Cho vay 1 triệu, thu lãi 20.000 đồng/ngày có phải là cho vay nặng lãi?
Hỏi: Tôi cần tiền nên đi vay lãi ngoài, người ta cho vay lãi ngày cứ 1 triệu đồng thì phải trả 20.000 đồng/ngày. Lấy lãi như thế có phải là cho vay nặng lãi không?
MINH HẰNG (Kinh Môn)
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 1, điều 2 nghị quyết số 01/2021/NQ-HĐTP của hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về một số từ ngữ thì "cho vay lãi nặng" là trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 5 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1, điều 468 của Bộ luật Dân sự. Trường hợp cho vay bằng tài sản khác (không phải là tiền) thì khi giải quyết phải quy đổi giá trị tài sản đó thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản vay.
Hiện nay, lãi suất cao nhất mà các bên có thể thỏa thuận nêu tại khoản 1, điều 468 Bộ luật Dân sự là 20%/năm.
Do đó được xem là cho vay lãi nặng nếu các bên thỏa thuận mức lãi suất cao hơn 0,27%/ngày. Như vậy, người nào cho vay lãi ngày vượt quá 0,27%/ngày thì bị xem là cho vay lãi nặng.
Áp dụng đối với trường hợp bạn hỏi cho vay với lãi suất ngày là 20.000 đồng/triệu đồng/ngày sẽ tương đương với mức lãi suất là 2%/ngày - gấp 8 lần lãi suất cao nhất được phép cho vay theo ngày theo quy định. Đây là hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Hành vi cho vay ngày với lãi suất vượt quá 0,27%/ngày thì bị xem là cho vay lãi nặng. Tùy vào từng trường hợp, mức độ vi phạm mà người cho vay lãi nặng có thể bị xử phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể về xử phạt hành chính: Có thể bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng theo điểm đ, khoản 4 điều 12 nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ với các hành vi: "Không đăng ký ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự mà cho vay tiền có cầm cố tài sản hoặc không cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỉ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự".
* Về trách nhiệm hình sự: Người cho vay nặng lãi có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự" theo điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì có thể bị xử phạt vi phạm lên đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù đến 3 năm.