Nghị quyết dẫn đường, nhân dân thụ hưởng - Bài 1: Không để ai ở lại phía sau
'Dân thụ hưởng' là nội dung quan trọng được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh thành phương châm 'dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng'. Chủ trương lớn này đã đi vào cuộc sống thế nào? Từ số báo này, Báo Hải Dương khởi đăng loạt bài Nghị quyết dẫn đường, nhân dân thụ hưởng đề cập nội dung trên.
Nhiệm kỳ 2020-2025 là nhiệm kỳ tỉnh Hải Dương ban hành nhiều chính sách nhất nhằm chăm lo đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Chăm lo cho nhân dân
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, để hiện thực hoá mục tiêu “dân thụ hưởng” trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tỉnh uỷ Hải Dương đã ban hành Chương trình số 20-CTr/TU ngày 19/8/2021 về bảo đảm an sinh xã hội tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2025 để tập trung nguồn lực thực hiện.
Thực hiện chủ trương trên, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể chính trị-xã hội đã tích cực vào cuộc, tham mưu, đề xuất và ban hành nhiều chính sách an sinh xã hội. Theo Sở Lao động và Thương binh xã hội tỉnh, chỉ tính riêng trong năm 2024, Hải Dương dành tới hơn 2.000 tỷ đồng thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh Hải Dương đã ban hành đến 20 nghị quyết về chính sách an sinh xã hội. Trong đó, có những chính sách riêng của Hải Dương đã đi vào cuộc sống, mang lại niềm vui cho các đối tượng thụ hưởng.
Theo các nghị quyết của HĐND tỉnh được ban hành vào cuối năm 2023, trong 2 năm 2024 và 2025, tất cả cán bộ, giáo viên là viên chức ở các trường mầm non trong tỉnh (hơn 9.000 người) được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng; hơn 2.700 giáo viên là viên chức có thu nhập chưa cao sẽ được hỗ trợ mỗi người 700.000 đồng/tháng. Tổng ngân sách của tỉnh để thực hiện chủ trương trên lên đến hơn 260 tỷ đồng.
Một mình nuôi 2 con nhỏ, số tiền hỗ trợ của tỉnh đã giúp cô giáo Đinh Thị Ngọc Bích ở thôn Vé, xã Đồng Tâm (Ninh Giang) vơi bớt khó khăn. “Tôi và các đồng nghiệp rất phấn khởi khi tỉnh có chính sách hỗ trợ giáo viên. Cùng với có thêm khoản thu nhập, việc được tỉnh hỗ trợ cũng khích lệ tinh thần để chúng tôi có thêm động lực gắn bó với công việc của mình”, cô giáo Bích chia sẻ.
Cùng với hỗ trợ trực tiếp đội ngũ giáo viên vốn có thu nhập thấp, với mục tiêu chăm lo đời sống nhân dân tốt hơn, Hải Dương đặc biệt chú trọng đầu tư hoàn thiện, nâng cấp cơ sở vật chất cho ngành giáo dục, y tế với tổng mức đầu tư lớn nhất từ trước đến nay.
Chỉ riêng trong năm 2023, Hải Dương đã thực hiện đầu tư xây dựng 361 phòng học kiên cố, đạt chuẩn thay thế phòng học tạm và bổ sung phòng học thiếu do tăng học sinh với tổng mức đầu tư hơn 300 tỷ đồng. Trong năm đó, Hải Dương cũng đã quyết định đầu tư xây dựng, cải tạo 12 trường THPT với tổng kinh phí hơn 309 tỷ đồng.
Gần đây nhất, ngày 18/10/2024, Kỳ họp thứ 26, HĐND tỉnh đã quyết định đầu tư xây dựng 10 trạm y tế cấp xã với tổng vốn đầu tư 120 tỷ đồng. Việc đầu tư sẽ tăng cường cơ sở vật chất cho các trạm y tế, phù hợp tiêu chuẩn quốc gia về y tế xã và nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân từ cơ sở.
Tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư, xây dựng, cải tạo nhiều bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế tuyến huyện, nhiều trạm y tế cấp xã, trường học với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.
Cùng với có thêm khoản thu nhập, việc được tỉnh hỗ trợ cũng khích lệ tinh thần để chúng tôi có thêm động lực gắn bó với công việc của mình
Quan tâm người yếu thế
Những người yếu thế được tỉnh Hải Dương quan tâm đặc biệt với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau, nổi bật, thiết thực và ý nghĩa là tỉnh đã có những chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế cho những người yếu thế.
Theo các nghị quyết của HĐND tỉnh, từ ngày 1/8/2023, gần 28.000 người từ đủ 65 tuổi đến dưới 80 tuổi ở Hải Dương đã được hỗ trợ 70% mức đóng bảo hiểm y tế. Từ ngày 1/1/2024, người cao tuổi từ đủ 77 tuổi đến dưới 80 tuổi ở Hải Dương đã được hỗ trợ thêm 30% (ngoài 70% mức đóng đã được hỗ trợ). Hiện trên 50.000 người thuộc hộ nghèo, trên 80.000 người thuộc hộ cận nghèo trong tỉnh đã được hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế. Trên 100.000 người thuộc hộ làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình đã được hỗ trợ 50% mức đóng bảo hiểm y tế.
Nhiều địa phương trong tỉnh như: Tứ Kỳ, Kim Thành, Bình Giang, Cẩm Giàng, thị xã Kinh Môn... đã triển khai bổ sung chính sách hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế từ ngân sách địa phương cho một số nhóm người.
Hằng năm, Bảo hiểm Xã hội tỉnh cùng MTTQ, đoàn thể chính trị-xã hội ở Hải Dương thường xuyên trao tặng thẻ bảo hiểm để giúp những người hoàn cảnh khó khăn có thêm “tấm khiên” bảo vệ sức khỏe.
Tính đến ngày 1/7/2024, toàn tỉnh có gần 1,8 triệu người (chưa bao gồm lực lượng vũ trang) tham gia bảo hiểm y tế, đạt 98,1% kế hoạch, đạt tỷ lệ bao phủ 92,8% số dân.
Ở Hải Dương, những hoàn cảnh khó khăn về nhà ở cũng được hỗ trợ kịp thời. Từ năm 2021 đến nay, Ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo” các cấp, các hội, đoàn thể trong tỉnh đã phối hợp với các địa phương hỗ trợ xây dựng và sửa chữa trên 500 ngôi nhà “đại đoàn kết” cho hộ nghèo với tổng số tiền hỗ trợ trên hàng chục tỷ đồng.
Ngay sau bão số 3 (Yagi), Hải Dương đã khẩn trương thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống với phương châm “không để ai thiếu nhà, không có nhà ở sau bão”.
Từ ngày 1/8/2024, tỉnh đã tăng mức trợ cấp xã hội hằng tháng lên 550.000 đồng/tháng (cao hơn 50.000 đồng so với quy định của Chính phủ).
Sống trong căn nhà khang trang được hỗ trợ xây dựng, bà Nguyễn Thị Tâm, sinh năm 1949, ở thôn An Điền Giáp, xã Cộng Hòa (Nam Sách), một người già neo đơn tâm sự: “Vừa được hỗ trợ nhà ở, vừa được chăm lo hỗ trợ hàng tháng nên tôi yên tâm lắm. Nếu không được Nhà nước hỗ trợ thì tôi cũng chẳng biết trông cậy vào đâu”.
Nhằm tiếp tục quan tâm, hỗ trợ đối tượng yếu thế, tỉnh Hải Dương đang nghiên cứu chính sách hỗ trợ thu nhập hằng tháng cho tất cả hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo trên địa bàn tỉnh; đồng thời hỗ trợ thêm bảo hiểm y tế sau khi các hộ thoát nghèo, giúp họ ổn định cuộc sống, không tái nghèo, đạt mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.
Với quyết tâm cao và bằng những giải pháp cụ thể của cả hệ thống chính trị, công tác bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống người người ở Hải Dương đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 2,15% năm 2021 xuống còn 1,34% vào năm 2023 và phấn đấu đạt chỉ tiêu chỉ còn 0,43% vào cuối nhiệm kỳ này.
Phát huy những kết quả đạt được, Hải Dương đã xác định bảo đảm an sinh xã hội là một trụ cột phát triển trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Tổng Cục Thống kê, năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Hải Dương đạt 5,33 triệu đồng/người/tháng, tăng 8,2% so với năm 2022. Hải Dương đứng thứ 10 cả nước và thứ 5 trong số 11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng.
Mức chênh lệch giữa nhóm có thu nhập cao nhất và thấp nhất của tỉnh Hải Dương là 5,1 lần, thấp hơn khá nhiều so với bình quân cả nước (7,5 lần), vùng đồng bằng sông Hồng (5,9 lần).
Kỳ sau - Bài 2: Việc khó có dân cùng lo