Nông nghiệp - Nông thôn

Xập xệ trạm bơm ở Gia Lộc

THANH HÀ 29/10/2024 15:00

Xây dựng từ lâu, sửa chữa không đồng bộ, nhiều trạm bơm ở Gia Lộc, tỉnh Hải Dương bị xuống cấp, ảnh hưởng việc tưới tiêu nước.

may - bom 3
Trạm bơm thôn Chuối, xã Lê Lợi chật hẹp, xuống cấp

37 trạm bơm bị xuống cấp

Trạm bơm thôn Chuối ở xã Lê Lợi đã xuống cấp nghiêm trọng. Ông Phạm Gia Vụ, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Lê Lợi cho biết trạm xây dựng cách đây 40 năm, phục vụ tưới 28 ha đất nông nghiệp của thôn. Trạm bơm này xây dựng từ lâu, nhà chứa máy bơm chỉ hơn chục m2, tường cũ kỹ, nhiều chỗ bong tróc; mái fibro xi măng có chỗ đã vỡ, thanh tre đỡ mái có thể gãy bất kỳ lúc nào.

Do thường xuyên bị dột khi trời mưa nên người vận hành máy bơm phải lấy tấm gỗ che bộ phận chính của máy. Thân máy lâu ngày chưa được thay nên đã hoen gỉ. Dây điện trong trạm bơm chằng chịt, nguy cơ mất an toàn cao, nhất là khi trời mưa.

Ông Đoàn Duy Bất, người trông trạm bơm thôn Chuối chia sẻ: “Do không có nhà trông coi riêng nên mỗi khi vận hành máy bơm, tôi phải ngồi bên ngoài trông, còn ngồi bên trong thì rất ồn, không chịu được".

may - bom 4
Người trông trạm bơm thôn Chuối phải dùng tấm gỗ che máy để tránh nước mưa rơi vào

Trạm bơm thôn Lương Nham (xã Yết Kiêu) cũng không khá hơn là mấy. Theo ông Đoàn Văn Thoại, người trông trạm bơm Lương Nham, bão số 3 đã làm sập mái ngói của trạm nên phải thay ngói mới. Máy bơm từ lâu và thường xuyên bị hỏng hóc, phải sửa chữa. “Hỏng gì thì thay đó, không đồng bộ nên thay được cái nọ thì lại hỏng cái kia. Máy móc không ra gì nên việc vận hành cũng rất vất vả. Trước ngày bơm nước, chúng tôi đều phải kiểm tra lại máy móc”, ông Thoại đánh giá.

Khi chúng tôi đến, cánh cửa của trạm mối mọt, bên trong tuềnh toàng, ngoài máy bơm ra thì không có gì.

Huyện Gia Lộc có 51 trạm bơm do UBND huyện quản lý, làm nhiệm vụ tiếp nhận nước từ hệ thống kênh trục, trạm bơm chính, dẫn nước tưới đến mặt ruộng và dẫn nước tiêu thoát từ mặt ruộng ra kênh. 37 trạm bơm đã xuống cấp, cần xây mới, sửa chữa. Các trạm bơm hầu hết được xây dựng từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước, cá biệt có những trạm bơm được xây dựng từ những năm 1960, 1970.

Qua thời gian khai thác, vận hành, hầu hết các trạm bơm đều đã xuống cấp, nhà trạm bơm nhỏ, mái bị thấm dột, máy bơm đã cũ, hỏng, hiệu suất kém. Hệ thống cấp điện xuống cấp gây mất an toàn trong quá trình vận hành. Kênh dẫn, bể hút, bể xả của trạm bơm bị xô, tụt, bồi lắng, không đáp ứng được nhiệm vụ. Đa số các trạm bơm không có nhà quản lý.

Thời gian qua, việc sửa chữa chỉ được thực hiện ở quy mô nhỏ như sửa chữa máy bơm bị hỏng, thay thế phụ tùng máy bơm, hàn vá vòi chõ bị bục rách... Các hoạt động chỉ mang tính chất tạm thời nhằm duy trì hoạt động của trạm bơm.

Chật vật khi vào vụ

tram - bom 9
Máy bơm của trạm bơm thôn Lương Nham (xã Yết Kiêu) hoen gỉ, cũ kỹ

Trạm bơm xuống cấp khiến người vận hành trạm bơm chật vật khi mùa vụ đến. Theo ông Đoàn Văn Tam, Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Yết Kiêu, có lần trạm bơm thôn Lương Nham bị hỏng, trong khi việc sửa chữa gặp khó khăn do thiết bị không đồng bộ phải chờ mang từ nơi khác về. Để có nước cho sản xuất, hợp tác xã đã phải mượn máy dã chiến của người dân để bơm nước. “Mỗi lần máy hỏng, chúng tôi thấy bất tiện và lo lắng. Nếu cứ để tình trạng này xảy ra sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của bà con”, ông Tam nói.

Cùng từng phải tìm người sửa chữa, thay thế thiết bị khi đang mùa vụ cho nông dân, ông Lê Xuân Minh, Giám đốc Hợp tác xã Phương Hưng (thị trấn Gia Lộc) cho biết: “Năm 2023, trạm bơm Cửa Hàng ở thôn Phương Khê bị hỏng, phải tạm dừng bơm nước 2 ngày để sửa chữa. Chúng tôi chạy đôn chạy đáo tìm người sửa chữa để kịp bơm nước nhưng cũng không làm được ngay do phải chờ thiết bị".

may - bom 8
Hệ thống bể dẫn, kênh hút... ở nhiều trạm bơm bị bồi lắng, hỏng hóc, không được sửa chữa đồng bộ

Sản xuất nông nghiệp vẫn là nguồn thu nhập chính của nông dân Gia Lộc, nhất là trồng cây vụ đông cho giá trị kinh tế cao. Hệ thống trạm bơm nơi đây cần được đầu tư kịp thời, đồng bộ, giúp người dân tưới tiêu cho cây trồng được thuận lợi.

THANH HÀ