Lao động - Việc làm

'Nên tăng lương hưu từ năm 2025'

VN (theo VnExpress) 26/10/2024 15:20

Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề xuất xem xét tăng lương hưu và tăng trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025 bởi có nhiều ngày lễ lớn của đất nước.

tran-hoang-ngan-tang-luong.jpg
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân

Thảo luận tổ tại Quốc hội sáng 26/10, phó giáo sư Trần Hoàng Ngân (Trợ lý Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh), nhắc lại 4 ngày trước, Chính phủ muốn bảo đảm cân đối ngân sách đã kiến nghị năm 2025 chưa xem xét tăng lương hưu, lương khu vực công, trợ cấp ưu đãi người có công.

"Tôi chỉ ủng hộ một phần đề xuất này của Chính phủ", ông Ngân nêu quan điểm.

Ông giải thích từ ngày 1/7 năm nay, lương cơ sở tăng lên 2,34 triệu đồng/tháng nên lương của cán bộ công chức viên chức khu vực công "khá hơn một chút". Tuy nhiên, các cơ quan cần lưu ý đến tiền lương khu vực giáo dục, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, cũng như lương của đội ngũ y bác sĩ. "Tôi thấy tiền công các ca mổ quá thấp. Nhưng quan trọng hơn là lương hưu thấp lắm", ông Ngân phát biểu.

Vì vậy ông đề nghị Chính phủ có thể không tăng lương khu vực công, nhưng phải tăng lương hưu và tăng trợ cấp an sinh xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công vào năm 2025. Ông cho rằng không tăng lương hưu, trợ cấp người có công thì niềm vui sẽ giảm vì đây là năm có nhiều ngày lễ lớn của dân tộc như kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng, 80 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, 50 năm thống nhất đất nước. Tăng lương hưu và trợ cấp người có công còn giúp kích thích tiêu dùng.

Ngoài ra, ông cũng đề nghị tăng mức giảm trừ gia cảnh và nộp thuế thu nhập cá nhân để cải thiện thu nhập của người dân, hỗ trợ tăng trưởng.

Chung ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TP Hồ Chí Minh Trần Kim Yến cho rằng khi lao động đi làm, mức lương thưởng sẽ được hưởng theo kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng, trí tuệ, nhưng khi về hưu không còn khoản này. Vì vậy, bà Yến đề nghị các cơ quan tiếp thu ý kiến cử tri, để có chính sách phù hợp cho những người hưởng lương hưu.

Nữ đại biểu cũng đề xuất bắt buộc các doanh nghiệp phải đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho người lao động làm nghề giao hàng (shipper). Hiện nay, quy định bắt buộc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chỉ áp dụng với lao động có hợp đồng từ một tháng. Với các sàn thương mại điện tử, những người giao hàng đóng vai trò quan trọng, nhưng họ chỉ được coi là lao động phi chính thức.

Dù không có hợp đồng lao động chính thức nhưng mối quan hệ giữa người giao hàng và các sàn thương mại điện tử có ràng buộc. Họ phải đạt được mức chỉ số nhất định mới được hưởng mức lương, thưởng tương xứng. Vì vậy, hợp đồng lao động cần nhìn nhận không chỉ là văn bản ký kết giữa hai bên mà còn bao gồm cả thỏa thuận về chỉ số hiệu quả công việc và lương thưởng.

"Đội ngũ lao động này nếu không được tham gia bảo hiểm bắt buộc thì về lâu dài, khi họ về già không làm được công việc này nữa sẽ là gánh nặng cho xã hội", bà Yến phân tích.

Trước đó từ ngày 1/7, khoảng 3,3 triệu người được tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng 15%. Người hưởng lương hưu trước năm 1995 sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng một tháng thì tăng 300.000 đồng. Người có mức hưởng mỗi tháng từ 3,2 đến dưới 3,5 triệu thì điều chỉnh bằng 3,5 triệu đồng. Trợ cấp ưu đãi người có công lên gần 2,79 triệu đồng một tháng; trợ giúp xã hội là 500.000 đồng một tháng.

Từ năm 1995 đến hết 2023, Quốc hội, Chính phủ đã 23 lần điều chỉnh lương hưu. Hiện mức bình quân của người hưởng lương hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội là 5,6 triệu đồng/tháng; người hưởng lương hưu từ ngân sách nhà nước là 4,7 triệu đồng/tháng.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói vừa qua dù khó khăn nhưng Chính phủ đã dành nguồn lực khoảng 700.000 tỷ đồng, đến năm 2026 là 930.000 tỷ đồng cho điều chỉnh tiền lương. Thực hiện chính sách tiền lương và trợ cấp bảo hiểm, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp cho người có công cần một khoản nguồn rất lớn. Tuy nhiên, thực tiễn vẫn còn bất cập và Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị.

Bà Phạm Thị Thanh Trà cho biết tới đây, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục rà soát một số nhóm còn bất cập trên thực tiễn như nhân viên hành chính sự nghiệp, giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, nhân viên y tế. Chính phủ sẽ rà soát tổng thể để đề nghị điều chỉnh phụ cấp cho phù hợp theo tinh thần nghị quyết của Trung ương, kết luận của Bộ Chính trị.

"Làm sao bảo đảm với những nhóm đặc thù cần có sự quan tâm, ưu tiên hơn, bảo đảm được đời sống của họ tốt hơn", bà Trà nhấn mạnh.

VN (theo VnExpress)