tại nhà sản xuất cho thương hiệu lớn với chi phí thấp hơn nhiều.
Đặc biệt, Việt Nam có chính sách miễn thuế giá trị gia tăng với hàng hóa dưới 1 triệu đồng nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử. Quy định này đã bị tận dụng triệt để nên có một lượng lớn hàng hóa giá rẻ tràn ngập thị trường nội địa.
Giải trình trước Quốc hội ngày 29/10, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Chính phủ sẽ bãi bỏ quy định về việc miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa dưới 1 triệu đồng nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử.
Có thể coi như giải quyết được một vấn đề. Song vẫn còn những vấn đề về quản lý, tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch trên môi trường trực tuyến.