Việc tử tế

Sẻ chia khốn khó, đắp bồi yêu thương

NGỌC THANH 05/11/2024 09:15

Thời gian qua, tại Hải Dương, hoạt động công tác xã hội với tinh thần sẻ chia khốn khó, đắp bồi yêu thương đã giúp nhiều người yếu thế có điều kiện vươn lên.

cong-tac-xa-hoi (3)
Các đoàn thể, cá nhân thăm hỏi, động viên, hỗ trợ tiền sửa nhà cho hộ bà Phạm Thị Inh là người khuyết tật ở phường Văn An, Chí Linh (ảnh cơ sở cung cấp)

Cơn bão số 3 vừa qua đã khiến cuộc sống của không ít người dân ở Hải Dương bị ảnh hưởng, đặc biệt là những thiệt hại về nhà cửa, cây trồng, vật nuôi. Đứng trước tình hình đó, hoạt động công tác xã hội càng được đẩy mạnh hơn nhằm hỗ trợ thiết thực cho người dân.

Đến nay, bà Phạm Thị Inh (sinh năm 1962) và mẹ già ngoài 80 tuổi ở phường Văn An (TP Chí Linh) đã không còn nỗi lo sống trong căn nhà xập xệ. Bà Inh bị câm điếc, không có khả năng lao động, sống cùng mẹ già. Cuộc sống của 2 mẹ con bà rất khó khăn, chủ yếu phụ thuộc nguồn bảo trợ xã hội của Nhà nước. Cơn bão số 3 làm ngôi nhà cấp 4 của mẹ con bà bị tốc mái hoàn toàn. Kinh tế khó khăn cộng với sức yếu nên mẹ con bà Inh gần như không có khả năng sửa lại mái nhà.

“Khi nhận được thông tin, chúng tôi đã thành lập đoàn đến tận nhà bà Inh để khảo sát, nắm bắt tình hình. Nhận thấy hoàn cảnh của mẹ con bà Inh rất khó khăn, nếu không được hỗ trợ thì không có nhà để ở. Chúng tôi đã động viên tinh thần 2 mẹ con bà, đồng thời kết nối cơ quan MTTQ địa phương hỗ trợ mẹ con bà Inh 20 triệu đồng để sửa lại nhà sớm nhất có thể”, anh Nguyễn Văn Khuyến, cán bộ lao động, thương binh và xã hội phường Văn An cho biết.

Nam Sách cũng là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề bởi cơn bão số 3. Chị Nguyễn Thị Lan Phương, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Nam Sách cho biết thời điểm xảy ra bão số 3, huyện đã có báo động tất cả phải tăng cường cho cơ sở, bất kể ngày hay đêm. Sau khi bão đi qua, cán bộ lao động, thương binh và xã hội các xã, thị trấn trong huyện đều tham gia cùng các đoàn thể đến tận nhà người dân để khảo sát thiệt hại, với tinh thần hỗ trợ người dân nhanh nhất theo quy định.

“Cán bộ lao động, thương binh và xã hội ở 19 xã, phường của huyện Nam Sách đều thực hiện tốt chính sách với người yếu thế. Vì thế, trong các hoàn cảnh, người dân đều được quan tâm, hỗ trợ kịp thời, đáp ứng nhu cầu cơ bản”, chị Phương cho biết.

hoat-dong-cong-tac-xa-hoi(1).jpg
Với vai trò hoạt động công tác xã hội kiêm nhiệm, chị Đặng Thị Nga (bên phải), Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hồng Quang (Thanh Miện) thường xuyên quan tâm đời sống, tình hình sản xuất của bà con trong xã

Bên cạnh đó, hoạt động công tác xã hội của các cá nhân, tổ chức kiêm nhiệm ở Hải Dương cũng phát huy hiệu quả tích cực. Là Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hồng Quang (Thanh Miện) nhưng chị Đặng Thị Nga luôn tích cực tham gia hoạt động công tác xã hội tại cơ sở với vai trò kiêm nhiệm. Để những người yếu thế trên địa bàn được động viên về cả tinh thần lẫn vật chất, chị Nga đã cùng hội viên phụ nữ trong xã thường xuyên rà soát hoàn cảnh của người nghèo, người khuyết tật, trẻ em mồ côi. Ngoài ra, chị cũng tích cực tham gia các hoạt động xét duyệt đối tượng bảo trợ xã hội, tham gia tổ hòa giải ở cơ sở.

Một trong những hoạt động tiêu biểu mà chị Nga và các hội viên phụ nữ đã làm là luôn đồng hành cùng trẻ mồ côi, hoàn cảnh khó khăn trong xã. Đến nay, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hồng Quang đã giới thiệu để Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Thanh Miện kết nối với các tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu 9 cháu mồ côi trong xã. Đồng thời, Hội Liên hiệp phụ nữ xã vận động xã hội hóa và trích quỹ nhận đỡ đầu 7 trẻ mồ côi, hoàn cảnh khó khăn với mức hỗ trợ mỗi cháu từ 300.000-500.000 đồng/tháng.

“Không chỉ hỗ trợ các cháu về vật chất như trên mà chúng tôi còn thường xuyên đến nắm bắt sức khỏe, tinh thần và tình hình học tập của các cháu. Qua đó kịp thời chia sẻ với các cháu khó khăn phát sinh trong cuộc sống”, chị Nga cho biết.

cong-tac-xa-hoi (2)
Phụ nữ huyện Thanh Miện tham gia công tác xã hội, giúp đỡ các gia đình trên địa bàn thu hoachj nông sản bị ảnh hưởng bởi thiên tai (ảnh cơ sở cung cấp)

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Hải Dương hiện có hơn 81.000 người đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng; 1.050 người được quản lý, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội của tỉnh; gần 8.700 hộ nghèo, 10.807 hộ cận nghèo, 373.656 người cao tuổi, 4.222 trẻ hoàn cảnh đặc biệt, 11.940 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt… Đây đều là những người cần được trợ giúp thường xuyên tại các địa phương. Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước theo quy định, những người này luôn rất cần trợ giúp xã hội do hoạt động công tác xã hội mang lại.

Để đẩy mạnh công tác xã hội, thời gian tới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp hướng dẫn xây dựng mạng lưới tổ chức cung cấp các dịch vụ công tác xã hội và mạng lưới nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội rộng khắp theo mục tiêu tỉnh đề ra để hoạt động công tác xã hội thực sự phát huy hiệu quả trong thực hiện chiến lược an sinh xã hội của tỉnh.

Kế hoạch thực hiện chương trình phát triển công tác xã hội trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2030 của UBND tỉnh đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025 tỷ lệ người khó khăn được tư vấn, hỗ trợ công tác xã hội tăng 20% so với năm 2020; bảo đảm 100% số trẻ mồ côi không nơi nương tựa, trẻ bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân chất độc hóa học, trẻ khuyết tật nặng và bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh được trợ giúp xã hội và được cung cấp dịch vụ công tác xã hội phù hợp từ nguồn lực xã hội hóa…

NGỌC THANH