Góc nhìn

Ngăn người thân bạo hành trẻ

NGUYỄN THỊ NHUNG 04/11/2024 14:00

Những vụ ngược đãi, xâm hại, bạo hành trẻ em trong gia đình ít được chủ động tố giác, trình báo cơ quan chức năng.

tre-em-nam-sach(1).jpg
Ngày Quốc tế thiếu nhi hằng năm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Dương đều có nhiều hoạt động tuyên truyền phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Ảnh: LAN ANH

Thời gian gần đây có không ít vụ bạo hành trẻ em ở Hải Dương đáng bị lên án như vụ cháu bé ở huyện Tứ Kỳ bị cha dượng bạo hành bằng roi điện hồi tháng 7; đầu tháng 8 vừa qua một bé gái tại TP Hải Dương bị chính bố đẻ bạo hành phải gọi điện lên Tổng đài Bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111) để kêu cứu. Mới trong tháng 10 vừa qua, tại Thanh Hà khi xảy ra mâu thuẫn, người chồng đánh vợ vô tình làm tổn thương con nhỏ...

Không ít thủ phạm gây ra các vụ bạo hành trẻ em ở Hải Dương chính là người thân, chỗ dựa, là mái ấm chở che, bảo vệ các em.

Theo thống kê năm 2023 của Tổng đài 111, số trẻ bị bạo lực bởi người thân trong gia đình chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số vụ bạo hành trẻ em, đến gần 70%. 9 tháng đầu năm nay, con số bạo lực trẻ em bị người thân bạo hành cũng chiếm hơn 70%.

Tại Hải Dương, trong năm 2023 và 6 tháng năm 2024, Công an tỉnh đã thụ lý điều tra 47 vụ với 62 đối tượng liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em. Cơ quan chức năng đã khởi tố 44 vụ với 52 đối tượng, xử lý hành chính 1 vụ với 8 đối tượng... Trong đó, các vụ bạo hành trẻ em ở Hải Dương ngay tại gia đình và do người thân ra tay chiếm tỷ lệ không nhỏ.

Vì sao số vụ bạo hành trẻ em do chính người thân trong gia đình lại chiếm tỷ lệ cao?

Nguyên nhân một phần xuất phát từ quan niệm "thương cho roi, cho vọt". Có nhiều cha mẹ bao biện cho hành vi bạo lực đối với con em mình. Thậm chí khi bực tức cha mẹ cũng không tiếc mắng, chửi con. Theo Luật Trẻ em, bạo hành không chỉ dừng lại ở việc đánh đập tàn nhẫn mà còn bao gồm cả việc xúc phạm danh dự, mắng nhiếc, đe dọa tinh thần của trẻ. Những hành vi này không để lại vết thương vật lý nhưng lại gây ra tổn thương tinh thần lớn.

Đáng lo ngại là tình trạng ngược đãi, xâm hại trẻ em trong gia đình lại ít được cộng đồng chủ động tố giác, trình báo cơ quan chức năng. Nhiều vụ việc để kéo dài nhiều năm, khi tình trạng ở mức báo động nghiêm trọng mới được các phương tiện thông tin đại chúng phát giác. Sự thờ ơ, vô cảm, cho rằng chuyện dạy bảo con cái là việc của mỗi gia đình hoặc tâm lý nể nang, lo sợ bị trả thù... khiến nhiều người xung quanh không dám can thiệp hoặc tố giác hành vi phạm pháp này.

Việt Nam là nước đầu tiên của châu Á và là nước thứ 2 trên thế giới tham gia phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em vào năm 1990. Chúng ta có Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được thông qua năm 1991; Luật Trẻ em thông qua năm 2016, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Phòng chống bạo lực gia đình và hàng trăm văn bản dưới luật quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, đoàn thể trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Rõ ràng không thiếu văn bản pháp luật bảo vệ quyền trẻ em. Để giúp các em tránh bị ảnh hưởng bởi những hành vi bạo lực ngay trong gia đình, ngoài nâng cao hiểu biết của cha mẹ và những người thân về pháp luật bảo vệ trẻ em thì các em cần sự bảo vệ của chính quyền và các tổ chức, đoàn thể liên quan tại địa phương.

Theo Luật Trẻ em 2016, ngay khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bị bạo hành thể xác hoặc tinh thần, chính quyền địa phương nơi trẻ em ở (không cần phải theo hộ khẩu) phải cách ly khỏi người giám hộ ngay lập tức. Trường hợp trẻ bị bạo hành không có người thân nào ngoài người giám hộ hiện tại thì chính quyền tạm thời chăm sóc, giáo dục trẻ. Nếu bé có người thân khác như cha hoặc mẹ ruột, ông bà nội ngoại có thể chăm sóc thì nên giao trẻ về cho người thân.

Bảo vệ mầm xanh tương lai của đất nước mọi lúc, mọi nơi là việc cần làm và trước hết gia đình phải là nền tảng, giúp các em tự tin phát triển, không bị "thui chột" bởi chính người thân của mình.

NGUYỄN THỊ NHUNG