TP Hải Dương ngày giải phóng
Dù 70 năm đi qua, người dân TP Hải Dương vẫn mãi khắc ghi và tự hào khi nhớ về ngày giải phóng thành phố.
Niềm vui ngày giải phóng
Với mỗi người dân TP Hải Dương, ngày giải phóng thành phố đã khắc sâu vào tâm khảm nhất là với những người đã tham gia và chứng kiến thời khắc lịch sử ấy.
Là cán bộ tiền khởi nghĩa, cụ Lê Xuân Thọ ở khu 2, phường Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương) năm nay tròn 100 tuổi đời, gần 80 năm tuổi Đảng. Dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhiều sự kiện đã lãng quên nhưng trong tâm trí cụ Thọ, ngày 30/10/1954 mãi khắc sâu.
Cụ Thọ còn nhớ năm 1950 khi đang hoạt động cách mạng, cụ bị địch bắt và đưa ra nhà tù Côn Đảo. Sau gần 4 năm bị địch giam giữ, tháng 9/1954 cụ Thọ được trả tự do và về làm nhiệm vụ tại huyện Bình Giang. Khi nhận được thông báo chuẩn bị cùng đoàn người tiến vào thị xã Hải Dương, cụ Thọ rất bồi hồi.
Cụ kể lại, buổi sáng ngày 30/10/1954, cụ cùng đoàn người tiến về thị xã Hải Dương. Dọc đường đi, cờ đỏ sao vàng bay phấp phới. Hai bên đường, nhà nhà treo cờ Tổ quốc, người người cầm cờ Tổ quốc vẫy chào đoàn quân. “Lá cờ đỏ sao vàng tung bay khắp các con đường, góc phố của thị xã ngày hôm ấy. Đó là những giờ phút thiêng liêng, trân quý mà tôi mãi không quên”, cụ Thọ xúc động nói.
Những ngày này, ông Nguyễn Ngọc Hồ sinh năm 1933 ở phố Mạc Hiển Tích, phường Hải Tân (TP Hải Dương) thường xuyên đọc tin tức về các hoạt động chào mừng kỷ niệm 220 năm khởi lập Thành Đông (1804 - 2024), 70 năm giải phóng TP Hải Dương (30/10/1954 - 30/10/2024).
Ông Nguyễn Ngọc Hồ là một trong những chiến sĩ của Trung đoàn 42 theo quốc lộ 5 và đường 17 tiến vào tiếp quản, giải phóng thị xã Hải Dương sáng 30/10/1954. Ông Hồ bồi hồi kể lại rằng những người lính thời chiến như ông ngày đó cùng chung tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” và xác định khi tham gia kháng chiến “một là xanh cỏ hai là đỏ ngực” thì mới trở về.
"Khi nhận tin cùng đoàn quân tiến về tiếp quản thị xã, tôi bồi hồi cảm thấy không có niềm vui nào hơn thời khắc đó! Khi ấy, tôi là chiến sĩ đi trong đoàn quân giải phóng. Chúng tôi tiến vào thị xã với tâm thế hiên ngang, vai khoác súng trường cùng ba lô quân tư trang mà lòng vui rạo rực”, ông Hồ nhớ lại.
Xây dựng thành phố đáng sống
Sau ngày giải phóng, thị xã Hải Dương bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế. Với vị thế mới, thời cơ mới, thành phố được tiếp thêm sức mạnh để vững bước, vươn lên phát triển không ngừng.
TP Hải Dương đã 3 lần được nâng loại đô thị, hiện nay đã trở thành 1 trong hơn 20 đô thị loại I của cả nước. TP Hải Dương đã chuyển mình mạnh mẽ, trở thành một thành phố phát triển năng động, một đô thị có hạ tầng tương đối đồng bộ, giàu bản sắc văn hóa.
Khi mới được công nhận là thành phố vào năm 1997, giá trị sản xuất công nghiệp của TP Hải Dương chỉ đạt 200 tỷ đồng thì nay đạt trên 120.000 tỷ đồng; giá trị sản xuất nông nghiệp chỉ đạt 63 tỷ đồng, nay đạt 1.400 tỷ đồng. Những năm gần đây, thành phố có mức tăng trưởng kinh tế trên 14%, cơ cấu chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người năm 1997 là 2,9 triệu đồng/người/năm, đến nay đã đạt 80 triệu đồng/người/năm, gấp gần 28 lần.
Tỉnh Hải Dương đang phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, đạt một số tiêu chí cơ bản của thành phố trực thuộc trung ương; đến năm 2050 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó xác định, TP Hải Dương là đô thị hạt nhân, đô thị trung tâm, bảo đảm liên kết, thúc đẩy phát triển giữa các đô thị trong tỉnh với vùng thủ đô Hà Nội và vùng đồng bằng sông Hồng.
Đại hội Đảng bộ TP Hải Dương lần thứ 23 đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 TP Hải Dương cơ bản trở thành đô thị xanh, thông minh, thân thiện, an toàn.
Đồng chí Lê Đình Long, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Hải Dương cho biết TP Hải Dương luôn xác định lấy việc phục vụ con người làm mục đích cao nhất của mọi hoạt động. Việc phát triển kinh tế - xã hội của thành phố theo hướng bền vững, trong đó thành phố ưu tiên thu hút các dự án ngành công nghiệp hỗ trợ, dự án có giá trị gia tăng cao, quy mô lớn, công nghệ mới, thân thiện với môi trường.
TP Hải Dương cũng sẽ tập trung cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi. Tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị. Từng bước xây dựng chính quyền đô thị, chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số để phục vụ nhân dân, doanh nghiệp với mục tiêu lớn nhất là nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân và xây dựng TP Hải Dương là một thành phố đáng sống.
Theo lịch sử Đảng bộ TP Hải Dương, ngày 27/10, Ủy ban Quân chính do đồng chí Nguyễn Như Thiết phụ trách đã tiến vào thị xã để nhận bàn giao của địch. Ngày 28/10, Đội Dân cảnh tiến vào thị xã trước. Chiều 29/10, hai bên đã ký kết xong biên bản bàn giao.
5 giờ sáng 30/10/1954, Trung đoàn 42 và một tiểu đoàn của tỉnh theo quốc lộ 5 và đường 17 tiến vào tiếp quản thị xã Hải Dương. 6 giờ 30 cùng ngày, quân ta theo đường 17 tiến vào nhận bàn giao tại các trạm gác và công sở. Chiều cùng ngày, bộ đội ta mang quân phục, súng ống nghiêm trang tiến về vườn hoa Bảo Đại (nay là Quảng trường Độc Lập) mít tinh chào mừng thị xã Hải Dương hoàn toàn giải phóng.