Người đàn ông ở Hải Dương tình cờ phát hiện ung thư thực quản dù không có dấu hiệu
Bệnh nhân là anh V.V.N, 42 tuổi quê Hải Dương, tình cờ phát hiện bệnh ung thư dù không có biểu hiện triệu chứng rõ rệt.
Chiều 30/10, tại Hội thảo khoa học "Những tiến bộ của phẫu thuật xâm lấn tối thiểu trong điều trị ung thư thực quản" do Bệnh viện K tổ chức, PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện K đã chia sẻ về một trường hợp mắc ung thư thực quản được phẫu thuật nội soi bằng robot.
Bệnh nhân là anh V.V.N, 42 tuổi, quê Hải Dương, tình cờ phát hiện bệnh ung thư dù không có biểu hiện triệu chứng rõ rệt. Trong một lần anh N. đi khám sức khỏe định kỳ, khi thực hiện nội soi thực quản - dạ dày tầm soát, bác sĩ cho biết anh có tổn thương sớm kích thước 2cm vị trí thực quản 1/3 trên - giữa.
Kết quả giải phẫu bệnh ung thư biểu mô vảy đã được xác nhận qua sinh thiết bệnh phẩm sau đó. Bác sĩ chẩn đoán trước mổ ung thư thực quản 1/3 trên - giữa, bệnh nhân đã được hội chẩn và chỉ định phẫu thuật.
Ca phẫu thuật của anh N. được thực hiện bởi GS. Xavier Benoit D'Journo, Chủ tịch Hiệp hội Phẫu thuật Lồng ngực - Tim mạch và bệnh lý ung thư thực quản, cùng PGS.TS Phạm Văn Bình và các đồng nghiệp. Ca mổ nạo vét hạch ba vùng ở thực quản đã thành công và hiện tại sức khỏe của anh N. ổn định.
Theo PGS.TS Phạm Văn Bình, phẫu thuật điều trị ung thư thực quản là một trong những ca mổ lớn, phức tạp, đòi hỏi sự chính xác và kỹ năng phẫu tích tỉ mỉ từ phẫu thuật viên. Ông cũng chia sẻ rằng, các dấu hiệu ung thư thực quản thường rất mơ hồ trong giai đoạn đầu. Triệu chứng có thể bao gồm cảm giác nghẹn sau xương ức khi ăn thức ăn đặc, trớ thức ăn vào ban đêm, tăng tiết nước bọt mà không rõ nguyên nhân. Ngoài ra, người bệnh còn có thể bị khàn tiếng, ho kéo dài, gầy sút không rõ lý do, da sạm, khô và nếp nhăn nổi rõ ở mặt, tay.
Vì ung thư thực quản thường khó phát hiện ở giai đoạn đầu, bệnh nhân chỉ được chẩn đoán khi tình trạng đã tiến triển, gây ra những biến chứng nguy hiểm như: hẹp thực quản, sụt cân, loét gây chảy máu tiêu hóa, xâm lấn vào khí quản gây ho sặc khi nuốt, hoặc thậm chí gây phù nề ngực và đầu mặt. Phương pháp phẫu thuật nội soi bằng robot, nhờ xâm lấn tối thiểu và khả năng phẫu tích tỉ mỉ, đã giúp nâng cao hiệu quả điều trị và giảm thiểu biến chứng cho người bệnh.