Tin tức

Cho con nuôi mượn 'sổ đỏ' thế chấp ngân hàng, bố mẹ nuôi sắp mất nhà

SONG TƯỜNG 01/11/2024 14:00

Một cặp vợ chồng ở TP Hải Dương đang đứng trước nguy cơ mất nhà vì cho con nuôi mượn 'sổ đỏ' thế chấp ngân hàng.

cho-muon-so-do-cam-ngan-hang.jpg
Căn nhà của vợ chồng ông C.H.H. ở phố Nguyễn Thiện Thuật (TP Hải Dương) đang là tài sản thế chấp tại ngân hàng

Niềm tin đặt sai chỗ

Báo Hải Dương nhận được đơn phản ánh của ông C.H.H., sinh năm 1953, ở ngõ 14 Đội Cấn (TP Hải Dương). Theo đơn, ông H. cho vợ chồng con nuôi là anh N.V.T., sinh năm 1969 ở xã Cổ Dũng (Kim Thành) mượn giấy tờ nhà làm tài sản thế chấp cho khoản vay ở Ngân hàng Công thương (VietinBank) chi nhánh khu công nghiệp Hải Dương. Do anh T. không có tiền trả, ngân hàng đã khởi kiện để xử lý tài sản thế chấp, thu hồi nợ.

Qua tìm hiểu của phóng viên, ông C.H.H. và bố đẻ của chị Đ.T.T., sinh năm 1978, ở xã Cổ Dũng (Kim Thành), vợ của anh N.V.T., trước đây công tác cùng đơn vị bộ đội. Hàng chục năm về trước, ông H. đã nhận chị T. là con nuôi.

Khoảng cuối tháng 7/2018, do cần tiền kinh doanh nên anh N.V.T. hỏi và được ông C.H.H. cho vay bằng tiền mặt. Tháng 9/2018, anh T. lại tiếp tục ngỏ ý vay tiền ông H.

“Lúc ấy T. nói rằng công việc kinh doanh thuận lợi nhưng thiếu vốn để mở rộng quy mô. Hơn nữa, T. cũng nói đang hợp tác triển khai một dự án khu dân cư mới ở Thanh Hà. Vì coi là con cái trong nhà, lại tin vào tiềm năng kinh doanh của T. nên tôi đã cho mượn sổ đỏ của căn nhà ở phố Nguyễn Thiện Thuật, TP Hải Dương để làm thủ tục vay ngân hàng. Ngoài sổ đỏ này, đến tháng 8/2019, tôi đã cho T. vay tổng cộng gần 1,5 tỷ đồng tiền mặt”, ông H. nói.

Vì tin tưởng, ông H. đã cho anh T. vay tiền cũng như cho mượn sổ đỏ mà không có bất kỳ giấy tờ, văn bản nào.

muon-so-do-cam-ngan-hang.jpg
Khi cho mượn sổ đỏ, ông C.H.H. không hề yêu cầu anh N.V.T. viết giấy tờ. Đến khi VietinBank thông báo, ông H. mới yêu cầu anh T. phải viết giấy như một biện pháp cứu vãn tình thế

Khoảng nửa cuối năm 2019, VietinBank khu công nghiệp đã mời ông H. lên làm việc để thông tin về các khoản vay của anh N.V.T. bị chuyển sang nhóm nợ xấu, ngân hàng buộc phải thu hồi tài sản bảo đảm để xử lý nợ. “Khi đó, ngân hàng nói căn nhà mà vợ chồng tôi cho anh T. mượn sổ để thế chấp nhằm bảo đảm cho khoản vay gốc 900 triệu đồng, chưa kể tiền lãi, phí phát sinh”, ông H. nói.

Kẽ hở

loi-khai-toa-an.jpg
Một phần lời khai cung cấp cho Tòa án Nhân dân huyện Kim Thành của anh Đ.V.S.

Sau thời hạn mà VietinBank khu công nghiệp đưa ra, anh T. vẫn không trả nợ, không bàn giao tài sản của anh này cho ngân hàng để xử lý nợ xấu. Ông H. và một người khác cho anh T. mượn 'sổ đỏ' cũng không thực hiện xử lý tài sản.

Giữa năm 2020, VietinBank, đại diện theo ủy quyền là lãnh đạo chi nhánh khu công nghiệp Hải Dương đã khởi kiện anh N.V.T. ra Tòa án Nhân dân huyện Kim Thành vì vi phạm nghĩa vụ trả nợ ngân hàng với dư nợ gốc gần 2,5 tỷ đồng, nợ lãi trong hạn và quá hạn khi đó cộng dồn hơn 360 triệu đồng.

Vụ kiện khi đó được tòa án xác định là vụ án dân sự, về tranh chấp hợp đồng tín dụng và xử lý tài sản thế chấp. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án cho thấy nhiều kẽ hở trong quá trình thẩm định hồ sơ, giải ngân.

Theo biên bản lấy lời khai của Tòa án Nhân dân huyện Kim Thành, anh Đ.V.S. (sinh năm 1983) là em vợ của anh N.V.T. Anh S. ở cùng gia đình tại xã Tuấn Việt (Kim Thành), làm một số công việc như thợ làm trần thạch cao, nhân viên thị trường cho một hãng bia.

Giữa năm 2018, anh S. nhiều lần giúp anh N.V.T. và chị Đ.T.T. ở cửa hàng bia của cặp vợ chồng này. Theo lời khai của anh S., khi đó anh N.V.T. nói có người ở VietinBank khu công nghiệp phòng giao dịch Kim Thành chào mời hợp tác. Người này sẽ làm hồ sơ cho anh T. vay tiền để kinh doanh bia.

“Anh T. nhờ tôi đứng tên làm giấy đăng ký kinh doanh bia, mở tài khoản của tôi tại ngân hàng. Tôi đã làm theo lời nhờ của anh T.”, anh S khai với tòa.

Tại một văn bản của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Kim Thành tháng 9/2022, anh T. cũng trình bày rằng nhân viên của VietinBank khu công nghiệp phòng giao dịch Kim Thành đã thẩm định và lập phương án, hoàn tất toàn bộ thủ tục.

Thiết kế chưa có tên-10
Không hóa đơn, chỉ với biên bản giao nhận hàng hóa giữa anh N.V.T. với Đ.V.S. (người thực tế không có hàng bán), song vẫn có thể vay tiền từ ngân hàng

“Tôi đã giới thiệu anh Đ.V.S. là em vợ. Sau đó, ngân hàng hướng dẫn anh S. rồi thông báo rằng tôi được giải ngân, báo tôi cùng anh S. đến ngân hàng để ký một số giấy tờ”, anh T. trình bày tại văn bản trên.

Theo một số tài liệu do Tòa án Nhân dân huyện Kim Thành thu thập thể hiện anh Đ.V.S. không kinh doanh mặt hàng bia, nước giải khát, thực tế cũng không có hàng hóa để bán. Song tại biên bản giao nhận hàng hóa kiêm phiếu nhập kho các ngày 20, 22, 27/12/2018 và 4, 7/1/2019, anh S. đã ký vào phần người giao hàng.

Tổng số tiền hàng mà anh S. đã “bán” là 2 tỷ 631 triệu đồng. Những biên bản giao nhận này là cơ sở để VietinBank khu công nghiệp cho anh T. vay 2,5 tỷ đồng, đã giải ngân vào các ngày 25, 26, 27/12/2018 và 7, 8/1/2019.

Theo xác minh của phóng viên, thời điểm nói trên, anh Đ.V.S. không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thực tế cũng không kinh doanh và không có hàng để bán, song hai anh N.V.T. và Đ.V.S. vẫn ký vào các biên bản giao nhận hàng hóa với tư cách bên mua và bên bán.

muon-so-do-the-chap-ngan-hang.jpg
Địa điểm này (đội 7, thôn Đông, xã Cổ Dũng, Kim Thành) từng là nơi kinh doanh bia, rượu của anh N.V.T. Cách đó vài chục mét là nhà riêng của anh T., hàng xóm cho biết vợ chồng anh này đã đi khỏi đây từ gần 5 năm nay

Từ những chứng cứ và phân tích vừa nêu, có thể thấy cái gọi là "giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh" mà Đ.V.S. nêu nhiều khả năng do N.V.T. "tự xử lý" nhằm hợp pháp hóa thủ tục rút tiền vay từ VietinBank.

Nhận thấy vụ án có dấu hiệu làm giả hồ sơ, giấy tờ để rút tiền vay từ ngân hàng, sử dụng không đúng mục đích vay theo hợp đồng tín dụng, Tòa án Nhân dân huyện Kim Thành đã nhiều lần chuyển hồ sơ vụ án dân sự đến Công an huyện Kim Thành để xem xét xử lý dấu hiệu tội phạm hình sự. Do vậy, vụ án bị kéo dài.

Vợ chồng anh N.V.T. và Đ.T.T. hiện không ở Kim Thành. Chúng tôi đã liên hệ qua số điện thoại do ông C.H.H. cung cấp, song bất thành. Tìm tới nhà riêng vợ chồng anh N.V.T ở thôn Đông, xã Cổ Dũng (Kim Thành), hàng xóm cho biết vợ chồng anh này đã đi khỏi đây từ gần 5 năm nay.

Bản án 'biết trước' và câu hỏi còn bỏ ngỏ

Lúc này, câu chuyện trên được chia thành 2 vấn đề: phát mại tài sản đã thế chấp và dấu hiệu tội phạm hình sự trong quy trình vay vốn ngân hàng.

Thực tế anh N.V.T. đã vay tiền của VietinBank, vì vậy hình thành nghĩa vụ phải trả nợ cho ngân hàng này. Ông C.H.H. đã tự nguyện đồng ý ký vào hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất để bảo đảm toàn bộ nghĩa vụ trả nợ đầy đủ và đúng hạn của anh N.V.T. với VietinBank. Hợp đồng này đã được công chứng và thực hiện các thủ tục pháp luật liên quan.

Ngày 26/9/2024, sau hơn 4 năm kể từ ngày VietinBank khởi kiện, Tòa án Nhân dân huyện Kim Thành đã xét xử bản án tranh chấp hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp tài sản. Quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của VietinBank, buộc anh N.V.T. phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ với dư nợ gốc gần 2,5 tỷ đồng, chưa kể tiền lãi.

toa-an-huyen-kim-thanh.jpg
Một phần quyết định của Tòa án Nhân dân huyện Kim Thành xét xử ngày 26/9/2024

Quyết định nêu thêm, nếu anh N.V.T. không thực hiện nghĩa vụ trả nợ hoặc không thanh toán xong nợ, VietinBank được quyền đề nghị cơ quan thi hành án dân sự phát mại các tài sản thế chấp, trong đó có căn nhà tại phố Nguyễn Thiện Thuật (TP Hải Dương) của ông C.H.H.

Với dấu hiệu tội phạm hình sự trong quá trình lập hồ sơ, giải ngân giữa cá nhân N.V.T., Đ.V.S. với nhân viên VietinBank khu công nghiệp phòng giao dịch Kim Thành phải tách thành một vấn đề hoặc vụ án khác.

SONG TƯỜNG