Chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ và canh tác khoai tây
Hội thảo do nhóm đối tác công-tư (PPP) về rau quả trong khuôn khổ Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững (PSAV) vừa tổ chức tại Hải Dương nhằm chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ và canh tác khoai tây.
Ngày 25/10, tại Hải Dương, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đại diện khối công; đại diện khối tư là các Công ty: TNHH Thực phẩm PepsiCo Việt Nam và Syngenta phối hợp tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ và canh tác khoai tây tại các tỉnh phía Bắc.
Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc ngành nông nghiệp của Trung ương và 13 tỉnh, thành phố phía Bắc sản xuất khoai tây; đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong chuỗi giá trị ngành hàng khoai tây; hơn 100 nông dân trồng khoai tây tại 13 tỉnh, thành phố phía Bắc...
Mục tiêu của hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ và thực tiễn tốt trong hoạt động canh tác khoai tây, đồng thời khởi động vụ khoai tây đông xuân 2024-2025. Hội thảo đồng thời trao đổi các nội dung hợp tác PPP để phát triển mô hình chuỗi giá trị khoai tây bền vững, năng suất cao tại các tỉnh phía Bắc trong năm 2025, hướng tới mô hình chuỗi giá trị ngành hàng khoai tây, bảo đảm sản xuất gắn bó chặt chẽ với chế biến.
Sau hơn 10 năm triển khai trồng khoai tây tại các tỉnh Tây Nguyên, nhóm đối tác PPP đã triển khai các mô hình thí điểm trong vụ đông xuân 2023-2024 ở 2 tỉnh Thanh Hóa và Hải Dương. Kết quả: năng suất khoai tây cao hơn đáng kể, tiết kiệm nước và tăng thu nhập cho nông dân. Thực tế đó cho thấy ngành hàng khoai tây Việt Nam còn khá nhiều dư địa tăng trưởng.
PepsiCo đang hoàn thiện đầu tư xây dựng nhà máy thực phẩm mới tại Hà Nam, với công suất dự kiến hơn 20.000 tấn snack/năm. Việc doanh nghiệp phối hợp mở rộng mô hình ra các tỉnh phía Bắc cũng là nhằm chuẩn bị vùng nguyên liệu bảo đảm chuỗi cung ứng tại chỗ, chất lượng.
Dự kiến, vụ đông xuân 2024-2025, PepsiCo tiếp tục phối hợp với Syngenta và các đối tác trong chuỗi giá trị khoai tây triển khai thực hiện 9 mô hình sản xuất khoai tây bền vững ứng dụng công nghệ cao tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng, trong đó có Hải Dương, với tổng diện tích dự kiến 23 ha.
Việc mở rộng vùng nguyên liệu giúp nông dân có thêm lựa chọn cây trồng và cơ hội có thu nhập ổn định từ trồng khoai tây. Không chỉ được tiếp cận các kỹ thuật canh tác tiên tiến, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, có trách nhiệm, bà con trồng khoai tây khu vực phía Bắc còn được hướng dẫn ứng dụng số hóa trong nông nghiệp như thăm đồng bằng drone (sử dụng thiết bị bay không người lái), quản lý canh tác, điều chỉnh nước tưới ngay trên ứng dụng smartphone...
Chia sẻ thông tin tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương Phạm Thị Đào cho biết, khoai tây trước kia là một trong những cây trồng chính trong vụ đông của tỉnh. Khoai tây tiêu thụ thuận lợi, thời gian sinh trưởng ngắn và thời vụ trồng kéo dài; có thể bảo quản tại nhà trong thời gian ngắn nên ít chịu áp lực tiêu thụ ngay sau thu hoạch, các giống dễ trồng, chăm sóc, có năng suất, chất lượng, thị trường tiêu thụ thuận lợi.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây do chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp dẫn đến tình trạng thiếu lao động. Mặt khác trồng khoai tây đòi hỏi nhiều công chăm sóc, thu hoạch, trong khi giống khoai tây người dân phải mua với giá cao, tiêu thụ sản phẩm không ổn định, đặc biệt khi người dân sản xuất quy mô lớn nên diện tích trồng khoai tây tại Hải Dương những năm gần đây có xu hướng giảm...
“Đến nay, diện tích khoai tây toàn tỉnh Hải Dương khoảng 700 ha/năm, tập trung nhiều ở một số địa phương như huyện Tứ Kỳ 176ha, huyện Thanh Miện 120ha, huyện Kim Thành 68ha, thị xã Kinh Môn 66ha, huyện Thanh Hà 54ha... Năng suất bình quân 144,61 tạ/ha, tổng sản lượng 10.788 tấn”, bà Phạm Thị Đào thông tin.