Mất việc vì AI
13 năm làm thiết kế đồ họa, chưa bao giờ Vy Quân thấy nguy cơ thất nghiệp rõ ràng như năm qua khi 90% khách hàng dừng hợp tác, chuyển sang dùng AI.
Thu nhập thường xuyên của Vy Quân đến từ hai nơi, một ở công ty thiết kế game, một là cộng tác với các nhà xuất bản. Mỗi sản phẩm của cô được trả từ 250.000 đến 1,5 triệu đồng, tùy độ phức tạp. Với các nhà xuất bản nước ngoài, họ đề xuất mức giá cố định 45 USD.
Nhưng số đơn đặt tranh của Quân giảm liên tục trong năm qua, từ 10 xuống 6, cuối cùng là một đến hai bức mỗi tháng. Khách hàng đã chuyển sang dùng tranh AI. "Cảm giác bát cơm của mình đang bị kẻ khác cướp mất", người phụ nữ 36 tuổi nói.
Cô xin cộng tác thêm ở nhiều nơi nhưng đều bị từ chối với lý do chưa có nhu cầu hoặc không đủ kinh phí. Một chỗ nói thẳng họ đang dùng AI (trí tuệ nhân tạo) dù biết sản phẩm của nó chưa tốt như của họa sĩ nhưng cho ra kết quả nhanh, có nhiều gợi ý ý tưởng và quan trọng là rất tiết kiệm chi phí.
Công ty game của Quân cũng bắt đầu đăng tuyển họa sĩ biết sử dụng AI khiến mối lo lắng của cô càng rõ ràng. Lãnh đạo khuyến khích sử dụng công nghệ để tăng tiến độ dự án.
Nói chuyện với những người cùng nghề, cô nhận ra mình không phải trường hợp duy nhất. "Rất nhiều người làm thiết kế đồ họa đã mất việc hoặc được công ty giữ lại làm cầm chừng, chủ yếu để bổ sung ý tưởng và hoàn thiện tranh AI", cô nói.
Ka Nguyễn, 35 tuổi, chia sẻ "cú sốc lớn chưa từng thấy" khi chứng kiến AI xử lý toàn bộ phần lồng tiếng cho một TVC (video quảng cáo) dài 30-45 giây với chi phí 10.000 đồng. Thông thường, một voice talent (người có giọng nói tốt, chuyên thu âm, lồng tiếng) như anh được trả 3-4 triệu đồng cho TVC tương tự.
"Họ nói không có lý do để tiếp tục thuê tôi", Ka nói. 6 tháng qua là giai đoạn khó khăn nhất của một voice talent có 10 năm kinh nghiệm này.
Hồi giữa tháng 3, Ka tình cờ nghe giọng mình trong một podcast lạ hoắc. Anh ngạc nhiên, lục lại các hợp đồng mình từng cộng tác, nhận ra một đơn vị đã sử dụng giọng anh để thực hiện podcast bằng AI. Đồng nghĩa, họ chỉ thuê anh một lần để làm mẫu cho AI và không đặt hàng trong những lần tiếp theo.
Đầu tháng 4, công ty mà Ka hợp tác hơn 5 năm thông báo "không còn đủ kinh phí thuê voice talent", buộc anh phải nghỉ. Sau đó, anh nhận ra họ nói khéo để đuổi việc, chuyển sang dùng AI. Nếu thuê nhân công, công ty phải tốn 100.000 đồng cho một đoạn voice nhỏ nhưng AI xử lý hàng trăm trang A4 với chi phí chưa tới 20.000 đồng.
"Giọng người thật mượt, có ngữ điệu nhấn nhá nhưng giữa cái chất lượng và cái tạm được kèm chi phí rẻ, họ sẽ phải chọn AI", Ka nói. Thu nhập của Ka đã giảm hơn 60%. "Sốc, hụt hẫng và thất vọng", anh nói về tình trạng hiện nay của mình.
Khó khăn của Ka Nguyễn và Quân đã được dự báo trong báo cáo của Viện nghiên cứu McKinsey Global Institute (Mỹ) với ít nhất 14% nhân sự trên toàn cầu sẽ thay đổi nghề nghiệp do những tiến bộ về công nghệ, robot và AI.
Dữ liệu mới công bố của công ty kiểm toán tư vấn PricewaterhouseCoopers (PwC) trong cuộc khảo sát dành cho CEO khu vực châu Á Thái Bình Dương cho thấy 26% nói sẽ cắt giảm nhân sự do có AI thay thế.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tại Diễn đàn kinh tế thế giới hồi đầu 2024 rằng hơn 40% lao động toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng bởi AI vào năm 2030.
Ông Đặng Hải Lộc, người sáng lập nền tảng phát triển trợ lý ảo Mindmaid, cho biết nhu cầu doanh nghiệp sử dụng AI đã tăng 300% trong năm qua. Trong đó, AI đang phát triển nhanh chóng theo ba hướng, gồm mức độ thông minh, lĩnh vực ngày càng mở rộng và chi phí sử dụng rẻ. Ví dụ như API OpenAI (ChatGPT) giảm khoảng 90% và chỉ riêng trong 2024 đã giảm trung bình 60%.
Ông đánh giá AI đang tác động đến lao động Việt Nam trực tiếp qua một số công việc dễ bị thay thế như nhân viên chăm sóc khách hàng, đồ họa, người mẫu chụp ảnh sản phẩm, nhân viên content marketing.
Chuyên gia cho rằng giá trị ứng dụng cuối cùng của AI là tự động hóa nên hoạt động nào trong doanh nghiệp có tính chất lặp lại cũng sẽ dần được thay thế. Mất việc hoặc sống chật vật hơn vì bị AI cạnh tranh là tất yếu. Người lao động chỉ có một lối thoát duy nhất là liên tục mở rộng "không gian sinh tồn" của mình.
"AI sẽ ngày càng mạnh hơn và cuộc rượt đuổi đối với mỗi người lao động có thể không bao giờ dừng lại", ông Lộc nói.
Bảo Vy, 38 tuổi, cảm thấy mình hụt hơi trong cuộc chiến này. Cô gái ở Bình Thuận từng sống khỏe với nghề freelancer vẽ tranh minh họa, thu nhập hơn 10 triệu mỗi tháng.
Từ đầu năm 2024, vài tuần cô mới nhận được một đơn đặt hàng. Riêng tháng 10, cô không nhận được "job" nào. Vy buộc phải thắt lưng buộc bụng chi phí sống ở mức cơ bản, còn lại dồn sức vào quán cà phê đang kinh doanh ở huyện Hàm Thuận Bắc.
Vy nói, các khách hàng trước đây thừa nhận tranh do AI vẽ "có nhiều nét bị đơ, thiếu cảm xúc, dễ sai lệch" nhưng ưu điểm nhanh và rẻ đã chiến thắng.
Ông Bùi Đoàn Chung, người sáng lập cộng đồng Nghề nhân sự Việt Nam, nói thực trạng này là xu hướng đã được báo trước cũng như thời cơ chín muồi về hạ tầng, phần cứng lẫn phần mềm (chip bán dẫn, băng thông internet, bộ vi xử lý). Do đó, việc AI bùng nổ không phải là điều bất ngờ.
Báo cáo Học tập tại nơi làm việc 2024 của LinkedIn toàn cầu cho thấy AI đang thay đổi cách lao động làm việc và lên kế hoạch cho sự nghiệp. Chuyên gia cho rằng các tổ chức cần phải có hành động lập tức trong việc đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp và năng lực nhân viên. "Tổ chức có năng lực học tập nhanh hơn, hiệu quả hơn sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn đối thủ", ông Chung nói.
Ngược lại, những lao động đang bị thay thế và dần bị thay thế buộc phải học tập nhanh và liên tục. Các kỹ năng liên quan đến lập trình AI, học máy, phân tích dữ liệu và tương tác với các công cụ tự động hóa sẽ trở nên thiết yếu.
Đồng thời, những kỹ năng như lãnh đạo, quản lý cảm xúc, tư duy sáng tạo và khả năng tương tác giữa người với người sẽ không thể thay thế bởi AI. Phát triển kỹ năng mềm sẽ giúp tạo ra giá trị trong môi trường công việc được hỗ trợ bởi công nghệ. Theo LinkedIn, có tới 90% những người làm L&D (Learning & Development - Học tập và Phát triển) thừa nhận kỹ năng quản lý con người (human skills) là sống còn.
Vy Quân vẫn thấy mình may mắn bởi còn công việc thiết kế game trong khi bạn cô cùng ngành đã thất nghiệp hai năm. Họ buộc phải chuyển sang làm giúp việc theo giờ và từ bỏ lĩnh vực đã gắn bó 10 năm.
"Tôi đang học đầu tư tài chính bởi trong tương lai cũng không biết mình sẽ mất việc lúc nào", cô nói.