Đề xuất đại học không được tăng chỉ tiêu tuyển sinh nếu hơn 30% sinh viên thất nghiệp
Các trường đại học có thể sẽ không được tăng chỉ tiêu tuyển sinh nếu có hơn 15% số sinh viên thôi học năm đầu, dưới 70% sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh giáo dục đại học và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non.
Theo đó, bộ đưa ra 2 tiêu chí các cơ sở giáo dục đại học không được tăng so với chỉ tiêu và số thực tuyển của năm trước liền kề bao gồm: tỉ lệ thôi học năm đầu cao hơn 15% và tỉ lệ người tốt nghiệp có việc làm thấp hơn 70%.
Tỷ lệ sinh viên thôi học trong năm đầu gồm cả số tự bỏ học và bị cho thôi học. Tỷ lệ sinh viên có việc làm được tính trong 12 tháng sau khi ra trường và phải phù hợp với chuyên môn được đào tạo.
Hiện, bộ không cho các trường tăng chỉ tiêu nếu tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt dưới 80%. Tỷ lệ này do các trường tự thống kê, hầu hết đạt 90-100%.
Hồi tháng 10 năm ngoái, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đang xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu giáo dục đại học (HEMIS), trong đó kết nối hồ sơ sinh viên với bảo hiểm xã hội.
Theo bộ, cách này giúp xác định chính xác công việc thực tế của sinh viên sau khi ra trường.
Dự thảo của bộ cũng đưa ra một số tiêu chí khác để xác định chỉ tiêu tuyển sinh của các trường, như tỷ lệ diện tích sàn xây dựng trên tổng số người học (tối thiểu 2,8 m2), tỷ lệ người học trên giảng viên (không lớn hơn 40). Các trường không được tuyển vượt quá 20% chỉ tiêu đã công bố.
Riêng các ngành đào tạo giáo viên, bộ quyết định chỉ tiêu dựa trên đề xuất, định hướng phát triển các trường sư phạm, số lượng đặt hàng từ địa phương, việc chi trả kinh phí hỗ trợ sinh viên...
Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến góp ý dự thảo đến ngày 22/11.